Sau hơn 2 tháng, sàng lọc và chăm sóc 42% tổng F0 trên cả nước
Được thành lập ngày 22/7/2021, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8, sau hơn 2 tháng chạy nước rút tại TP.HCM, Bình Dương và Hà Nội, mạng lưới đã đạt được những con số ấn tượng.
Theo số liệu thống kê đến 12h trưa ngày 10/10, 373.096 bệnh nhân COVID-19 được mạng lưới chăm sóc và sàng lọc xác định nguy cơ, chiếm đến 42% số F0 cả nước. Trong đó, 361.799 bệnh nhân được đánh giá nguy cơ NC0 (F0 không có nguy cơ), NC1 (F0 có nguy cơ thấp) được chăm sóc thường xuyên bởi các tình nguyện viên (TNV); 2.305 bệnh nhân NC2 (F0 có triệu chứng nặng lên) được bác sĩ theo sát và 2.463 bệnh nhân NC2, NC3 (F0 có dấu hiệu nặng), NC4 (F0 có dấu hiệu nguy hiểm) được hỗ trợ nhập viện cấp cứu.
Toàn mạng lưới có 10.028 TNV là y bác sĩ trong đó hơn 6.300 y bác sĩ và TNV trực tuyến thường xuyên. Song song đó, mạng lưới cũng nhận rất nhiều phản hồi tốt từ các bệnh nhân đã được chăm sóc, y bác sĩ và TNV đang tham gia mạng lưới.
Chia sẻ về ý tưởng ra đời dự án mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", bác sĩ Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, phụ trách mạng lưới bác sĩ tư vấn cho biết: Ngày 19/7/2021, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam, TS. Hà Anh Đức - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và tôi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại và cùng thống nhất phải có cách thức phân tầng nguy cơ của các trường hợp mới phát hiện nhiễm COVID-19 nhưng chưa kịp đưa vào bệnh viện theo dõi, điều trị do quá tải y tế.
Cùng thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Bùi Thế Duy nhận thấy các cuộc gọi đến hệ thống tổng đài hỗ trợ người dân trở nên quá tải nhanh chóng. Do Hội Thầy thuốc trẻ và Bộ KHCN đã có thời gian làm việc với nhau từ tháng 3/2020 nên quyết định cùng thảo luận đưa ra phương án hỗ trợ TP. HCM.
Cuối cùng, các thành viên sáng lập đã thống nhất xây dựng mô hình Telehealth với quy mô huy động 2.500 - 3.500 bác sỹ/TNV, tương ứng với quy mô dịch bệnh tại TP. HCM và giao cho bác sĩ Lê Tuấn Thành phụ trách xây dựng, phát triển và điều hành. Mạng lưới là sự kết hợp của các kiến thức được tích lũy nhiều năm, học hỏi các mô hình của quốc tế, có sự điều chỉnh liên tục để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại TP. HCM và các nơi khác.
Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" hoàn thành sứ mệnh giải cứu điểm nóng
Vào ngày 21/9, Hà Nội thông báo nới lỏng giãn cách. Tiếp theo, TP. HCM chính thức ban hành Chỉ thị nới lỏng, 'mở cửa' từ sau ngày 30/9. Từ ngày 01/10, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản thực hiện việc kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có nhiều "nới lỏng" để doanh nghiệp và người dân trở lại hoạt động. Thành quả đó không thể không nhắc tới sự đóng góp của tập thể hơn 10.000 thành viên Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành".
Để rồi, ngày 03/10, cuộc họp giữa thường trực chỉ đạo, thường trực điều hành và nhóm điều phối Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" đi đến kết luận, mạng lưới đã hoàn thành sứ mệnh "giải cứu" điểm nóng, chuyển sang cơ chế hoạt động tình nguyện hỗ trợ địa phương theo dõi F0 tại nhà.
Theo đó, mạng lưới sẽ chuyển giao lại mô hình hoạt động cho ngành y tế địa phương trước ngày 31/12/2021, sẵn sàng huy động lực lượng tình nguyện trực tổng đài online và kích hoạt cơ chế hỗ trợ thông tin khẩn cấp trong trường hợp có lời kêu gọi của ngành Y tế./.