Theo Báo cáo sửa đổi về Triển vọng Đô thị hóa Thế giới năm 2018 của Phòng Dân số, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc, con số này dự kiến sẽ tăng lên 6,7 tỷ người (chiếm 68% tổng dân số thế giới) vào năm 2050. Để đáp ứng nhu cầu và hỗ trợ cho số lượng lớn công dân như vậy, bước phát triển tiếp theo của đô thị hóa là thành phố thông minh (smart city), nơi hầu hết các vấn đề trong đô thị được giải quyết bằng công nghệ nhằm tạo ra môi trường sống thuận tiện và có tính nhân văn hơn. Theo đó, động lực chính cho thành phố thông minh bền vững nằm ở khả năng siêu kết nối của nó.
Với tỷ lệ đô thị hóa 38,6%, Việt Nam hiện có khoảng 30 khu vực trên toàn quốc cần thực hiện dự án chuyển đổi sang thành phố thông minh, đi đầu là thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Để thực hiện tham vọng thành phố thông minh này, chúng ta có thể học hỏi được gì từ thế giới?
Tầm quan trọng của khả năng siêu kết nối đối với thành phố thông minh
Theo nghiên cứu về "Xây dựng Thành phố Siêu kết nối" mới đây được thực hiện bởi đơn vị tư vấn nghiên cứu kinh tế - đô thị, ESI Thought Lab và đồng tài trợ bởi Oracle, khi các thành phố trở nên liên kết với nhau hơn, ROI (lợi tức đầu tư) của chúng cũng sẽ tăng lên. Các thành phố đang bắt đầu thấy được các khoản lợi nhuận này, từ 19,6 triệu USD khi mới bắt đầu thực hiện, đến 40 triệu USD khi phát triển hơn và 83 triệu USD khi đạt được mức siêu kết nối.
Có lẽ định nghĩa thông minh thôi là chưa đủ, các thành phố cần phải chuyển đổi thành các trung tâm đô thị siêu kết nối để có thể đạt được những lợi ích quan trọng hơn trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo cần có một chiến lược xây dựng từ bốn trụ cột chính trong việc chuyển đổi thành phố, đó là công nghệ, dữ liệu - phân tích, an ninh mạng và công dân kết nối.
Các công nghệ mới nổi đang hứa hẹn nhiều giải pháp đô thị hiệu quả hơn. Từ lưới điện thông minh, quản lý chất thải thông minh đến quản lý giao thông theo thời gian thực, các công nghệ đột phá như Trí tuệ nhận tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và Blockchain (một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó) sẽ cho phép các thành phố thông minh tương lai trở nên bền vững và toàn diện, đồng thời hoạt động hiệu quả với phương châm lấy con người làm trung tâm. Xu hướng thành phố thông minh bền vững sẽ có thể phát triển khi công nghệ được lồng ghép vào các chiến lược phát triển bền vững (sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lí ô nhiễm và tài nguyên), phúc lợi công dân (y tế, an toàn công cộng, chăm sóc xã hội) và phát triển kinh tế (việc làm, đầu tư, đổi mới).
Dữ liệu – yếu tố cốt lõi cho sự phát triển thành công của thành phố thông minh siêu kết nối
Các thành phố thông minh ứng dụng hàng loạt công nghệ mới, bao gồm IoT, học máy (machine learning) và phân tích, để xây dựng viễn cảnh về tương lai và tái định nghĩa cách chúng ta sống. Từ chính phủ, công dân, đường phố đến giao thông, năng lượng, và vệ sinh, mọi quy trình và đối tượng đều có thể được kết nối, trong đó mọi dữ liệu sẽ được thu thập và phân tích. Với những hiểu biết mà các hệ thống này cung cấp, các chính phủ thông minh sẽ nắm giữ được sức mạnh chưa từng có để cải thiện trải nghiệm của người dân, cũng như giúp thành phố trở nên hấp dẫn hơn đối với du khách và các doanh nghiệp.
Các nhà lãnh đạo thành phố thành công nhất ghi nhận rằng dữ liệu là yếu tố cốt lõi để đổi mới thành phố thông minh. Để trở nên thực sự "thông minh", họ phải có một cơ sở hạ tầng để khai thác, tích hợp và phân tích tất cả các dữ liệu này, từ đó thu thập những hiểu biết cần thiết để nâng cao chất lượng mọi thứ, từ dịch vụ công đến xây dựng các dự án.
Tuy nhiên, để tận dụng được nguồn dữ liệu đang ngày càng gia tăng và tập hợp từ tất cả các bên liên quan có thể sẽ là một nhiệm vụ tương đối khó khăn. Chắc chắn, dữ liệu, yếu tố quan trọng cho thành công, sẽ nằm ở nhiều ứng dụng khác nhau, trong các hệ thống khác nhau, cả lưu trữ nội bộ (on-premises) và trên đám mây.
Thay đổi công nghệ để tận dụng dữ liệu trong xây dựng thành phố thông minh
Ở cấp độ công nghệ, cần có cách tiếp cận mới để hiện thực hoá tương lai được xây dựng dựa trên dữ liệu. Sẽ cần đến đám mây lai và triển khai trên nhiều đám mây, cũng như các mô hình mới như 'Kiến trúc đám mây liền kề', mang lại tính linh hoạt của đám mây với khả năng xử lý công nghệ thông tin nội bộ (on-premise) cho những đơn vị chưa muốn hoặc chưa thể sử dụng dịch vụ đám mây công cộng.
Điều này khi kết hợp với các giải pháp thành phố thông minh sẽ biến đổi cách các thành phố có thể khai thác và xử lý sức mạnh dữ liệu. Nó sẽ thúc đẩy sự tích hợp của các công nghệ và kênh kỹ thuật số hiện đại thông qua một nền tảng trải rộng từ đám mây, kỹ thuật số, dịch vụ Omnichannel, quản lý theo trường hợp, di động, mạng xã hội, tới IoT, blockchain và AI trong khi đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin.
Ngoài ra, từ góc độ tổ chức, những thay đổi như bổ nhiệm Giám đốc Trải nghiệm Công dân cần được xem xét để đảm bảo phản hồi chủ động, chu đáo cho mọi thành viên.
Chỉ khi thúc đẩy những thay đổi như vậy, các thành phố mới có thể loại bỏ một số nhược điểm cốt lõi của sự phức tạp dữ liệu, trở nên siêu kết nối, triển khai các dự án nhanh hơn và tạo nên những thay đổi lớn lao cho cuộc sống của tất cả chúng ta.