Startup Việt tiếp tục 'hấp dẫn' quỹ đầu tư mạo hiểm

Trang Nguyễn| 12/04/2022 14:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures ngoài những ngành vốn đã phát triển nóng như FinTech hay E-commerce, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến một số ngành có thể giúp người dùng thích ứng với bối cảnh mới hậu COVID như EdTech, MedTech và các công cụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Năm 2021 là năm đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tuy nhiên đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể, đạt hơn 1,3 tỷ USD. Đây là mức kỷ lục về thu hút đầu tư, tập trung vào công nghệ tài chính (FinTech), trò chơi, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử,...

Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, với con số này, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 về mức độ năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Năm nay, theo các chuyên gia, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures về triển vọng trong năm nay và thị hiếu của các nhà đầu tư trong thời kỳ hậu đại dịch.

PV: Với cương vị là một người sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm, bà nhận định thế nào về "khẩu vị" của nhà đầu tư hiện nay trong lĩnh vực startup?

CEO Do Ventures: COVID-19 đã tạo nên nhiều thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Xu hướng rõ ràng nhất là sự dịch chuyển nhanh chóng lên online trong rất nhiều các lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ, đặc biệt là giáo dục, mua sắm, hay y tế.

Về phía doanh nghiệp, họ buộc phải tìm đến những giải pháp quản trị công việc và nhân sự từ xa để đảm bảo hoạt động kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

Vì vậy, ngoài những ngành vốn đã phát triển nóng như FinTech hay E-commerce, nhà đầu tư sẽ quan tâm đến một số ngành có thể giúp người dùng thích ứng với bối cảnh mới hậu COVID, ví dụ như EdTech, MedTech, và các công cụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

PV: Bà dự báo thế nào về nguồn vốn đầu tư năm nay, liệu có tăng trưởng hơn năm trước?

CEO Do Ventures: Sau một năm chậm lại, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam đã hồi phục trở lại và đạt mức cao kỷ lục.

Theo báo cáo đầu tư thường niên sắp ra mắt của Do Ventures, vốn đầu tư vào startup năm nay dự kiến đạt trên 1 tỷ USD. Năm nay chúng ta có những vòng gọi vốn lớn trên 100 triệu USD và sự ra đời của hai kỳ lân là Sky Mavis và Momo.

PV: Startup Việt có những lợi thế gì để thu hút nguồn vốn đầu tư? Bên cạnh đó, sẽ gặp khó khăn gì trong thời đại dịch hiện nay, thưa bà?

CEO Do Ventures: Kinh tế số của Việt Nam đang có những nền tảng vững chắc bao gồm cơ sở hạ tầng Internet phát triển, thị trường logistics sôi động, môi trường pháp lý ngày một thuận lợi, và nguồn nhân lực công nghệ dồi dào.

Nếu tính thời điểm năm 2019 trước COVID, startup Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về số vốn đầu tư công nghệ. Ngay cả khi dịch bệnh kéo đến, các nhà đầu tư trong khu vực vẫn cho thấy sự lạc quan và kỳ vọng vào Việt Nam. Vì vậy, nước ta đang là một thị trường hấp dẫn với rất nhiều cơ hội để startup gọi vốn từ các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, số lượng quỹ tại Việt Nam vẫn chưa nhiều so với số lượng startup đang gia tăng mạnh mẽ, vì vậy còn những khoảng trống về vốn đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Để có thêm kỳ lân công nghệ, chúng ta cần mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các startup hơn nữa để họ có đủ nguồn lực tài chính khai phá hết tiềm năng của sản phẩm.

PV: Bà có thể đưa ra lời khuyên đối với các quỹ mạo hiểm nước ngoài trong việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư và trong quan hệ với doanh nghiệp khi đã đầu tư?

CEO Do Ventures: Theo tôi, khi lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư, thứ nhất các quỹ nước ngoài cần tìm hiểu kỹ về thị trường nội địa do tính chất của mỗi ngành và hành vi tiêu dùng ở mỗi quốc gia sẽ rất khác nhau. Thứ hai, nhà đầu tư cần tìm hiểu về môi trường pháp lý của ngành nghề mà doanh nghiệp đó hoạt động để hiểu về những quy định luật pháp cần tuân thủ.

Về cạnh quan hệ giữa doanh nghiệp và đầu tư, ngoài khía cạnh tìm hiểu về văn hoá bản xứ thì tôi cho rằng có những tiêu chuẩn chung được áp dụng ở mọi nơi. Đó là sự minh bạch, tôn trọng, và tin tưởng. Một khi đã đầu tư vào một startup, chúng tôi sẽ đi chung con đường với họ và trở thành một người bạn đồng hành của những nhà sáng lập.

Xin cảm ơn bà!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Startup Việt tiếp tục 'hấp dẫn' quỹ đầu tư mạo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO