- Thưa ông, sau hai năm thực hiện "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hạ tầng số của Việt Nam có tăng trưởng đạt yêu cầu "phát triển nhanh, phát triển trước"?
- Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nói trên xác định sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tạo nền móng cho công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, lĩnh vực viễn thông sẽ tập trung vào nhiệm vụ: phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu của nền kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.
Để đạt yêu cầu trên, Cục Viễn thông đã tập trung nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Tính đến hết tháng 4/2022, mạng viễn thông đã được triển khai ở mọi miền đất nước. Thiết lập hơn 127 nghìn vị trí trạm thu phát sóng di động (với công nghệ 2G/3G/4G/5G) phủ sóng băng rộng di động (3G/4G/5G) tới 99% tổng số thôn/bản trên toàn quốc.
Số thuê bao băng rộng di động đạt hơn 78,16 triệu thuê bao, tăng 14% so cùng kỳ năm 2021. Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone đạt 92,6 triệu, chiếm 74,7% tổng số. 100% số máy điện thoại nhập khẩu đã tích hợp 4G, đạt tiêu chuẩn giao tiếp không dây tốc độ cao (VoLTE).
Hơn 1,1 triệu km cáp quang cũng đã được triển khai, số hộ gia đình có đường cáp quang (FTTH) đã đạt hơn 19,46 triệu (chiếm 70,22% tổng số hộ gia đình), tăng hơn 9% so thời điểm tháng 4/2021. Đặc biệt, năm 2021, Cục đã xử lý gần 1,1 triệu SIM có dấu hiệu thông tin thuê bao không đúng quy định; chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; xử lý 227 nghìn thuê bao phát tán cuộc gọi rác.
Có thể nói, hiện hạ tầng viễn thông băng rộng đã được các doanh nghiệp viễn thông triển khai sẵn sàng đáp ứng cho nhu cầu chuyển đổi số của mọi người dân và xã hội trên mọi miền đất nước.
- Tính đến tháng 12/2017, sau 20 năm internet có mặt tại Việt Nam, chúng ta có khoảng 50 triệu người dùng internet. Vậy sau 25 năm, con số ấy đã tăng trưởng như thế nào, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa?
- Sau 5 năm kể từ năm 2017, tính đến tháng 3/2022, Việt Nam đã có 72,10 triệu người dùng internet - tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2021 và tăng hơn 44% so thời điểm 12/2017. Ngoài ra, về chất lượng dịch vụ, tốc độ băng rộng cố định hiện đã đạt 71,86 Mbps (tăng 52,54% so cùng kỳ năm 2021), xếp hạng 46/181 quốc gia; tốc độ di dộng 33,86 Mbps (tăng 15,56% so cùng kỳ năm ngoái), xếp 53/142 quốc gia.
Đồng thời, với chủ trương của Chính phủ "không bỏ ai lại phía sau", Bộ TT&TT đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp: Đối với các hộ nghèo và cận nghèo, Bộ đã đề xuất nội dung hỗ trợ điện thoại thông minh vào Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 về phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Theo đó, sẽ hỗ trợ một phần chi phí smartphone cho 400.000 hộ gia đình chưa có máy tính bảng.
Chúng tôi cũng thúc đẩy triển khai các dịch vụ hành chính công trên môi trường mạng; để các ứng dụng tài chính, ngân hàng, ứng dụng học tập, y tế... ngày càng được phát triển, sử dụng nhiều trên điện thoại thông minh. Thông qua việc triển khai Chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021-2025, chúng tôi tiếp tục triển khai hạ tầng số ở các thôn bản thuộc khu vực công ích mà doanh nghiệp chưa thực hiện được.
- Thưa ông, việc ứng dụng công nghệ 5G đang được triển khai như thế nào?
- Công nghệ 5G là công nghệ mới hứa hẹn nhiều tiềm năng tạo ra nền tảng cho hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng số mới, tạo ra khả năng cung cấp dịch vụ với độ trễ thấp, mật độ thiết bị cao. Do đó, việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ 5G là một bước đi quan trọng. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thử nghiệm nhằm đánh giá về công nghệ và thị trường để xây dựng kế hoạch triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: Trong năm 2022, song song với việc khởi động nghiên cứu 6G, Viễn thông phải hoàn thành xong việc phân bổ tần số 4G, 5G và hoàn thành phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc. Thay vì dùng thiết bị nước ngoài thì dùng thiết bị trong nước, nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối. Cùng đó, ban hành tiêu chuẩn thiết bị viễn thông Việt Nam. Các nhà mạng khi đấu thầu mua sắm bắt buộc phải mời các doanh nghiệp thiết bị trong nước.
- Liệu mục tiêu thị phần dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp Việt Nam phải chiếm 40% trong năm 2022 có khả thi không, thưa ông?
- Nội dung Chương trình chuyển đổi số xem việc xây dựng và phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng cho điện toán đám mây là một yếu tố nền tảng, then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Thực tế đã chứng minh, việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây đem đến các lợi ích kinh tế, hiệu quả và bảo mật tốt hơn so với những hạ tầng máy chủ vật lý truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí máy móc, hạ tầng, sử dụng thông tin hiệu quả hơn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Thời gian qua, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền tảng điện toán đám mây như: Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ thông tin tích cực đầu tư trong lĩnh vực điện toán đám mây; Ban hành Quyết định số 186/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó xác định rõ Nền tảng điện toán đám mây doanh nghiệp (EGC) và Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (CGC).
Bộ cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông triển khai các trung tâm dữ liệu lớn để phục vụ phát triển nền tảng điện toán đám mây, cùng giải pháp đề nghị các cơ quan nhà nước ưu tiên sử dụng điện toán đám mây (Cloud first), theo đó tập trung ưu tiên sử dụng điện toán đám mây cũng như sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, làm chủ.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Việt Nam hiện có 39 nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp Việt chiếm thị phần 19,68%, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 80,32%.