Sách chuyên khảo hay thời 4.0: "Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai"

TH| 25/03/2022 09:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Với gần 350 trang, 5 chương của cuốn sách "Phát triển năng lực – Kiến tạo tương lai" là "sự bừng tỉnh" cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp (DN) trong việc giải quyết vấn đề mấu chốt "nâng cao năng lực đội ngũ" đã và đang phải đối mặt trong thời gian dài.

Đặt ra vấn đề cốt lõi về phát triển nguồn nhân lực trong các DN hậu đại dịch

Vừa ra mắt, cuốn sách chuyên khảo "Phát triển năng lực – Kiến tạo tương lai" do TS. Bùi Quang Tuyến - Giám đốc Học viện Viettel làm chủ biên đã gây chú ý của nhiều nhà quản lý, học giả và độc giả.

Cuốn sách đã đưa ra 6 xu hướng dẫn dắt sự thay đổi của các DN trong tương lai, từ đó chỉ ra những cách thức mới để phát triển. Trong đó, các gợi ý cụ thể đáng tham khảo như: Gắn phát triển nhân sự thật chặt với mục tiêu chiến lược; tìm ra những hướng dẫn sát nhất với công việc; tìm đúng nhu cầu thay vì "đuổi hình bắt chữ"; định hình các ưu tiên; chuyển đổi triệt để từ học hỏi bị động sang trang bị một văn hóa học hỏi chủ động và liên tục; xây dựng một hệ thống quản lý tri thức.

Ngày nay, khi công nghệ số đang thống trị và ước tính đến năm 2030, có gần 1 tỷ việc làm cần phải trang bị các năng lực mới, DN có thể tham khảo và ánh xạ vào chiến lược phát triển của mình với bốn lĩnh vực năng lực chủ đạo (nhận thức, tương tác, lãnh đạo bản thân, kỹ năng số) dành cho nhân viên… Thêm vào đó, tác động của dịch COVID-19 đã và đang đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số, cho phép các công ty đi đầu trong chuyển đổi số có được những lợi thế nhất định. Bởi vậy, cuốn sách như là một tài liệu chỉ dẫn hướng tới xây dựng môi trường học tập chủ động trong các tổ chức, DN, từ đó phát triển năng lực đội ngũ, văn hóa học tập và hình thành tổ chức học tập trong thời kinh tế số…

PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cuốn sách là một sự kết hợp đầy thú vị về góc nhìn thực tiễn với những lý thuyết học tập và quản trị nhân sự trong DN. Tâm huyết và tri thức của nhóm tác giả đã thể hiện sâu sắc trong từng nội dung, từng trang sách. Với kiến thức cập nhật và thông tin phong phú, đây là một công trình nghiên cứu không chỉ có giá trị khoa học mà còn cung cấp những chỉ dẫn thiết thực cho các nhà quản lý trong việc xây dựng một hệ sinh thái học tập để phát triển năng lực đội ngũ trong thời kỳ chuyển đổi số.

Lối tư duy mới mẻ về vấn đề đào tạo trong DN hiện đại

Bằng những lập luận sắc bén, bằng các ví dụ từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và trong nước, những phân tích chi tiết về từng trường hợp một cách sinh động của nhóm tác giả giúp các nhà quản lý tìm ra phương pháp phát triển nguồn nhân lực nhanh nhất: gắn phát triển nhân sự với mục tiêu phát triển của tổ chức; chuyển đổi học tập từ bị động sang trang bị một văn hóa học hỏi chủ động và liên tục; xây dựng và quản lý hệ thống quản trị tri thức trong DN…

Ngày nay, các tổ chức nói chung và những nhà lãnh đạo nói riêng cần thay đổi nhiều lối tư duy cũ để trang bị cho mình những nhận thức cập nhật có giá trị. Quá trình chủ động quên đi những gì đã học (unlearn) cũng chính là một nỗ lực học hỏi với tinh thần tự nguyện và quyết tâm cao mang ý nghĩa to lớn với sự phát triển của một cá nhân cũng như một tổ chức, giống như câu nói của nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler: "Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không biết học hỏi, quên đi chính những thứ mình đã học và tiếp tục học cái mới".

