Truyền thông

Sự linh hoạt thay đổi của doanh nghiệp Việt trước quy định xanh của EU

P.V 31/10/2023 15:13

Các tiêu chuẩn xanh của châu Âu (EU) đang được áp dụng ngày càng rộng và sâu hơn, yêu cầu bắt buộc với các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này. Các doanh nghiệp của Việt Nam cần có một cái nhìn tổng thể, sẵn sàng chuẩn bị nhằm đảm bảo hoạt động tốt.

Yêu cầu ngày càng cao từ thị trường EU

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho rằng ngay trong Hiệp định EVFTA có một Chương riêng về phát triển bền vững. Phát triển bền vững trong EVFTA đề cập đến hai lĩnh vực về môi trường và lao động. Về môi trường, trong EVFTA đề cập đến 4 khía cạnh chính là biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học; quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản; quản lý phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản.

3635-fda-ce-2-1695545072.jpg
Các quy định liên quan đến tiêu chuẩn xanh được EU áp dụng ngày càng sâu rộng.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tuân thủ trong quá trình lựa chọn nguyên liệu nhằm đảm bảo được quy trình sản xuất xanh hoá, thân thiện môi trường, hạn chế tối đa sử dụng các nguồn nguyên liệu gây hại môi trường.

Không chỉ là các yêu cầu trong EVFTA, ông Khanh cho biết, chính EU cũng đưa ra những quy định riêng đối với vấn đề về môi trường và lao động. Chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay quy định liên quan đến chống phá rừng, luật thẩm định chuỗi cung ứng… những quy định này tác động trực tiếp đến các nhà nhập khẩu, các chủ thể của EU.

Bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM khẳng định, gần đây các quy định này chặt chẽ hơn, tăng tốc hơn, bắt đầu từ việc EU phê duyệt Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990 và hướng tới mục tiêu rất tham vọng đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cùng với quy định này họ đưa ra các đề xuất khác nhau, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực để đảm bảo đạt được mục tiêu này và bao trùm tất cả các lĩnh vực từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, hàng không.

Vào ngày 01/10/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có hiệu lực thực thi. Theo lộ trình thực hiện, trong giai đoạn thử nghiệm, các doanh nghiệp trong 6 nhóm mặt hàng (xi măng, sắt thép, điện, hydro) thực hiện báo cáo, nếu không sẽ không được nhập khẩu vào châu Âu.

So với trước đây, các quy định liên quan đến tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững nói chung của EU thường áp dụng nhỏ lẻ và mang tính chất tự nguyện nhưng hiện nay, các quy định này sẽ mang tính chất bắt buộc và bao trùm tất cả sản phẩm thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào châu Âu.

Cần linh hoạt để thích ứng với yêu cầu mới

Thỏa thuận Xanh của EU phê duyệt năm 2020 đã tạo nên áp lực lớn cho các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam. Đây được coi là hệ thống quy định về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững bao trùm và liên quan đến các hoạt động thương mại hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI) cho biết, chắc chắn những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU bao trùm gần như tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của chúng ta khi xuất khẩu vào thị trường EU như nông thủy sản, đồ gỗ, những mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng như dệt may, da giày… Những mặt hàng này đều là một trong những đối tượng được xem là trọng tâm trong việc chuyển đổi xanh của phía EU.

thach-thuc-nganh-ca-phe-viet-nam-truoc-quy-dinh-moi-cua-eu.jpg
Từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng.

“Cho nên chắc chắn là số lượng, phạm vi các doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các quy định trên là rất lớn”, bà Trang nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều ngành của Việt Nam đã, đang thực hiện xanh hoá và nhiều quy định của EU đã đang được thực hiện. Khảo sát nhanh cho thấy, gần 70% doanh nghiệp Việt Nam đã biết về “chương trình từ nông trại đến bàn ăn” của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm, gần 80% doanh nghiệp có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU, gần 60% doanh nghiệp may biết đến Chiến lược dệt may của EU…

Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, Vinatex xác định phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện về chiến lược đường dài mà không thể một sớm một chiều, ngay lập tức chuyển đổi toàn bộ.

Do đó, doanh nghiệp đang từng bước bám sát và đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, khách hàng, cũng chính là yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, khi nhu cầu tiêu thụ dệt may trong năm 2023 và cả năm 2024 dự báo sẽ còn thấp, khi các nước tiêu thụ lớn vẫn đang thắt chặt chi tiêu.

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều chung nhận định, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu. Thách thức trước mắt là lớn nhưng cơ hội đi kèm cũng rất lớn nếu chúng ta bắt kịp xu thế. Đây là cơ hội để nâng tầm giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng cho doanh nghiệp Việt.

Như vậy, thách thức đang đặt ra ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi từ nhận thức đến hành động. Đây là một câu chuyện rất dài, bởi vì để có thể chuyển đổi được sản xuất xanh hơn hay đáp ứng được những tiêu chuẩn xanh thì doanh nghiệp cần phải đầu tư rất nhiều, cả về con người, nguồn lực, vốn và cũng cần một thời gian để các doanh nghiệp có thể thích ứng được với điều đó.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Sự linh hoạt thay đổi của doanh nghiệp Việt trước quy định xanh của EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO