Khởi nghiệp

Startup nên chọn "đại dương xanh" hay "sông ngách"?

Anh Minh 19:48 23/03/2023

Tùy thuộc vào khả năng sáng tạo, huy động vốn, chấp nhận rủi ro mà nhà sáng lập các startup nên chọn "đại dương xanh" hay "sông ngách".

"La bàn khởi nghiệp"

Theo công ty Mỹ CB Insights, tỷ lệ startup công nghệ thất bại ngay trong giai đoạn trứng nước lên tới 75 - 90% và xác suất “chết yểu” trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay vẫn ở mức rất cao. 

Trong “Khởi nghiệp phiêu lưu ký: Start-up trước tuổi 30”, tác giả Tạ Minh Tuấn đã đưa khái niệm “la bàn khởi nghiệp” thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng về đôi bạn thân Thành Toàn và Thành Nhân khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Tạ Minh Tuấn là một doanh nhân xã hội tiên phong tại Việt Nam, một trong những người dưới 30 tuổi tạo ra thay đổi đột phá trong xã hội có ảnh hưởng nhất ở châu Á.

z4187111874634_15771c6ddd72fa31ee58dcf0e2fa034a.jpg

Tuy sách viết về đề tài kinh doanh, nhưng lối hành văn của tác giả không hề khô cứng số liệu, phân tích kỹ thuật mà giàu hình ảnh, thậm chí đôi lúc đậm chất thành ngữ, tục ngữ. Theo tác giả Tạ Minh Tuấn, có 6 yếu tố mang lại thành công, giúp doanh nghiệp (DN) tìm ra hướng đi đúng đắn cho mình, qua việc đánh giá và điều chỉnh từng yếu tố một. Đó là thị trường, lợi thế, đam mê, xã hội, pháp lý và nhân rộng. Mỗi vấn đề đặt ra những câu hỏi khác nhau mà người khởi nghiệp cần tự tìm kiếm câu trả lời.

Chẳng hạn như đối với thị trường, liệu startup đã chọn thị trường chưa? Thị trường này có phù hợp hay không, có cần điều chỉnh thị trường của mình hay không?

Đối với lợi thế, liệu startup đã có lợi thế cụ thể để thâm nhập và bảo vệ thị trường hay chưa? Đó là lợi thế gì? Làm sao  tạo ra lợi thế đó nếu chưa có?

Về đam mê, hãy tự hỏi bản thân có đam mê và yêu thích ý tưởng đó hay không, có sẵn sàng chiến đấu “khô máu” với nó và tiến hành dù không ai trả tiền?

Sau khi kể về cơ duyên tầm sư học đạo của đôi bạn startup Thành Toàn - Thành Nhân, gặp được 6 vị cố vấn, đúc kết ra 6 yếu tố của “la bàn khởi nghiệp”, tác giả phân tích rõ ràng, dễ hiểu về 2 trường hợp khởi nghiệp điển hình trong và ngoài nước. Đó là trường hợp Phở 24 và Uber.

Phân tích câu chuyện khởi nghiệp của Uber

Trước khi mổ xẻ 6 yếu tố la bàn khởi nghiệp đối với trường hợp xe công nghệ Uber, tác giả làm rõ khái niệm “tứ cầu”. Đi liền với “tứ cầu” là 4 loại thị trường, gồm đại dương đỏ, đại dương vàng, đại dương xanh và sông (thị trường ngách).

Người sáng lập (founder) có khả năng sáng tạo cao, huy động được nhiều tiền, chấp nhận rủi ro lớn, và phải giáo dục thị trường nhiều thì hãy chọn đại dương xanh. Nếu khả năng sáng tạo trung bình, muốn rủi ro trung bình, khởi đầu nhỏ với ít tiền, thì nên chọn sông ngách. 

“Giống như khi mới đặt chân vào thị trường , Uber đã phải giáo dục thị trường để thay đổi thói quen khách hàng từ hành động gọi taxi truyền thống trở thành đặt xe Uber mỗi khi có nhu cầu đi lại, mà muốn khách hàng sẵn sàng hành động thì phải để khách hàng dùng thử, vậy nên giá phải rất thấp. Uber luôn phải trợ giá, chấp nhận chịu lỗ trong khoảng thời gian dài. Và để có thể chịu lỗ thì tuyệt nhiên Uber phải có cả tỉ USD để duy trì, sống sót và chiếm lĩnh thị phần, giáo dục thị trường.

Sau quãng thời gian đủ để khách hàng có thói quen sử dụng, nhiều người đã chấp nhận, rồi nhiều người cần, nghĩa là đã có thể kết thúc giai đoạn giáo dục thị trường. DN hiển nhiên trở thành thương hiệu tiên phong, dẫn đầu tâm trí người tiêu dùng. Lúc này giá trị DM có thể tăng lên mạnh mẽ.

6 câu “thần chú” của la bàn khởi nghiệp

Tác giả cuốn sách đưa ra 6 câu “thần chú” của la bàn khởi nghiệp đúng trọng tâm lại dễ nhớ vì vần điệu ngân nga: Chọn đúng nhu cầu để khởi nghiệp bớt sầu; Có lợi thế mới giữ được ghế; Làm trúng đam mê khởi nghiệp mới phê; Lo chuyện xã hội sẽ được vượt trội; Hiểu rõ pháp lý, không rơi vào thế bí; Nhân rộng mới có hy vọng.

Muốn khởi nghiệp thành công thì đừng làm “con buôn”, hãy làm “doanh nhân”. 

“Người ta đói, mình bán cơm. Người ta thiếu kiến thức, chúng ta trao kiến thức. Người ta cần công cụ liên lạc, chúng ta bán điện thoại... Càng giải quyết được những vấn đề khó, chúng ta càng kiếm được nhiều tiền! Doanh nhân là người kiếm tiền bằng cách giải quyết vấn đề của người khác. Còn doanh nhân xã hội là người kiếm tiền bằng cách giải quyết vấn đề của xã hội”, tác giả viết.

Cuốn sách được viết với mong muốn truyền cảm hứng và cả kiến thức cho những người đang ấp ủ hoặc đã bắt tay vào khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tác giả còn có cuốn sách “Hành trình thức tỉnh”, nói về giai đoạn sau, khi founder đã và đang có những thành công nhất định, họ cần có những thay đổi phù hợp, cần thức tỉnh tâm thức, trí tuệ để tìm về với chính mình, hoặc gạt bỏ những va vấp để khai sáng nhiều triết lý cả trong cuộc sống lẫn công việc. /.

Bài liên quan
  • Khởi nghiệp trong lòng DN: cơ hội thành công cao hơn 3 - 5 lần
    Theo đại diện FPT, việc hỗ trợ sản phẩm theo từng giai đoạn khác nhau cũng như giúp các nhà sáng lập tập trung 100% vào sản phẩm sẽ giúp các startup trong lòng FPT có cơ hội thành công cao hơn 3 - 5 lần so với việc khởi nghiệp bên ngoài.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup nên chọn "đại dương xanh" hay "sông ngách"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO