Truyền thông

Số hóa mang lại những ưu việt trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng

Quỳnh Trang 21:53 11/09/2023

Thúc đẩy quá trình số hóa không chỉ mang lại lợi ích đáng kinh ngạc trong việc tiết kiệm chi phí cho các ngân hàng thương mại tại Việt Nam mà còn gia tăng khả năng tiếp cận và phục vụ, đồng thời giảm thiểu thời gian giao dịch cho người tiêu dùng.

Thay vì phải di chuyển đến các điểm giao dịch truyền thống, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch từ xa thông qua ứng dụng di động hoặc trang web của ngân hàng, giúp tiết kiệm thời gian và quản lý tài chính cá nhân một cách linh hoạt.

Số hóa còn mang lại khả năng tiếp cận và phục vụ rộng rãi hơn cho người dùng. Người tiêu dùng ở bất kỳ đâu cũng có thể truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng thông qua Internet. Tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng và tạo ra sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng.

Tỷ lệ giao dịch không sử dụng tiền mặt tăng từ 28% lên 41% trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 là một con số đáng chú ý. Cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang chấp nhận và sử dụng phương thức thanh toán số một cách rộng rãi.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Trước bối cảnh công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển của công nghệ Fintech, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc, là hướng đi thiết yếu giúp ngành ngân hàng thích ứng và vượt qua thách thức. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, để bắt kịp số hóa, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang đầu tư mạnh vào công nghệ mới, ứng dụng API, ngân hàng lõi và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở.

6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không tiền mặt đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng. Trong đó, giao dịch qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng sử dụng và 1,77% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua điện thoại di động cũng tăng mạnh, tương ứng tăng 64,26% về số lượng và 7,65% về giá trị. Giao dịch qua QR code lần lượt là 151,14% về số lượng và 30,35% về giá trị giao dịch. Tiếp đến, qua POS cũng tăng 30,35% về số lượng và 27,27% về giá trị. Tuy nhiên, giao dịch qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt của hình thức thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng tăng 8,55% về giá trị; qua Hệ thống trung gian tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị. Giá trị giao dịch thanh toán là tổng số tiền được chuyển đổi hoặc trao đổi trong quá trình thực hiện các giao dịch thanh toán. Đây là số tiền tương ứng với giá trị của hàng hóa, dịch vụ hoặc khoản nợ được thanh toán bằng các phương thức không sử dụng tiền mặt, như chuyển khoản điện tử, thẻ thanh toán, QR code, và các hình thức khác.

Từ những số liệu trên có thể thấy các giá trị giao dịch đang tăng một cách đáng kể, thể hiện hoạt động chuyển đổi số ở các ngân hàng đang diễn ra khá mạnh mẽ.

Năm 2023, một số ngân hàng tiên phong như Vietcombank đã đưa ra kế hoạch triển khai một số giải pháp như sử dụng thiết bị di động được cung cấp bởi ngân hàng để cài đặt một ứng dụng xác thực khách hàng thông qua thẻ CCCD chip (gọi là giải pháp Match on Card – MoC), cho phép ngân hàng có thể cập nhật thông tin từ giấy tờ tùy thân của khách hàng. Ban đầu, việc triển khai sẽ tập trung vào toàn bộ chi nhánh tại Hà Nội từ tháng 5/2023.

Ngân hàng BIDV cũng đã hoàn thành thực hiện 2 gói thầu để mua sắm trang thiết bị cần thiết cho giải pháp xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD chip. Giải pháp này được áp dụng khi khách hàng thực hiện các giao dịch như rút tiền tại máy giao dịch tự động và xác thực tại quầy, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo mật dịch vụ tài chính.

z4626505951014_ca94278fa525978c9500e0da8d6da552.jpg
Chuyển đổi số ngân hàng đang được phát triển mạnh mẽ.

Hoàn thiện thể chế để số hoá toàn diện

Có thể nói, ngành ngân hàng đang đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số dưới sự dẫn dắt của các ngân hàng quốc doanh. Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Anh Tuấn cho biết, một trong những chủ đề được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua để thúc đẩy chuyển đổi số là hoàn thiện thể chế. Nhưng trên thực tế, có những quy định gây khó khăn ngoài phạm vi ảnh hưởng của ngành ngân hàng. Vì vậy, khung pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng tài chính cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; bao gồm cả việc xem xét lại các quy định về bảo mật thông tin, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu, để đảm bảo rằng các dịch vụ số được triển khai an toàn và tin cậy.

Ngoài ra, việc hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức trong ngành là rất quan trọng. Các ngân hàng có thể hợp tác với nhau, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để nâng cao hiệu suất hoạt động của họ trong việc áp dụng công nghệ mới. Quy định trong hoạt động chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng tài chính cần được liên tục cập nhật và điều chỉnh để đáp ứng các thay đổi trong công nghệ và môi trường kinh doanh.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho biết: Lợi ích của chuyển đổi số đối với các ngân hàng thương mại là rất rõ ràng. Quá trình chuyển đổi số đã giúp tăng tốc độ vận hành của hệ thống, giúp nhiều tổ chức cho vay cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động, giảm tỷ lệ chi phí/doanh thu, tăng CASA..... đồng thời cho phép các ngân hàng tăng tính ổn định thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động.

z4626507472482_cea04557b14189326b57d732741c6457.jpg
Số hóa thúc đẩy thị trường ngân hàng thương mại.

TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho hay: Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra mô hình chuyển đổi ngân hàng số phù hợp với thực tiễn Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển ngân hàng số của các nước Đông Nam Á.

Số hóa hệ thống ngân hàng, nhưng nếu thiếu sự đồng nhất trong quá trình số hóa Chính phủ và các doanh nghiệp có thể gây ra sự khó khăn, kém hiệu quả trong xử lý hoạt động tín dụng, nợ và các giao dịch bảo đảm. Vì thế, cần thiết phải xác lập một hệ thống luật pháp đồng bộ hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình số hoá toàn diện và tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, tuân thủ pháp luật của thị trường tài chính số. Điều này không chỉ đảm bảo tính hợp nhất của các hoạt động tài chính, mà còn tạo lập môi trường tin cậy để sản phẩm và dịch vụ mới có thể ra đời trên nền tảng số một cách hiệu quả.

Bước ngoặt của ngành ngân hàng đã hiện rõ thông qua việc áp dụng các công nghệ số mới, tiên tiến nhất vào lĩnh vực này. Tuy vậy, để các sản phẩm và dịch vụ mới có thể ra đời trên nền tảng số, việc hoàn thiện hệ thống pháp lý và tạo "không gian" cho các bên tham gia vào thị trường trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Một môi trường an toàn, định hướng chính xác và tuân thủ pháp luật, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài chính số và mang đến những giá trị mới cho khách hàng.

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ kỳ vọng trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước tới đây, sẽ thể hiện rõ những quy định phù hợp xu thế tiến bộ của khoa học công nghệ; để ngành ngân hàng, các doanh nghiệp Fintech tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa dịch vụ số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, mang lại tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống cũng như của từng tổ chức tín dụng.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Số hóa mang lại những ưu việt trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO