Truyền thông

Sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế

Lâm Phạm 16/08/2024 08:24

Theo các chuyên gia kinh tế việc điều chỉnh, bổ sung về chính sách ưu đãi thuế cùng với những cải cách, nâng cao môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.

Hiện trạng

Kể từ năm 2009, theo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành và các Luật sửa đổi, bổ sung, các lĩnh vực, ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế đã quy định cụ thể tại Luật thuế TNDN (Không áp dụng theo Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư). Theo đó, so với số lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư, số lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN đã được thu gọn còn 30 nhóm lĩnh vực được ưu đãi (trong đó 23 nhóm lĩnh vực được áp dụng mức ưu đãi cao nhất, 7 nhóm lĩnh vực áp dụng mức ưu đãi thấp hơn).

anh-3.jpg
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế TNDN. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia kinh tế những điều chỉnh, bổ sung về chính sách ưu đãi thuế cùng với những cải cách, nâng cao môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên nhiều phương diện, trong đó có yếu tố chính sách ưu đãi thuế, nhất là thuế TNDN. Tuy nhiên, đến nay chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành cũng đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế cần được nghiên cứu, rà soát lại cho phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn cần khuyến khích phát triển hiện vẫn còn hạn chế. Qua rà soát cho thấy, các doanh nghiệp thường tập trung đầu tư tại những nơi có kết cấu hạ tầng thuận lợi. Bên cạnh đó lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế còn dàn trải, cùng với việc lồng ghép nhiều chính sách xã hội trong chính sách thuế đã làm giảm tính trung lập của thuế, làm tăng chi phí ngân sách của việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế TNDN. Chính sách ưu đãi thuế vẫn còn được lồng ghép trong các luật chuyên ngành đã ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Dự thảo nhằm thể chế hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế TNDN, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững; Ưu đãi thuế cho phù hợp nhằm góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, mở rộng cơ sở thu, tập trung khuyến khích ưu đãi thuế vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, lĩnh vực xã hội hóa, KHCN, môi trường, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đầu tư tại các vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn; Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện qua đó phát huy vai trò, hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN trong thúc đẩy đầu tư và phát triển KT-XH, đồng thời, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển.

Nguyên tắc áp dụng ưu đãi

Dự thảo quy định cụ thể các nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN căn cứ theo ngành, nghề ưu đãi, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật này và quy định trường hợp các luật khác có quy định về ưu đãi thuế TNDN khác với quy định của Luật này thì thực hiện theo quy định của Luật này, qua đó, đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật, tránh việc quy định ưu đãi dàn trải tại các văn bản Luật chuyên ngành khác.

Quy định rõ và chi tiết hơn đối tượng ưu đãi thuế TNDN (ngành, nghề, địa bàn và các hoạt động được ưu đãi) trên cơ sở cơ bản kế thừa lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn và hoạt động được ưu đãi thuế theo quy định hiện hành, bao gồm cả những nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới Luật nhưng có rà soát, sắp xếp, hợp lý hóa để tránh trùng lắp, đảm bảo phát huy hiệu quả, tính khả thi, minh bạch trong thực hiện, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển, góp phần mở rộng cơ sở thuế, cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững. Cụ thể:

Dự thảo đã lược bỏ các ngành, nghề ưu đãi đối với: phát triển công nghệ sinh học, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, phát triển ngành nghề truyền thống, dự án sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng, dự án đầu tư tại khu công nghiệp, dự án đầu tư tại khu công nghệ cao nhưng không phải là dự án trong lĩnh vực công nghệ cao; điều chỉnh mức ưu đãi đối với dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn để đảm bảo chính sách ưu đãi thuế có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển KT-XH nói chung, cải cách hệ thống chính sách thuế nói riêng.

Bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đã được quy định cụ thể chính sách ưu đãi thuế TNDN (Thuế suất ưu đãi và miễn, giảm thuế) tại Luật Đầu tư năm 2020 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Bổ sung hoạt động báo chí khác vào đối tượng được áp dụng ưu đãi thuế TNDN 15% ngoài báo in; Bổ sung quy định địa bàn ưu đãi thuế TNDN do Chính phủ quy định, bao gồm: Địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn; Khu kinh tế, khu công nghệ cao (Bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập).

Dự thảo cũng bổ sung quy định đối với trường hợp khoản thu nhập của doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện ưu đãi thuế khác nhau thì doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng theo điều kiện có lợi nhất và thực hiện ổn định trong toàn bộ thời gian hưởng ưu đãi; Bổ sung quy định thu nhập được ưu đãi thuế trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp tại Luật này bao gồm cả thu nhập từ thanh lý tài sản dự án là sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và thu nhập từ việc bán phế liệu, phế phẩm là sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp vào dự thảo Luật để luật hóa quy định đã được thực hiện ổn định, không vướng mắc tại văn bản dưới Luật.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định việc áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Đồng thời, giao Chính phủ việc xác định ưu đãi thuế cho trường hợp vị trí thực hiện dự án nằm trên cả địa bàn được áp dụng ưu đãi thuế TNDN và địa bàn không thuộc địa bàn ưu đãi thuế để đáp ứng các yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Rà soát, sắp xếp lại ưu đãi thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO