Sản phẩm tích hợp AI chỉ có ý nghĩa khi giải quyết được vấn đề mà xã hội cần
Với sự bùng nổ của ChatGPT, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến và gần gũi hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sản phẩm tích hợp AI chỉ có ý nghĩa khi giải quyết được vấn đề thực tế mà xã hội cần.
ChatGPT và làn sóng công nghệ AI mới
Theo công ty phân tích dữ liệu Similar Web, Chatbot do OpenAI sở hữu, đã dễ dàng đánh bại tốc độ tăng trưởng của các ứng dụng lớn như TikTok hay Instagram.
Với nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực AI, TS. Châu Thành Đức, Giám đốc Khoa học dữ liệu của Zalo, nhận định, ChatGPT sẽ phổ biến trong tương lai gần vì tính hữu dụng. Sự xuất hiện của ChatGPT sẽ kéo theo một làn sóng công nghệ AI và các sản phẩm AI hiện đại trong tương lai gần.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khoa học của Zalo, cho rằng, ChatGPT là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của các mô hình ngôn ngữ lớn. Sự bùng nổ các ứng dụng dựa trên ChatGPT nói riêng hay các mô hình ngôn ngữ lớn nói chung, có thể giải quyết nhiều yếu tố trong thực tiễn, tăng hiệu suất làm việc đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Chỉ khi giải quyết bài cuộc sống cần, AI mới có giá trị
Đề cập tới tính thực tiễn, ứng dụng của sản phẩm công nghệ, TS. Châu Thành Đức cho rằng, Zalo hướng sự tập trung vào các sản phẩm cần đến AI. Sản phẩm tích hợp AI chỉ có ý nghĩa khi nó giải quyết được vấn đề thực tế mà xã hội cần.
Do đó, Zalo AI chỉ đầu tư nghiên cứu, phục vụ nhu cầu thực tế, ví dụ, các công nghệ có tính ứng dụng lớn hiện tại như: nhận dạng hình ảnh cho eKYC (định danh khách hàng điện tử); công nghệ nhận dạng gương mặt (face ID); công nghệ nhận dạng và tổng hợp giọng nói với sản phẩm trợ lý giọng nói tiếng Việt- Kiki,...
Từ nhu cầu thật của sản phẩm, Zalo xác định cụ thể bài toán AI cần giải là gì, kết quả như thế nào mới đủ đưa vào thực tế, từ đó, đặt mục tiêu cho nghiên cứu. Tiếp đến, nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm những công nghệ hiện có trên thế giới để xem kết quả và khoảng cách từ hiện tại tới nhu cầu thực tế là bao xa. Sau đó, đội ngũ Zalo AI tìm giải pháp nhằm xóa bỏ khoảng cách đó.
Rừ nghiên cứu trong phòng nghiên cứu đến thực tế là cả một quá trình, đôi khi AI cho kết quả tốt trong môi trường thử nghiệm nhưng lại không đạt trong thực tế, do nhiều yếu tố bất định. Từ những lý do trên, việc sử dụng, phân tích nhược điểm, cải tiến mô hình rồi lại đưa vào sử dụng… là một vòng lặp không bao giờ kết thúc, TS. Châu Thành Đức phân tích.
Đơn cử, với sản phẩm trợ lý giọng nói tiếng Việt - Kiki, từ khi ra mắt thị trường vào tháng 12/2020 đến nay, trong quá trình vận hành thực tế, đội ngũ kỹ sư của Zalo AI không ngừng nâng cấp tính ổn định và độ chính xác. Hiện, Kiki trên Zing MP3 đã hoạt động ổn định hơn 60% so với thời điểm ban đầu; chỉ số thể hiện chất lượng nhận diện giọng nói cải thiện 35%.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận ở chiều ngược lại, việc một sản phẩm AI nghiên cứu xong nhưng không được đưa ra được thị trường, hoặc đã đưa ra thị trường nhưng lại bị từ bỏ là điều không hiếm, thậm chí nhiều. Đằng sau một sản phẩm AI, có rất nhiều yếu tố quyết định sự thành bại của nó. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là thị trường. Một sản phẩm tích hợp AI sẽ không có ý nghĩa nếu nó không giải quyết được một vấn đề nào đó mà xã hội đang quan tâm, thị trường cần, người tiêu dùng đang tìm kiếm.
“Mới đây, trợ lý giọng nói tiếng Việt - Kiki, đã cán mốc 300.000 lượt cài đặt sử dụng trên xe ô tô sau quãng thời gian ngắn. Tôi nghĩ, đây chính là sự ghi nhận của người dùng đối với một sản phẩm AI mang tính ứng dụng trong cuộc sống”, Giám đốc Khoa học Dữ liệu của Zalo chia sẻ./.