Chuyển động ICT

Sự trỗi dậy của các kỳ lân AI Trung Quốc nhằm cạnh tranh với OpenAI

Ngọc Diệp 16:46 06/05/2024

Bốn công ty khởi nghiệp (startup) AI Trung Quốc đã trở thành kỳ lân công nghệ với mức định giá hơn 1 tỷ USD, nhằm tăng cường cạnh tranh với OpenAI, đặc biệt là khi ChatGPT không hoạt động ở Trung Quốc.

china-ai-442510264-1200x630.jpeg

Giống như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, ChatGPT cũng tạo nên cơn sốt ở Trung Quốc dù OpenAI vẫn chưa hỗ trợ thị trường này. Thông qua ứng dụng nhắn tin đa phương tiện WeChat của Tencent, người dùng Trung Quốc cũng có thể truy cập vào ChatGPT thông qua API - phần mềm trung gian có thể kết nối giữa ChatGPT và WeChat.

Tuy nhiên, cuối tháng 2/2023, chính quyền Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm ChatGPT và nhiều phần mềm chatbot tích hợp AI khác vì lo ngại các phần mềm này có thể đưa ra những câu trả lời không chính xác hoặc thiếu kiểm duyệt.

Nhưng chính sự vắng mặt của ChatGPT tại Trung Quốc đã tạo ra một làn sóng đổi mới công nghệ, thúc đẩy nhiều startup Trung Quốc tạo ra các giải pháp AI mang tính cách mạng. Được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư lớn trong khu vực, các startup này đang phát triển các hệ thống AI tiên tiến có khả năng tạo ra nhiều loại nội dung khác nhau, từ hình ảnh, văn bản đến âm nhạc, đặt ra thách thức lớn đối với vị trí dẫn đầu của OpenAI trong lĩnh vực này.

Các kỳ lân AI của Trung Quốc tăng tốc để bắt kịp OpenAI

Bốn startup về AI tạo sinh của Trung Quốc đã được định giá từ 1,2 - 2,5 tỷ USD trong 3 tháng qua, dẫn đầu nhóm hơn 260 công ty đang cạnh tranh để đối đầu với các đối thủ của Mỹ như OpenAI và Anthropic. Các công ty này đang dần lấp đầy khoảng trống ở Trung Quốc khi ChatGPT của OpenAI bị chặn ở quốc gia này.

picture1(1).png

Cụ thể, những kỳ lân mới thành lập - Zhipu AI, Moonshot AI, MiniMax và 01.ai - đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ một nhóm nhà đầu tư chủ yếu trong nước và đang săn tìm những nhân tài giỏi nhất để phát triển các sản phẩm AI phổ biến nhất.

“Chưa có mô hình nền tảng nào chiến thắng ở thị trường Trung Quốc", Charlie Dai, Phó Chủ tịch kiêm nhà phân tích chính tại công ty tư vấn tập trung vào công nghệ Forrester, cho biết.

Mặc dù, các công ty AI của Mỹ xếp hạng cao hơn các startup AI của Trung Quốc về phát triển công nghệ và tổng số vốn huy động được. Nhưng với việc ChatGPT và các ứng dụng AI đột phá khác như Character.ai không hoạt động ở Trung Quốc, 262 startup đang cạnh tranh để đưa ra các lựa chọn thay thế trong nước, theo một thống kê của nhà cung cấp dữ liệu IT Juzi.

Nhìn chung, các startup AI tạo sinh của Trung Quốc đã tiết lộ tổng số tiền huy động được là khoảng 14,3 tỷ nhân dân tệ (Rmb) (2 tỷ USD) trong 4 tháng đầu năm, bất chấp sự sụt giảm đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiêu dùng khác.

Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình ngôn ngữ lớn và các ứng dụng AI liên quan để sử dụng công cộng, đồng thời xây dựng môi trường pháp lý hỗ trợ nhằm khuyến khích tăng trưởng trong lĩnh vực này thông qua giảm thuế và trợ cấp.

Zhipu đã trở thành startup AI lớn nhất Trung Quốc tính theo số lượng nhân viên. Công ty hơn 800 thành viên này được định giá 18 tỷ Rmb (2,5 tỷ USD) dựa trên vòng gây quỹ mới nhất vào tháng 3.

Trong khi, Moonshot, được thành lập bởi Yang Zhilin, được định giá 2,5 tỷ USD trong vòng đầu tư 1 tỷ USD được công bố vào tháng 2 vừa qua. Trước đây, Yang đã thực tập tại Google Brain AI và Meta AI, đồng thời thành lập một startup có tên Recurrent AI chuyên phân tích các cuộc gọi của nhân viên bán hàng.

Moonshot, Zhipu và 01.ai đã phát triển chatbot nhắm đến nhân viên văn phòng và sinh viên, những người sử dụng trợ lý kỹ thuật số để xử lý các văn bản dài và tối ưu hóa kết quả tìm kiếm. Cả Moonshot và Zhipu đều không trả lời yêu cầu bình luận về nguồn tài trợ của họ.

Chatbot Kimi của Moonshot, có biệt danh từ tên tiếng Anh của Yang, đã nổi lên như đối thủ gần nhất với Ernie Bot của gã khổng lồ tìm kiếm Internet Trung Quốc Baidu. Kimi đã có 12,6 triệu lượt truy cập trong tháng 3 so với 14,9 triệu lượt truy cập của đối thủ cạnh tranh lâu đời hơn, theo nhà cung cấp dữ liệu Aicpb.com, nhưng Kimi đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều.

“Kimi đã làm rất tốt giao diện người dùng của họ và bối cảnh hóa nội dung thông qua tạo tăng cường truy xuất (RAG)”, một người trong ngành cho biết, đề cập đến kỹ thuật tạo tăng cường truy xuất cho phép các mô hình tìm nạp dữ liệu từ các nguồn bên ngoài và cung cấp các câu trả lời cập nhật tới các truy vấn của người dùng.

Trong khi đó, MiniMax có trụ sở tại Thượng Hải, trị giá 2,5 tỷ USD, nhắm đến thị trường game bằng cách sử dụng các nhân vật theo chủ đề anime. Những avatar này đùa giỡn và thậm chí tán tỉnh người dùng trong khi đưa ra phản hồi của họ. Công ty đã nhận được đầu tư từ Alibaba, Tencent, HongShan, Hillhouse và Future Capital.

Trong số 4 kỳ lân mới được tạo ra, 01.ai tụt hậu so với những kỳ lân khác với mức định giá 1,2 tỷ USD. Công ty đã tung ra một loạt mô hình nguồn mở được tùy chỉnh cho thị trường Trung Quốc. Nó cũng tung ra một chatbot có tên Wanzhi, tập trung vào năng suất. Công ty AI này cũng nhận được đầu tư từ Alibaba Cloud và Xiaomi. Nó cũng được hỗ trợ bởi Sinovation Ventures và Shunwei Capital.

Tầm nhìn của nhà sáng lập Kai-Fu Lee đối với 01.ai không chỉ là dẫn đầu cuộc đua AI; mà còn là thúc đẩy một môi trường hợp tác nơi AI có thể phát triển và mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại. Với tầm nhìn hướng tới thị trường toàn cầu, 01.ai không chỉ thách thức các mô hình AI hiện có mà còn đưa ra một mô hình mới về cách các công ty AI có thể hoạt động và cạnh tranh quốc tế.

Các startup Trung Quốc có thể định nghĩa lại tương lai của ngành AI?

Với khoảng 262 startup AI Trung Quốc cung cấp các lựa chọn thay thế ChatGPT cho thị trường Trung Quốc, cuộc đua giành quyền thống trị AI đang nóng lên và mang đến những khả năng mới cho ngành.

Ngoài nguồn tài trợ đầy đủ, các startup AI của Trung Quốc khá tự tin về nền tảng kỹ thuật cần thiết để tung ra các sản phẩm cạnh tranh và có đủ nguồn lực điện toán để đào tạo các mô hình hiện có.

Mặt khác, Trung Quốc cũng có lợi thế về thu hút nhân tài AI bởi mức lương cơ bản cho các kỹ sư AI tại Trung Quốc cũng cao hơn nhiều so với Mỹ và Châu Âu. Theo một số phân tích của các công ty tư vấn công nghệ, một tiến sĩ khoa học máy tính gần đây tốt nghiệp từ một trường đại học Trung Quốc thường có thể mong đợi kiếm được từ 80.000 - 240.000 USD/năm tại một startup lớn, một mức cao hơn khoảng bốn lần ở Thung lũng Silicon.

“Bản thân các công ty Trung Quốc không giỏi về công nghệ cơ bản. Nhưng họ rất giỏi trong việc nhìn ra các xu hướng của ngành, theo đuổi bất cứ điều gì tốt xuất hiện và tận dụng tốt nguồn lực của mình để theo đuổi bất cứ điều gì đang nổi lên ở Mỹ”, một nhà đầu tư công nghệ cao ở Trung Quốc cho biết./.

Theo ft, cointelegraph, scmp
Copy Link
Bài liên quan
  • Lãnh đạo doanh nghiệp nên làm gì trước “làn sóng” AI?
    Nhà lãnh đạo tương lai chắc chắn phải am hiểu công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo (AI) và ‏‏dữ liệu lớn (big data‏‏). Người tạo thay đổi cho doanh nghiệp (DN) trong ứng dụng AI là CEO, COO và CFO, còn lãnh đạo công nghệ chỉ là người hỗ trợ.‏
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sự trỗi dậy của các kỳ lân AI Trung Quốc nhằm cạnh tranh với OpenAI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO