Theo dự thảo, bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được áp dụng cho 5 nhóm đối tượng gồm: Trẻ em; Cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ; Người dùng Internet; Đơn vị truyền thông và người sáng tạo nội dung trên mạng; Doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, nội dung số tại Việt Nam.
Cụ thể, đối với trẻ em, quy tắc ứng xử nhấn mạnh việc tìm hiểu các biện pháp an toàn khi sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội cũng như khi sử dụng các dịch vụ trên mạng và chia sẻ với bạn bè một cách an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm. Cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, khi tìm kiếm các thông tin trên Internet; Không truy cập vào các đường dẫn, nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, do người lạ gửi.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là việc thực hiện các biện pháp và hành động phù hợp để bảo đảm trẻ em được sử dụng mạng an toàn, lành mạnh; Phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại và bắt nạt trẻ em trên mạng; Hướng dẫn và hỗ trợ trẻ em tiếp cận các thông tin hữu ích và có tính giáo dục; Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt qua mạng.
Đặc biệt không chia sẻ, cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trên mạng hoặc khi truy cập các trang web, dịch vụ mạng lạ; Không làm làm quen, gặp gỡ với người lạ qua mạng khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ. Trẻ em không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè, người khác: Không truy cập, sử dụng và chia sẻ các thông tin, có nội dung độc hại; Giao tiếp, ứng xử tích cực trên không gian mạng. Các em cũng cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các vấn đề, khó khăn, khi bị bắt nạt, cô lập hoặc bị xâm hại trên mạng.
Đối với cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ cần tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên mạng, quan tâm chăm sóc, lắng nghe ý kiến của trẻ. Bên cạnh đó cần luôn cập nhật các kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên mạng; Hướng dẫn con em mình các kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội an toàn; Hướng dẫn trẻ em cách ứng xử trên mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm. Cha mẹ và giáo viên cũng cần chú ý quan tâm, kiểm tra, giám sát việc sử dụng Internet của trẻ, các nội dung trẻ tìm kiếm, ứng dụng trẻ sử dụng, mối quan hệ của trẻ trên mạng, những thay đổi bất thường của trẻ…
Dự thảo quy tắc cũng nêu: Người dùng mạng không chia sẻ các thông tin không lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em như bạo lực, khiêu dâm, tệ nạn,...; Không bình luận, không cổ súy cho các hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, tình cảm của trẻ. Phản ánh các thông tin không lành mạnh, tiêu cực, các hành vi xâm hại đối với trẻ em cho cơ quan chức năng.
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên mạng, cần xây dựng các nội dung truyền thông phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tiêu chuẩn cộng đồng; Luôn ưu tiên đặt lợi ích của trẻ em và bảo vệ trẻ em trên mạng. Các đơn vị này cẩn trọng khi xây dựng những nội dung truyền thông và phải kiểm tra, xác minh thông tin trước khi truyền thông…
Với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng phải chủ động phát hiện, ngăn chặn các nội dung không lành mạnh, các hành vi xâm hại trẻ em; Cung cấp thông tin về các nội dung không lành mạnh, hành vi xâm hại trẻ em cho cơ quan chức năng; Tích cực thực hiện ngăn chặn các nội dung, hành vi xâm hại trẻ em khi người dùng phản ánh.
Dự thảo cũng nêu rõ việc kiểm soát độ tuổi, tần suất sử dụng của trẻ em khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ; Thiết lập các công cụ để rà soát, chặn lọc và loại bỏ các nội dung độc hại đối với trẻ em; Cung cấp và liên tục cải tiến các bộ lọc nội dung, cảnh báo, hạn chế tiếp cận thông tin phù hợp với từng độ tuổi; Phối hợp ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung không lành mạnh; Phát triển các nội dung, ứng dụng thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo lành mạnh cho trẻ em.
Cùng với bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành trước đấy, bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được xây dựng với mục tiêu xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử, hướng đến hình thành ý thức, tạo thói quen tích cực của người sử dụng trên không gian mạng; Lên án hành vi đi ngược lại lợi ích cộng đồng, quốc gia, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.