Startup chuyển dịch tới Singapore: Bài học nào cho Việt Nam?

Tuấn Trần| 27/07/2021 07:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Không chỉ startup Việt mà các doanh nghiệp khởi nghiệp từ khắp nơi cũng đang tìm đến Singapore. Có nhiều lý do khác nhau nhưng tựu chung lại thì đó là thành quả từ nỗ lực của chính phủ Singapore.

Cuối tháng 7 vừa qua, sau khi thông tin về việc nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam là Tiki sẽ chuyển nhượng 90,5% cổ phần cho công ty Tiki Global Pte. Ltd có trụ sở tại Singapore do cơ quan chức năng tại Việt Nam công bố. Lãnh đạo Tiki đã lập tức lên tiếng giải thích về động thái này. Theo đó, đây thực chất là bước những bước đi để Tiki thành lập một doanh nghiệp (DN) của Tiki tại Singapore nhằm mục đích hiện thực hoá các mục tiêu trong tương lại của Tiki, và cụ thể nhất là phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Startup Việt chuyển tới Singapore: Sự thành công từ Silicon Valley châu Á? - Ảnh 1.

Tiki sẽ chuyển nhượng 90,5% cổ phần cho Tiki Global - DN do Tiki thành lập tại Singapore nhằm hiện thực hoá nhiều mục tiêu mà trọng tâm là phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO).

Trước Tiki cũng đã có 1 số DN khởi nghiệp Việt Nam dù hoạt động tại Việt Nam, do người Việt quản lý, điều hành nhưng lại đăng ký kinh doanh tại Singapore, trong số này có thể kể đến như Novaon (hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, TMĐT, chuyển đổi số), Topica (đơn vị đào tạo trực tuyến), Cốc Cốc (CNTT), BabyMe (phát triển phần mềm), Lozi (mạng xã hội tập trung các nhà cung cấp thực phẩm), Antoree.vn (nền tảng học tiếng Anh)... Lý do vì sao một số DN khởi nghiệp lại chọn con đường đăng ký kinh doanh tại Singapore?

Đất lành chim đậu

Có nhiều lý do khác nhau để các DN khởi nghiêp tìm đến Singapore. Báo chí tại Việt Nam trong thời gian qua cũng đã đưa ra các lý do chính bao gồm: có nhiều ưu đãi khi thành lập DN, dễ gọi vốn khi IPO, luật pháp hỗ trợ tốt hơn cho các DN khởi nghiệp... Vậy cụ thể là gì?

Người Việt hay có câu "đất lành chim đậu" để chỉ những nơi đáng sống, dễ làm ăn... Thời gian qua, không chỉ có các DN khởi nghiệp và của Việt Nam mới có xu hướng mở công ty tại Singapore mà các DN khởi nghiệp của các nước khác cũng có các động thái tương tự như DN Việt Nam. Ví dụ, Grab khởi nghiệp tại Malaysia nhưng sau đó đã chuyển trụ sở sang Singapore. 

Không chỉ có các công ty khởi nghiệp, các tập đoàn công nghệ khổ lồ cũng đã có mặt tại Singapore như Google, Facebook, Amazon... Đây đều là những công ty có các hoạt động quan trọng, như trung tâm R&D tại Singapore. Trong khi đó nhóm những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Alibaba, ByteDance, Tencent... được biết cũng đang lên kế hoạch xây dựng các trung tâm khu vực tại Singapore.

Singapore được biết đến là nơi có vị trí ở gần các thị trường đang phát triển, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến các công ty công nghệ coi Singapore là "đất lành". Luật lệ đã đóng một vai trò quan trọng nhất định. 

Bà Jessica một đối tác của Quỹ đầu tư khởi nghiệp AppWorks trao đổi với trang Techcrunch: "Chính phủ Singapore đã làm tốt, từ góc độ chính sách và thuế đối với các công ty khởi nghiệp và các tập đoàn công nghệ tên tuổi muốn hiện diện tại đây", điều đó khiến Singapore trở thành lựa chọn đặt trụ sở hàng đầu của các công ty khởi nghiệp.

Cũng chia sẻ với Techcrunch, ông Kuo-Yi Lim, đồng sáng lập và đối tác quản lý của công ty đầu tư Monk's Hill Ventures cho biết, Singapore trở nên hấp dẫn là nhờ các sáng kiến mà chính phủ đã áp dụng trong hơn một thập kỷ qua. "Một trong những nhiệm vụ của Infocomm Development Authority (IDA) - cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT ở Singapore - là xem xét việc thu hút các công ty công nghệ hàng đầu đến hiện diện tại Singapore. Đó luôn là một phần trong chiến lược của Chính phủ nhằm phát triển ngành công nghệ".

Kết quả là trong vài năm qua, các tập đoàn như Google, Facebook đã thiết lập các hoạt động tại Singapore, cùng với đó là các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh như Twilio - ra đời sau khi nhận được khoản đầu tư từ Infocomm.

Chính phủ Singapore đã liên tục tạo ra các sáng kiến mới giúp cho quốc gia nhỏ bé này trở nên hấp dẫn đối với các công ty công nghệ và nhà đầu tư. Ví dụ, gần đây nước này đã khởi động Chương trình Đổi mới Blockchain Singapore (SBIP), với mục đích giúp các công ty thương mại hóa công nghệ blockchain.

Giống như trường hợp của Tiki, các công ty quốc tế thường thực hiện chuyển giao nội bộ khi họ thành lập DN tại Singapore, và Chính phủ nước này đang cố gắng thu hút nhân tài công nghệ từ các quốc gia khác bằng các chương trình thị thực như Tech.Pass.

Nuôi dưỡng cộng đồng khởi nghiệp

Khi các công ty công nghệ quốc tế như Google, Facebook hay Stripe thiết lập hoạt động tại Singapore, họ cũng có xu hướng phát triển mối quan hệ với hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương.

Ông Kuo-Yi Lim nhận xét: "Họ có mối quan hệ khá tốt với nhau. Đã qua rồi cái thời, các công ty đa quốc gia chỉ mở cửa hàng ở Singapore, thuê nhiều nhân viên bán hàng, trong khi lãnh đạo thì bay tới bay lui. Giờ đây, họ dành nhiều thời gian ở Singapore hơn, phần lớn những gì họ làm bắt nguồn từ việc thu hút người tiêu dùng, có nghĩa là tham gia vào các hệ sinh thái địa phương và tận dụng các mối quan hệ đối tác". Ông nói thêm, "Nó khá phù hợp, không tách biệt chút nào". Sự gần gũi này mở đường cho việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn cho các công ty khởi nghiệp.

Một số công ty công nghệ nước ngoài đang hoạt động tại Singapore đã có các khoản đầu tư cao cấp vào DN khởi nghiệp. Ví dụ, Tencent là nhà đầu tư lớn vào Sea, trong khi Facebook gần đây đã hậu thuẫn cho Gojek. Các liên minh đáng chú ý khác bao gồm cổ phần kiểm soát của Alibaba tại Lazada.

Những tập đoàn khổng lồ cũng đã đóng góp các nguồn lực quý giá cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore. Ví dụ, chương trình phát triển sản phẩm Next Billion Users của Google. Facebook, Shopify và Amazon Web Services cũng công bố các chương trình khởi nghiệp khác nhau. Các dự án này chủ yếu đem lại giá trị lợi ích cho các đơn vị tổ chức, nhưng đồng thời nó cũng mang đến cho những nhà khởi nghiệp cơ hội tiếp xúc với mạng lưới toàn cầu và cơ hội phát triển.

Các cựu nhân viên của những công ty công nghệ lớn cũng có tác động đến hệ sinh thái khởi nghiệp. Một trong số họ đã trở thành nhà sáng lập. Ví dụ, Prithvi Rai - cựu quan chức của Uber đã thành lập công ty khởi nghiệp an ninh mạng Borneo có trụ sở tại Singapore vào năm 2019. Một ví dụ khác là công ty khởi nghiệp xe điện Beam, có trụ sở tại Singapore được thành lập vào năm 2018 bởi Alan Jiang, người đã điều hành hoạt động của Uber tại Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc.

Các công ty khởi nghiệp như vậy được hưởng lợi từ những người sáng lập, "được tiếp cận với các giám đốc điều hành cấp cao hơn, có cái nhìn sâu sắc về hoạt động ở các khu vực hoặc quốc gia khác nhau, vì vậy họ có nhiều kinh nghiệm thực tế", Liu của AppWorks cho biết.

Trong khi đó, những kỳ lân tại Singapore như Grab, Gojek, Sea, Trax, Tokopedia và Traveloka... đã thực hiện một số thương vụ mua lại (M&A). Câu hỏi đặt ra là, liệu các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Tencent, ByteDance hay Facebook... có để mắt đến các mục tiêu M&A tiềm năng hay không? Liu cho rằng chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội M&A hơn vì một khi các công ty có quy mô hoạt động lớn hơn, họ sẽ có cái nhìn sâu hơn về các công ty khởi nghiệp.

Việt Nam có nhiều lợi thế cho startup

Từ những bài học nói trên của Singapore cho thấy, nếu Việt Nam cải thiện được các vấn đề pháp lý, có nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ, và thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ thì môi trường dành cho startup của Việt Nam sẽ không thua kém Singapore, thậm chí là còn phát triển mạnh hơn.  

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng với tư cách là trung tâm của các hoạt động khởi nghiệp. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã vươn mình từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong danh sách khởi nghiệp năng động nhất của 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Sự phát triển đáng kể trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam giải thích lý do tại sao các nhà đầu tư từ khắp thế giới đang coi Việt Nam là nơi lý tưởng để thành lập các DN khởi nghiệp.

Tai Đông Nam Á, dù trải qua đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,9% vào năm 2020 và nằm trong mức cao nhất trên thế giới. Trong khi đó năm 2019 mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 7,02%. Dân số Việt Nam lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Nhóm người tiêu dùng trẻ với độ tuổi trung bình là 30,5, và tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 26% tổng dân số vào năm 2026. Vì những lý do này, Việt Nam chắc chắn là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư toàn cầu.

Trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, fintech và TMĐT là những ngành mang lại thành công cho các công ty khởi nghiệp do mức độ thâm nhập cao trong việc sử dụng Internet và di động tại Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, theo số liệu từ Sách Trắng TMĐT, năm 2020 tại Việt Nam, có khoảng 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến và là quốc gia có tỷ lệ người mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực.

Đối với fintech, đây là thị trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp vì theo các số liệu thống kê cho thấy, 72% dân số Việt Nam đã tiếp cận với điện thoại thông minh và 41% vẫn có tài khoản ngân hàng. Thanh toán dựa trên thiết bị di động đã tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực nhiều để đưa đất nước hướng tới nền kinh tế không tiền mặt thông qua sáng kiến không dùng tiền mặt. Đây là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp phát triển bằng cách số hóa ngân hàng và triển khai ví điện tử.

Dù còn nhiều khó khăn và không ít những trở ngại nhưng tại Việt Nam, sự hỗ trợ của chính phủ, và ngày càng có nhiều doanh nhân hiểu biết về công nghệ sẽ là hai lý do chính để các startup có thể phát triển./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Startup chuyển dịch tới Singapore: Bài học nào cho Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO