Sức bật từ cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền tại Đài PTTH Lào Cai

Minh Trang| 15/03/2022 08:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc sớm áp dụng cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền cũng như mạnh dạn tổ chức lại hoạt động, chuyển dịch theo cơ chế tự chủ tài chính đã tạo nên sức bật trong cả nội dung, chất lượng cũng như thu nhập của Đài Phát thanh – Truyền hình (PTTH) Lào Cai.

Sớm vận hành cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền

Mặc dù là một tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc nhưng với quyết tâm mạnh mẽ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã sớm yêu cầu Đài PTTH Lào Cai chuyển đổi cơ chế hoạt động từ giao nhiệm vụ - cấp kinh phí sang cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền.

Theo báo cáo của Đài PTTH Lào Cai, từ năm 2018, UBND tỉnh Lào Cai đã thực hiện đặt hàng thông tin tuyên truyền theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với Đài PTTH Lào Cai. Trong 2 năm đầu tiên, việc đặt hàng được thực hiện trên cơ sở bộ định mức và đơn giá tạm thời xây dựng theo quy định tại Quyết định số 382/QĐ-BTTTT ngày 21/3/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về việc ban hành đơn giá hỗ trợ sản xuất mới các chương trình truyền hình sử dụng Ngân sách Nhà nước (NSNN).

Trong giai đoạn đầu, việc đặt hàng thông tin tuyên truyền chưa thực hiện đầy đủ cho tất cả các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu, kinh phí đặt hàng mới chỉ đảm bảo được các chi phí sản xuất chương trình; các chi phí khác như tiền điện, thuê kênh vệ tinh và truyền dẫn phát sóng và một số chi phí khác vẫn được Ngân sách cấp phát trực tiếp - Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Lào Cai Nguyễn Thị Hải Anh chia sẻ.

Thực tế, đến năm 2020, dựa trên cơ sở các văn bản như Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 32/2019/NĐ-CP về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công sử dụng NSNN; các Thông tư: 03/2018/TT-BTTTT; 09/2020/TT-BTTTT của Bộ TT&TT ban hành các bộ định mức kinh tế - kỹ thuật sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng các văn bản pháp lý làm nền tảng cho việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của Đài PTTH tỉnh.

Sức bật từ cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền tại Đài PTTH Lào Cai - Ảnh 1.

Đài PTTH tỉnh Lào Cai - Ảnh minh họa

Trong đó, về cơ chế tài chính, chuyển hoàn toàn từ cơ chế UBND tỉnh giao nhiệm vụ, cấp phát NSNN sang thực hiện hoàn toàn theo cơ chế đặt hàng. Cụ thể như UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực PTTH; bộ đơn giá sản xuất, phát sóng và đăng tải trên Internet chương trình PTTH, truyền thông đa nền tảng của Đài PTTH Lào Cai. Cũng như ban hành văn bản quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí và quản lý đặt hàng tuyên truyền đối với Đài PTTH...

Kinh nghiệm trong chuyển đổi cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền

Theo đánh giá của Đài PTTH Lào Cai, quá trình chuyển đổi cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền thực tế đã rút ra 3 bài học kinh nghiệm.

Một là, việc chuyển đổi sang cơ chế đặt hàng chỉ có thể thực hiện được khi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết tâm thực hiện và có sự ủng hộ cao, thường xuyên quan tâm, lắng nghe và giúp đỡ Đài vượt qua những khó khăn. UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ thông tin tuyên truyền.

Hai là, các ngành liên quan của địa phương, nhất là Sở Tài chính, Sở TT&TT đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Đài trong quá trình xây dựng chính sách. Chỉ riêng năm 2020, trong quá trình hoàn thiện chính sách của tỉnh đặt hàng với Đài, lãnh đạo ba cơ quan (Sở Tài chính, Sở TT&TT và Đài PT-TH Lào Cai) đã có gần 20 cuộc hội thảo, bàn về mọi khía cạnh, vấn đề có thể phát sinh khi chuyển đổi. Các văn bản quy định về việc đặt hàng đối với Đài đều được thẩm định chặt chẽ, cơ sở pháp lý vững vàng, sát với thực tế hoạt động.

Ba là, Đài PTTH Lào Cai đã chủ động nghiên cứu các văn bản chính sách, pháp luật, chủ động dự thảo và đề xuất các văn bản thực hiện cơ chế tự chủ tài chính để các ngành thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành. Trong thời gian cấp có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho việc đăng tải, livestream các sản phẩm phát thanh, truyền hình, các chương trình của Đài lên các nền tảng Internet. Đài đã chủ động đề xuất tỉnh ban hành định mức và đơn giá tạm thời làm căn cứ thực hiện.

Nội dung, chất lượng các kênh phát thanh, truyền hình được nâng lên

Kết quả của việc chuyển đổi sang cơ chế đặt hàng tuyên truyền đem lại nhiều khởi sắc trong hoạt động của Đài PTTT Lào Cai. Nội dung, chất lượng các kênh PTTH của Đài được nâng lên. Mặc dù kinh phí đặt hàng được tính theo thời lượng, nhưng Đài PTTH Lào Cai đã loại bỏ được tâm lý "câu giờ", "đo phút tính tiền", Đài đã xây dựng lại fomat các chương trình thời sự, trong đó hạ thời lượng tin, bài thời sự xuống còn ½ so với trước đây – tin còn từ 45 giây đến 1 phút; phóng sự ngắn thời sự còn từ 2 đến 2,5 phút, ghi nhanh còn 1,5 đến 2 phút; đã xây dựng kết cấu chương trình theo đúng quy định của Bộ TT&TT.

Đáng chú ý, từ 1/1/2021, Đài PTTH Lào Cai đã thành lập, duy trì được hoạt động hàng ngày của Hội đồng biên tập, điều phối mọi thông tin trên các kênh phát thanh, truyền hình và hạ tầng thông tin điện tử, dần hướng tới mô hình tòa soạn hội tụ, tận dụng tối đa tài nguyên thông tin để tạo hiệu ứng truyền thông đồng bộ hơn.

Theo thống kê của Đài PTTH Lào Cai, trong 2 năm 2020, 2021, Đài đã tổ chức được 12 khóa bồi dưỡng kỹ năng, kỹ năng nâng cao cho hơn 200 lượt phóng viên, biên tập viên, quay phim và các nhân sự làm công tác kỹ thuật.

Đời sống của người lao động sau khi chuyển sang đặt hàng tuyên truyền cũng được nâng lên, thu nhập ngoài lương như nhuận bút, thù lao, thu nhập tăng lên khoảng 2 lần so với năm 2017.

Đáng nói hơn, sau khi tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP, Đài PTTH Lào Cai cũng được tự chủ ở mức cao về xây dựng vị trí việc làm và số người làm việc về tổ chức bộ máy và thực hiện nhiệm vụ; không còn phải xin biên chế; không phải chuyển người lao động hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn thành cộng tác viên...

Đối với các chương trình đặt hàng của tỉnh, Đài PTTH Lào Cai cũng được chủ động trong phương án thực hiện, phương án tài chính theo các quy chế nội bộ, không phải lập và phê duyệt dự toán, quyết toán cho từng nhiệm vụ so với trước đây. Ngoài ra các chương trình đặt hàng, Đài cũng được chủ động hoàn toàn trong việc sản xuất và phát sóng các chương trình có khả năng thu hút nguồn thu hay tăng tính hấp dẫn cho kênh. Với định mức kỹ thuật và đơn giá do UBND tỉnh ban hành, Đài PTTH Lào Cai đã ký kết hợp tác truyền thông với các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, đem về nguồn thu năm 2021 thêm gần 6 tỷ đồng, dự kiến khi hết dịch Covid-19, nguồn thu này sẽ tăng lên 7 đến 8 tỷ đồng.

Áp dụng đặt hàng không phải là chìa khóa vạn năng, nhưng theo đánh giá của Đài PTTH Lào Cai thì đây là động lực, là cơ hội quan trọng, thậm chí là sức ép cần thiết để phá vỡ sự xơ cứng trong hoạt động của đơn vị. "Đây cũng là cơ sở ban đầu để Đài PTTH Lào Cai nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc tham gia chỉ định thầu, đấu thầu các dự án truyền thông không sử dụng NSNN" - Giám đốc Đài PTTH Lào Cai nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Đài PTTH Lào Cai đã xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt "Đề án nâng cao năng lực hoạt động của Đài PTTH Lào Cai giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030" với mục tiêu Đài PTTH Lào Cai sẽ trở thành đơn vị tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và chi đầu tư, trong khi vẫn đảm nhiệm tốt vị trí, chức năng là đơn vị thông tin, tuyên truyền chủ chốt của địa phương./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Sức bật từ cơ chế đặt hàng thông tin tuyên truyền tại Đài PTTH Lào Cai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO