Trong phần tiếp theo cuộc trò chuyện với VietNamNet, PGS-TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan TƯ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đưa ra nhiều phân tích vềnhững lưu ý của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liên quan đến công tác nhân sự Đại hội XIII.
Cán bộ tốt thì dù nguồn lực hạn hẹp, đất nước vẫn phát triển
Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nhấn mạnh: “Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt", có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ”. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay, nhất là khi Đại hội 13 đang cận kề?
Trong di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Bác dùng từ cán bộ “tốt” hoặc “kém” chứ không có cán bộ xấu.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, chúng ta phải thấy “chưa có nhiệm kỳ nào mà Trung ương, Bộ Chính trị lại ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác cán bộ và cán bộ nhiều như nhiệm kỳ này”.
Cụ thể là Nghị quyết số 26 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hay như Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…
Như vậy có thể nói, nhiệm kỳ khóa XII này, Đảng ta vàTổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến công tác bộ. Bài viết của Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác cán bộ.
Theo ông, tại sao trong nhiệm kỳ này, Đảng ta và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác cán bộ?
Cán bộ vừa là người đề ra chủ trương, đường lối, chính sách; xây dựng Hiến pháp, pháp luật và cũng là người tổ chức thực hiện. Vì vậy đòi hỏi phải có cán bộ tốt cả về phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực.
Cán bộ có phẩm chất chính trị tốt là phải kiên định, trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin; với chủ trương, đường lối của Đảng. Hay nói một cách tổng quát là phải kiên định với con đường độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng ta và Nhân dân đã chọn. Có như thế họ mới toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Và họ cũng phải có trình độ, năng lực tốt thì mới đưa được đường lối đúng đắn để đưa đất nước phát triển, đạt được mục tiêu như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói là đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có thu nhập cao.
Còn ngược lại, nếu cán bộ không có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không có trình độ, năng lực cao thì không thể nào đưa ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn; không thể xây dựng Hiến pháp, pháp luật phù hợp.
Khi có đường lối, chủ trương đúng rồi; Hiến pháp, pháp luật đúng rồi mà cán bộ thực thi không đúng, không phải vì dân, vì nước mà nhằm vào lợi ích của nhóm mình, nhằm vào lợi ích của gia đình, của cá nhân mình như một số trường đã bị xử lý kỷ luật và cả hình sự vừa qua thì sẽ làm cho đất nước không phát triển, làm tiêu hao nguồn lực phát triển.
Qua rất nhiều vụ án vừa rồi cho thấy, mặc dù đất nước còn nghèo nhưng một số nhóm lợi ích vẫn cứ vơ vét vào túi cá nhân để làm giàu cho mình và nhóm của mình.
Điển hình như vụ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, vụ Vinashin, vụ AVG… làm thất thoát hàng trăm, hàng ngàn tỷ...
Từ đó mới thấy, nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên mà Đảng ta hay nói là “một bộ phận không nhỏ” suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm. Hoặc như một số người thường nói “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất hiện ở nước ta, vơ vét của cải của dân, của nước vào túi cá nhân, vào nhóm lợi ích thì rất nguy hiểm.
Còn nếu cán bộ tốt thì với nguồn lực dù hạn hẹp, người ta vẫn có thể tổ chức thực hiện, làm cho đất nước phát triển, tăng năng suất lao động, đời sống nhân dân vẫn được nâng lên, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân.
Cán bộ cấp chiến lược thế hệ 7X không được "chệch hướng"
Liên quan đến công tác cán bộ nói chung và chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII nói riêng, gần đây Đảng ta cũng như trong các phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn nhấn mạnh đến tiêu chuẩn "chính trị, tư tưởng"?
Nhân sự Đại hội XIIIphần lớn là các đồng chí sinh ra trước và sau năm 1975, chúng ta thường gọi là 7X sắp tới đây sẽ tham gia Ban Chấp hànhTrung ương rất nhiều. Những đồng chí này không được rèn luyện, thử thách qua những cuộc chiến tranh ; không được rèn luyện thử thách trong thời kỳ đất nước còn rất khó khăn.
Sắp tới, họ trở thành cán bộ cấp chiến lược, tham gia Ban Chấp hành Trung ương, là đội ngũ đề ra đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Nếu chúng ta chọn không đúng, không trúng sẽ không có một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, đoàn kết như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn.
Để trở thành một tập thể mạnh, đoàn kết thì Ban Chấp hành Trung ương khóa tới mà trực tiếp là các cán bộ cấp chiến lược thế hệ 7X phải có phẩm chất chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, không được "chệch hướng".
Tổng Bí thư có lưu ý việc "đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số". Theo ông để thực hiện việc này, ngoài bản lĩnh chính trị vững vàng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải thích ứng như thế nào?
Yêu cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải là những đồng chí đi tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo và phải chủ động trong việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Những đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là những người đầu tàu dẫn dắt đất nước ta chớp lấy thời cơ của cuộccách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đưa đất nước đi lên. Nếu chúng ta bỏ lỡ thời cơ này thì khó để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Bên cạnh việc chuẩn bị những dự thảo văn kiện tốt, chất lượng để trình Đại hội xem xét, quyết định, vấn đề lựa chọn nhân sự giới thiệu đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII mang tính chất quyết định cho sự phát triển đất nước trong thời gian tới.
Đề tránh tình trạng hàng loạt các bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật và cả hình sự như vừa qua, theo ông, ngoài các quy định, quy trình nhân sự chặt chẽ cần thêm "bộ lọc" nào khác?
Chúng tôi đã đề nghị, trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải rà soát từng nhân sự một trước khi giới thiệu để Đại hội bầu vào Trung ương khóa XIII.
Phải rà soát từng người một về mặt phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ xem có đáp ứng được nhu cầu đặt ra. Chỉ đồng chí nào đáp ứng được tất cả các mặt đó thì mới giới thiệu để Đại hội bầu. Còn những đồng chí nào có cái gì đó lấn cấn, cái gì đó chưa đáp ứng được hoặc là ai đó còn theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” dứt khoát không đưa vào danh sách.
Ngay từ đầu chúng ta phải chọn danh sách giới thiệu để Đại hội bầu, không để lặp lại tình trạng như Đại hội XII. Tức là không để một số nhân sự được bầu vào Trung ương, thậm chí bầu vào Bộ Chính trị rồi sau đó, chính một số đồng chí bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố.
Nếu như mà Đại hội XIII tiếp tục lặp lại sai lầm Đại hội XII, để một ai đó vẫn được bầu ở Trung ương, vào Bộ Chính trị rồi sau Đại hội tiến hành xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng, truy tố về mặt hình sự thì Đảng ta sẽ tự mình làm mất uy tín của mình trước nhân dân. Bài học của Đại hội XII đã rõ, Đại hội XIII này không được lặp lại sai lầm đó.