Đại dịch COVID-19 giống như một cơn bão lớn đã ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành nghề đặc biệt là các tiểu thương. Nguồn khách hàng chủ yếu từ những khách hàng tới mua hàng trực tiếp đã bị giảm sút đáng kể do đại dịch.
Để giảm thiểu khó khăn của các tiểu thương trong mùa dịch, đặc biệt là những tiểu thương ở các khu chợ truyền thống, Bùi Hải Nam và đồng đội đã gấp rút bắt tay vào xây dựng lên ứng dụng SoBanHang
Theo Bùi Hải Nam, SoBanHang là phiên bản rút gọn của giải pháp bán hàng trực tuyến Shopify cho phép các doanh nghiệp (DN) nhỏ tạo các gian hàng trực tuyến. Chia sẻ với Tech in Asia, Bùi Hải Nam cho biết: "Mục tiêu là giúp các tiểu thương tiếp cận thêm nhiều khách hàng hơn và gia tăng doanh số bán hàng, và số hóa sổ sách chỉ là một trong những tính năng của chúng tôi".
Bùi Hải Nam là một tên tuổi khá nổi tiếng trong làng thương mại điện tử. Anh từng sáng lập Datamart Solutions, nền tảng phân tích và tự động hóa dữ liệu, đồng thời làm việc tại Lazada. Trong khi đó, Bùi Hải Long có vài năm ở vị trí quản lý cấp cao tại nền tảng thương mại điện tử này trước khi giữ chức Giám đốc công nghệ và Giám đốc phân tích tại Landers Superstore, một chuỗi siêu thị Philippines.
Đến nay, SoBanHang đã huy động được 4 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm 1,5 triệu USD trong vòng hạt giống hồi tháng 8/2021 và 2,5 triệu USD trong một vòng khác vừa kết thúc vào tháng 2 vừa qua. Các nhà đầu tư như rót vốn vào SoBanHang là FEBE Ventures, Class 5, Trihill Capital và AlleyCorpcùng một số nhà đầu tư khác.
SoBanHang đang thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam bằng cách số hóa các DN nhỏ và bán lẻ. Tuy nhiên, công ty muốn tập trung vào phục vụ "phân khúc tiểu thương", tức là các DN hộ gia đình hoặc người bán lẻ không có khả năng đầu tư vào phần mềm điểm bán hàng và cơ sở hạ tầng trực tuyến khác.
Khảo sát của SoBanHang cho thấy có khoảng 16 triệu DN quy mô siêu nhỏ trong nước. Nhiều DN chỉ phục vụ khách hàng trong phạm vi vài km. Trên thực tế, các khách hàng của SoBanHang thường tự đi bộ giao hàng. Khi đại dịch COVID-19 ập đến, các khu vực bị phong tỏa, họ không thể bán hàng được và hầu hết đều gặp khó khăn khi chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến.
"Ngay cả đối với những người có thể bán hàng qua mạng xã hội, mọi thứ đều được thực hiện thủ công. Bán hàng trên mạng xã hội cũng giống như đưa các mẩu quảng cáo rao vặt. Bạn không thực sự có một danh mục phù hợp hoặc các công cụ khác để quản lý các đơn đặt hàng", Bùi Hải Nam cho biết.
Ứng dụng SoBanHang giúp các chủ cửa hàng số hóa hoạt động của mình: cho phép họ xây dựng gian hàng trực tuyến, tạo chương trình khuyến mãi, quản lý hàng tồn kho và theo dõi doanh số bán hàng tại cửa hàng cũng như nắm bắt thông tin về khách hàng thân thiết. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại, có thể giúp các tiểu thương gia tăng doanh số, chăm sóc khách hàng, quản lý chi phí, thu hồi nợ… hoàn toàn chỉ trên điện thoại theo cách đơn giản tiện lợi và bảo mật tuyệt đối.
Theo công ty, ứng dụng này hiện đang phục vụ khoảng 170.000 người bán, nhiều người trong số đó lần đầu bán hàng qua mạng. Ứng dụng hiện đang miễn phí, nhưng startup này cho biết sẽ sớm triển khai mô hình đăng ký sử dụng.
Không giống như các công ty khởi nghiệp thương mại điện tử B2B khác như Telio hay VinShop phải đầu tư rất nhiều vào hậu cần và kho bãi, SoBanHang chỉ dành cho thiết bị di động và tài sản nhẹ. Thực tế người mua và người bán thực chất ở gần nhau. Khi kết nối với người mua, họ có thể thực hiện giao dịch, sau đó người bán tự giao hàng và nhận tiền ở cửa nhà người mua. Điều này loại bỏ nhu cầu hệ thống thanh toán hay logistics rắc rối cho SoBanHang, hay phải sử dụng ứng dụng giao hàng của bên thứ ba mất phí.
Tuy nhiên, SoBanHang vẫn có thể hỗ trợ các người bán của mình về hàng tồn kho hoặc logistics thông qua quan hệ đối tác với các nhà cung cấp bên thứ ba..
Bên cạnh đó, SoBanHang còn giúp tiểu thương cạnh tranh với những đối thủ lớn hơn như siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. "Lợi thế của họ là quan hệ tốt với khách hàng, hiểu rõ họ; chúng tôi muốn biến quan hệ đó thành chiến lược bán hàng mới", Bùi Hải Nam nói./.