Thực tiễn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ASEAN
Sản xuất công nghiệp 4.0 mô tả về một môi trường mà máy tính, tự động hóa và con người nói chung sẽ cùng nhau làm việc theo một cách hoàn toàn mới.
Những robot, hay máy móc nói chung sẽ được kết nối vào những hệ thống máy tính. Các hệ thống này sử dụng thuật toán “machine learning” (học máy) để học hỏi và điều khiển máy móc, theo đó rất ít thậm chí là không cần sự can thiệp nào từ con người. Đây là lý do mà nhiều người gọi sản xuất công nghiệp 4.0 như là một “nhà máy thông minh”.
Đặc điểm cơ bản của nền sản xuất công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh (Smart production); Kết nối vạn vật (Internet of Things); Điện toán đám mây (Cloud computing); Hệ thống thực – ảo (Cyber-Physical Systems).
Theo sách Trắng do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) phối hợp thực hiện, DNNVV là động lực tăng trưởng, là xương sống của các nền kinh tế ASEAN, chiếm tới 89 - 99% tổng số doanh nghiệp (DN), tạo việc làm từ 51,7 - 97,2%.
Tuy nhiên, một báo cáo của công ty tư vấn Bain & Company công bố năm 2018 cho thấy rằng các DNNVV chỉ đóng góp 20% giá trị xuất khẩu cho đất nước mình. Chỉ có 16% các DNNVV của ASEAN thực sự sử dụng các công cụ số.
Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra, tạo cơ hội để các quốc gia đi sau vươn lên mạnh mẽ và đạt được những mốc phát triển mới về kinh tế. Cuộc cách mạng này cũng tạo ra cơ hội to lớn cho các DNNVV ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới để có thể bứt phá, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đạt được sự phát triển cao hơn.
Trong khi đó, các DNNVV tại khu vực Đông Nam Á, có thể là do thiếu nhận thức, kiến thức hoặc nguồn lực, vẫn chưa khai thác hết được những tiến bộ của CMCN 4.0. Một thực tế đáng lo ngại là số lượng các DNNVV trong khu vực và tầm quan trọng ngày càng tăng của CMCN 4.0. trong việc triển khai các dây chuyền sản xuất hiệu quả còn hạn chế.
Để bắt kịp làn sóng CMCN 4.0, các DN này cần nỗ lực thay đổi trình độ quản trị DN; đồng thời sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới và biến nó thành động lực phát triển, đem lại lợi ích cho chính DN của mình.
Bên cạnh đó, DN cũng cần phải chú trọng đến vấn đề xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số gắn với yếu tố cạnh tranh và nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng. Đối với người lao động, cần phải nhanh chóng tiếp cận ứng dụng khoa học công nghệ, làm chủ được thiết bị, máy móc để nâng cao năng suất lao động...
Thực tế, nhiều DNNVV bị hạn chế về khả năng tăng trưởng hoặc ứng dụng các công nghệ mới do không tiếp cận được nguồn tài chính, các dịch vụ kinh doanh và thông tin. Kinh nghiệm từ Rold - một DNNVV của Ý chuyên sản xuất khóa cửa cho máy giặt và máy rửa bát - có thể giúp các DNNVV trong lĩnh vực sản xuất của ASEAN xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghiệp 4.0 chi tiết và hiệu quả.
Hệ thống nhà máy thông minh (SmartFab) của Rold
Nhà máy của Rold nằm ở Cerro Maggiore, cách thủ đô Milan khoảng 20 km về phía Tây Bắc, gần đây được WEF coi là một trong những “Ngọn hải đăng của cuộc CMCN 4.0” - một thuật ngữ được WEF sử dụng để mô tả các địa điểm sản xuất tiên tiến đã triển khai thành công các công nghệ của CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy lợi nhuận tài chính và hoạt động.
Trong số 16 nhà máy được chọn từ danh sách ngắn gồm 1.000 nhà máy tham gia mạng “Các nhà máy của tương lai” của WEF, nhà máy của Rold nổi bật lên như là DNNVV duy nhất trong bảng danh sách.
Việc ứng dụng công nghệ sản xuất số để tăng năng suất và chất lượng trong bối cảnh của một DNNVV, Rold - chỉ có 250 nhân viên làm việc toàn thời gian - đã chứng minh rằng các DNNVV có thể ứng dụng công nghiệp 4.0 ngay cả khi có vốn đầu tư hạn chế bằng cách sử dụng công nghệ tích hợp sẵn (off-the-shelf) và hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ cũng như các trường đại học. Ví dụ, trong trường hợp Rold, doanh nghiệp này chỉ thuê có ba lập trình viên.
Hệ thống nhà máy thông minh (SmartFab) của Rold sử dụng các thiết bị như màn hình cảm ứng, điện thoại thông minh và đồng hồ thông minh hàng ngày để quản lý các thông báo từ cảm biến trên máy đến người vận hành trong thời gian thực, dẫn đến đáp ứng nhanh hơn với các tình huống khẩn cấp tiềm ẩn bằng cách duy trì kết nối liên tục.
Màn hình cảm ứng được lắp đặt dọc theo các dây chuyền sản xuất để kiểm soát và phân tích thông tin quan trọng nhất, cung cấp dữ liệu có giá trị sẵn sàng cho các nhà vận hành phân tích và đưa ra quyết định hành động phù hợp. Trong khi đó, các văn phòng được kết nối từ xa với màn hình cảm ứng để ban quản lý có thể giám sát toàn diện quy trình sản xuất.
Hệ thống thông báo smartwatch mà Rold sử dụng cho cảnh báo máy của mình
Ngoài ra, việc mô hình hóa chi phí để hỗ trợ các quyết định mua sắm sử dụng dữ liệu được thu thập từ các thiết bị IoT trên sàn cửa hàng, kết hợp với các công cụ kinh doanh thông minh, giúp tăng độ chính xác của các mô hình chi phí của Rold.
Trong khi đó, việc tạo mẫu thiết kế nhanh chóng thông qua công nghệ chế tạo đắp lớp (additive manufacturing) 3D đã giúp rút ngắn thời gian đưa ra thị trường khi giới thiệu sản phẩm mới.
Nhìn chung, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến này đã giúp Rold đạt được mức tăng trưởng 7 - 8% tổng doanh thu từ năm 2016 - 2017, với hiệu quả thiết bị tổng thể (OEE) tăng 11%.
Giám đốc phát triển kinh doanh của Rold, Luca Cremona, cho biết: “Số hóa đồng nghĩa với sự phát triển và việc này thường đòi hỏi với một nguồn lực và tài sản lớn nên thường khả thi cho các tổ chức, DN lớn”.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình, Rold tin rằng số hóa cũng có thể phù hợp với mô hình kinh doanh của một DNNVV mà sẵn sàng đổi mới cũng như chuyển đổi các quy trình, kỹ năng và chiến lược của mình. Rold đã thành công trong việc tích hợp và ứng dụng các công nghệ mới vào các quy trình của mình nhờ việc đặt mục tiêu, quản lý nguồn nhân lực và đưa ra cam kết rõ ràng từ Ban Giám đốc.
Trong khi, các DN lớn được coi là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ CMCN 4.0, kinh nghiệm tử Rold đã cho thấy rằng các DNNVV - dù ở Ý hay ASEAN – cũng có thể kết hợp các quy trình như vậy và đạt được thành công nếu họ có chiến lược rõ ràng và kết hợp đúng đắn của các yếu tố.