Sáng kiến, sáng tạo: “Chìa khoá vàng” để khởi tạo Thủ đô thông minh, bền vững
Vượt lên trên nhiều khó khăn, thách thức, sau 2 năm thực hiện Phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã có hàng chục nghìn sáng kiến, sáng tạo từ các cơ quan, đơn vị. Nhiều sáng kiến khi áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực, tạo ra giá trị kinh tế cao.
Nhân rộng các sáng kiến, sáng tạo
UBND TP Hà Nội đã đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021 - 2025.
Từ phong trào trên, nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, áp dụng thành công các sáng kiến, sáng tạo, góp phần quan trọng vào tiến trình khởi tạo một Thủ đô thông minh, hiện đại, phát triển bền vững trên mọi mặt.
Có thể nói, trong giai đoạn phát động, thực hiện phong trào, Hà Nội đã trải qua vô vàn khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới mọi lĩnh vực. Tuy vậy, vượt lên trên tất cả, bằng ý chí quyết tâm của Thành uỷ, HĐND, UBND các cấp cùng sự đồng thuận của Nhân dân, Hà Nội đã phát hiện, ứng dụng thành công nhiều sáng kiến, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực, tạo ra giá trị kinh tế cao.
Tiêu biểu có thể nhắc tới sáng kiến “Khung nắn chỉnh ngoài tự chế trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy”. Bộ dụng cụ này được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam, đã áp dụng thành công tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh. Sáng kiến giúp quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn, không gây tai biến, giảm nhân lực và đặc biệt tiết kiệm được chi phí khi phải nhập bản chỉnh hình với trị giá hàng trăm triệu đồng, có khả năng áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.
Hay sáng kiến “Tối ưu hiệu quả đầu tư bằng việc quản lí chi phí tái cơ cấu khuôn đúc nhựa đang sử dụng cho sản xuất hàng loạt” của anh Nguyễn Văn Quý - Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam đã giúp giảm chi phí tái đầu tư khuôn đem lại giá trị làm lợi 15,2 tỷ đồng/năm. Sáng kiến “Tái sử dụng cán pin máy checker” của anh Phùng Viết Minh - Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI (Việt Nam) giúp giảm giá thành pin, mang lại giá trị làm lợi hơn 10,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có những sáng kiến thiết thực phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 như: Sáng kiến "Chế tạo máy khử khuẩn thang máy" của anh Nguyễn Công Linh - Công ty CP Airtech Thế Long có giá trị làm lợi hơn 500 triệu đồng. Sáng kiến "Chế tạo máy sản xuất khẩu trang" của anh Vi Ngọc Sơn và cộng sự, góp phần làm giảm sự khan hiếm khẩu trang trong tình hình dịch bệnh phức tạp và không bị phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc.
Đối với khối hành chính sự nghiệp, phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô" được gắn liền với cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức, viên chức "Trung thành - trách nhiệm - liêm chính - sáng tạo". Đồng thời tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân thông qua việc áp dụng cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông", áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Phong trào đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của Thành phố Hà Nội.
Hướng tới một Thủ đô phát triển bền vững
Xác định khoa học và công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng để xây dựng một Thủ đô thông minh, hiện đại, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nội đã tham mưu lãnh đạo TP thành lập các Hội đồng khoa học nghiệm thu cấp thành phố hàng chục đề tài, dự án. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 13 nhiệm vụ - giải pháp và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Điển hình như đề tài “Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang trên địa bàn Hà Nội” do Trung tâm Tài nguyên thực vật chủ trì thực hiện đã tuyển chọn được 14 cây đầu dòng bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang làm nguồn vật liệu có giá trị trong bảo tồn, lưu giữ và phát triển trong sản xuất. Các quy trình canh tác, mô hình trồng mới và thâm canh có tính thực tiễn, dễ áp dụng trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế, giúp bảo tồn nguồn gen bưởi Tam Vân và quýt Tích Giang trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Hà Nội, đa dạng hóa các sản phẩm cây có múi ở Hà Nội…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến Thủ đô cho rằng, thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 04/KH-HĐTĐKT của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố về việc tổ chức phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021 - 2025.
Hàng năm, quán triệt, triển khai việc đăng ký sáng kiến đối với các cá nhân trong cơ quan, đơn vị; Thực hiện có hiệu quả việc xét, công nhận sáng kiến tại cơ sở, từng năm, mỗi cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội phấn đấu có từ 2 - 3 sáng kiến, đề tài đề nghị Hội đồng sáng kiến thành phố xét, công nhận về hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp thành phố. Đây là một trong những tiêu chí để xem xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố và khen thưởng cấp Nhà nước.
Các cơ quan, đơn vị cũng tổ chức các hội thi sáng kiến, triển lãm kết quả lao động sáng tạo. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên, khen thưởng kịp thời cho các cá nhân thuộc đơn vị thực hiện sáng kiến, như: Bố trí thời gian, hỗ trợ kinh phí, tài liệu, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ.
Hà Nội cũng tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập, từng bước xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”, đẩy mạnh cơ chế đặt hàng nghiên cứu các vấn đề quan trọng, cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô./.