Sách hay thời 4.0:

Cuốn sách được các độc giả đón nhận như một món quà tri thức có ý nghĩa.

Đánh giá cao lối tư duy mới mẻ được TS. Bùi Quang Tuyến và nhóm tác giả đưa ta trong cuốn sách về vấn đề đào tạo trong DN ngày nay, từ triết lý giáo dục đến tầm nhìn tương lai, từ mục tiêu đào tạo đến những phương thức giảng dạy dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, PGS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết: "Tất cả những gì trong tác phẩm này đều có những nét mới mà việc đào tạo của các DN ở những thập kỷ trước không thấy có. Tôi cho rằng, với những góc nhìn mới, những phân tích, đánh giá sâu sắc và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao, tác phẩm này cần được lan tỏa để nhiều tổ chức, DN tham khảo, đồng thời chia sẻ những ý tưởng mới, những kinh nghiệm hay thì chắc chắn sẽ đem lại nhiều giá trị trong việc phát triển năng lực đội ngũ".

Mang lại giá trị hữu ích trong công tác quản lý giáo dục đào tạo tại Việt Nam

Tại một hội nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng cho rằng, thách thức đối với giáo dục và đào tạo rất lớn, bởi vừa phải củng cố những yếu tố mang tính nền tảng, tối thiểu, vừa phải thực hiện hiện đại hóa toàn bộ nền giáo dục và chuyển đổi số giáo dục và đào tạo. "Muốn đào tạo nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải có một nền giáo dục 4.0" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Tri thức là một trong những tài sản quý giá của tổ chức, DN, cuốn sách cung cấp một phương thức tiếp cập và quản trị tri thức phù hợp với xu thế phát triển để mang lại lợi thế cạnh tranh.

Với những góc nhìn độc đáo, luận giải thuyết phục của nhóm tác giả về vấn đề quản trị tri thức, tổ chức học tập, đào tạo tại DN thời 4.0, cuốn sách "Phát triển năng lực – Kiến tạo tương lai" đã mang lại những giá trị thiết thực không chỉ cho công tác đào tạo và học tập tại DN mà còn hữu ích cho những người làm công tác quản lý giáo dục tại Việt Nam hiện nay.

Có thể nói, đây là cuốn sách quý giúp người đọc có được những nhận thức mới làm nền tảng cho những nỗ lực đột phá trong hành trình đi lên của mình. Cuốn sách này là một cẩm nang mà thế hệ trẻ, lãnh đạo DN và các nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua.

Sách hay thời 4.0:

TS. Bùi Quang Tuyến trong một buổi tọa đàm về chuyển đối số trong DN.

Về chủ biên TS. Bùi Quang Tuyến, hiện ông là Giám đốc Học viện Viettel - Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân Đội. Ông có hơn 20 năm công tác tại Viettel, giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các cơ quan, đơn vị của Tập đoàn Viettel. Ông là người đã trực tiếp tham gia vào việc xây dựng chiến lược, thương hiệu, trực tiếp điều hành xây dựng hệ thống kênh phân phối và các chính sách kinh doanh của Viettel.

Hiện ông đang là giảng viên kiêm nhiệm/thỉnh giảng của các trường: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại Thương, Đại học FPT, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) - Đại học Quốc gia Hà Nội và tham gia giảng dạy cho nhiều tổ chức, DN về chuyển đổi số và các lĩnh vực quản trị khác

Là người tâm huyết trong xây dựng văn hóa học tập, phát triển năng lực đội ngũ… TS. Bùi Quang Tuyến cũng đã cho ra mắt nhiều cuốn sách về quản trị DN, trong đó phải kể đến 02 cuốn sách mang tên "Hành trình tri thức thời kinh tế số" và "Năng lực động trong lý thuyết cạnh tranh hiện đại" (2020), được giới học thuật và các nhà lãnh đạo, quản lý DN đánh giá cao./.

Bài liên quan
  • Cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực
    Ước tính ngành bán dẫn toàn cầu sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Tại Việt Nam, hiện có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động, trong đó có những cái tên đáng chú ý như: Intel, Amkor, Hana Micron, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo, Lam Research, Coherent.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sách chuyên khảo hay thời 4.0: "Phát triển năng lực - Kiến tạo tương lai"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO