An toàn thông tin

Sức khỏe số cho thanh thiếu niên Việt Nam không chỉ là kiểm soát dùng thiết bị

Anh Minh 18/05/2025 22:35

Sức khỏe số không chỉ là việc kiểm soát thời gian dùng thiết bị, mà còn là năng lực tự điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi trong môi trường mạng.

Trước những cơ hội và thách thức mà không gian số mang lại, ngày 18/5/2025, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD United Way Việt Nam) cùng TikTok đã khởi xướng một cuộc đối thoại đa bên quan trọng: Tọa đàm đa bên “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số”.

Tọa đàm đặt mục tiêu hướng tới hướng tới thúc đẩy một không gian số an toàn, lành mạnh, có trách nhiệm cho trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.

9.-toan-canh-toa-dam-1-.png
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số”

Được tổ chức Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 và Tháng Hành động quốc gia vì trẻ em 2025, sự kiện quy tụ tiếng nói từ thiếu niên, phụ huynh, nhà hoạch định chính sách đến chuyên gia, cùng tìm kiếm giải pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe số cho thanh thiếu niên Việt Nam.

Cha mẹ chính là "vắc-xin số" đầu tiên của các con

Sự kiện thu hút hơn 120 người tham dự, bao gồm thiếu niên từ 13 - 16 tuổi, phụ huynh, đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, chuyên gia giáo dục - tâm lý, và các nhà sáng tạo nội dung tích cực trên nền tảng số. Thông qua các phiên thảo luận đa chiều và sáng tạo, các bên cùng nhau chia sẻ trải nghiệm, đề xuất giải pháp và lan tỏa thông điệp về quyền được an toàn và khỏe mạnh trong môi trường số cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu người là trẻ em. Trong đó, có 82% trẻ ở độ tuổi 12 - 13 tuổi sử dụng Internet; con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14 - 15 tuổi. 75% trẻ trong độ tuổi từ 12 - 13 tuổi sử dụng ít nhất 1 lần/ngày và con số này tăng lên đáng kể đối với trẻ từ 14 - 15 tuổi, 90% trẻ trong độ tuổi này sử dụng Internet hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh hệ thống pháp luật và gia đình luôn đóng vai trò cốt lõi trong việc bảo đảm quyền trẻ em, không chỉ trên môi trường mạng mà còn ở mọi khía cạnh của đời sống. Bảo vệ trẻ em cần sự phối hợp giữa nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều bố mẹ không biết con mình đang kết nối với ai trên mạng, xem những nội dung gì, hay dành bao nhiêu thời gian cho không gian số.

3.-ba-nguyen-thi-nga-1-1-.png
Theo bà Nguyễn Thị Nga, cha mẹ chính là "vắc-xin số" đầu tiên của các con - người giúp con hình thành khả năng tự bảo vệ, nhận biết rủi ro và phát triển lành mạnh trong không gian mạng.

“Nếu bố mẹ không quản lý, không trang bị các công cụ kiểm soát hoặc không hiểu rõ nội dung con đang tiếp cận, việc đảm bảo an toàn số và sức khỏe số cho các em sẽ trở nên vô cùng khó khăn”, bà Nguyễn Thị Nga cảnh báo. Cha mẹ chính là "vắc-xin số" đầu tiên của các con - người giúp con hình thành khả năng tự bảo vệ, nhận biết rủi ro và phát triển lành mạnh trong không gian mạng.

Dưới góc nhìn chuyên môn về tâm lý, để thúc đẩy sức khỏe tinh thần của trẻ em trên môi trường số, chuyên gia tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sức khỏe số không chỉ là việc kiểm soát thời gian dùng thiết bị, mà còn là năng lực tự điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ và hành vi trong môi trường mạng.

PGS. TS. Trần Thành Nam cho biết với thanh thiếu niên - thế hệ sinh ra cùng công nghệ - những áp lực từ mạng xã hội, cảm giác bị so sánh, bị bỏ rơi, hoặc mất kết nối thật có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần.

“Điều đáng lo là nhiều em không nhận ra mình đang bị tổn thương, trong khi người lớn thì thường phát hiện quá muộn. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận: không chỉ dạy con “dùng công nghệ đúng cách”, mà còn cần cùng con hiểu thế giới số như một không gian sống có cả rủi ro và cơ hội. Thanh thiếu niên cần được lắng nghe, cần kỹ năng để tự điều chỉnh, và quan trọng nhất là cần có người đồng hành - không phải để kiểm soát, mà để kết nối”, chuyên gia Trần Thành Nam nói.

“Được lắng nghe” giúp trẻ cảm thấy an toàn và có trách nhiệm hơn khi sử dụng TikTok

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, trẻ em và thanh thiếu niên không chỉ là đối tượng cần được bảo vệ, mà còn là những người có tiếng nói, có góc nhìn và có năng lực góp phần xây dựng một không gian số lành mạnh, an toàn và văn minh.

“Thế giới số không chỉ là nơi tiêu thụ thông tin - mà là nơi định hình bản sắc, kết nối cộng đồng và lan tỏa ảnh hưởng. Và Gen Z - thế hệ lớn lên cùng công nghệ - xứng đáng được tin tưởng, trao quyền và đồng hành đúng cách”, bà Nguyễn Phương Linh nói.

15.-anh-tham-van-1-.png
Ngay tại sự kiện, các em thiếu niên đã được tham gia thảo luận về những trải nghiệm khi sử dụng nền tảng số

Viện trưởng MSD chia sẻ rằng: “Với cách tiếp cận công dân số chuẩn - SNET - chúng tôi tin rằng mỗi bạn trẻ đều có thể trở thành người biết giữ an toàn cho bản thân và người khác (Safe), sử dụng công nghệ một cách thông minh (Netizen Smart), phát triển bản thân tích cực (Empowered) và hành động vì cộng đồng mạng tích cực hơn (Thoughtful & Together)”.

Nhưng để điều đó trở thành hiện thực, bà Nguyễn Phương Linh cho rằng không ai có thể đi một mình. Gia đình - nhà trường - nền tảng công nghệ - tổ chức xã hội - và chính các bạn trẻ, tất cả đều phải cùng cam kết và cùng hành động. Khi tất cả các bên cùng cam kết, trẻ em sẽ có thể tận dụng môi trường mạng để tối ưu hóa tiềm năng, trở thành những người dẫn dắt thay đổi cho một môi trường mạng an toàn, tử tế và nhân văn hơn.

Ngay tại sự kiện, gần 50 thiếu niên đã được tham gia thảo luận về những trải nghiệm, bao gồm các khó khăn, thách thức và những lợi ích khi tham gia trên các nền tảng số, trong đó có bao gồm việc sử dụng nền tảng TikTok.

Các em đã chia sẻ về niềm vui sáng tạo, giải trí, học tập từ nền tảng này, và cũng không ngần ngại đưa ra các góp ý và các yêu cầu cho nền tảng cải thiện tốt hơn việc đảm bảo các trải nghiệm an toàn, lành mạnh của các em. Các em nhấn mạnh rằng “được lắng nghe” là điều giúp các bạn cảm thấy an toàn và có trách nhiệm hơn khi sử dụng TikTok.

“Chúng em không cần bị kiểm soát, chúng em cần được tin tưởng, hướng dẫn và đồng hành", đây chính là những điều các em mong muốn.

Doanh nghiệp phát triển công cụ số, hỗ trợ phụ huynh đồng hành với con, nhưng nhiều bố mẹ chưa biết đến các công cụ này

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết TikTok đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của nhiều bạn trẻ - nơi các bạn thỏa sức sáng tạo, giao lưu với bạn bè và học hỏi thêm nhiều điều thú vị.

13.-ong-nguyen-lam-thanh-1-.png
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc TikTok Việt Nam

Chính vì vậy, nền tảng này luôn chú trọng xây dựng các biện pháp bảo vệ an toàn cho người dùng trẻ, với các chế độ mặc định phù hợp ngay từ khi tạo tài khoản, để mang lại trải nghiệm tích cực cho các bạn và sự yên tâm cho phụ huynh.

TikTok cũng không ngừng phát triển thêm các tính năng hỗ trợ phụ huynh và người giám hộ - giúp cha mẹ dễ dàng đồng hành cùng con em mình, cũng như giới thiệu các công cụ mới giúp thanh thiếu niên hình thành thói quen sử dụng các nền tảng số một cách lành mạnh và cân bằng hơn.

Tuy vậy, một thực trạng đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp đã phát triển các công cụ kỹ thuật để hỗ trợ phụ huynh quản lý thời gian và nội dung mà con tiếp cận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít bố mẹ chưa biết đến hoặc chưa áp dụng những công cụ này. Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhà trường đã bắt đầu đưa các kỹ năng an toàn số vào chương trình giảng dạy, nhưng trước đây, các em chủ yếu tự học hoặc học từ bạn bè.

“Nếu bố mẹ không cập nhật kiến thức, không chia sẻ với con, sẽ rất khó để đồng hành cùng các em trong môi trường số. Đáng tiếc là có những trường hợp trẻ em bị bạo lực hoặc xâm hại trên mạng, nhưng cha mẹ chỉ nhận ra khi sự việc đã đi quá xa”, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, nói.

Tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số” được tổ chức nhằm hướng tới ba mục tiêu chính.

Thứ nhất, lắng nghe tiếng nói thực tế từ thiếu niên và phụ huynh về trải nghiệm sử dụng TikTok, qua đó làm rõ những băn khoăn, thách thức cũng như đề xuất giải pháp để tăng cường sự an toàn và khỏe mạnh trong không gian số.

Thứ hai, thúc đẩy đối thoại đa bên giữa các nhà hoạch định chính sách, nền tảng công nghệ, tổ chức xã hội, cộng đồng và chính các bạn thanh thiếu niên, nhằm xây dựng một môi trường số tích cực và bền vững.

Thứ ba, tọa đàm hướng đến việc tăng cường năng lực làm cha mẹ trong thời đại số, thông qua việc giúp phụ huynh hiểu và đồng hành cùng con, không theo hướng kiểm soát, mà bằng sự hướng dẫn và kết nối dựa trên sự thấu hiểu và tin tưởng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân
    Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc- Người đã hiến dâng trọn đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Tổng Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã có bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân".
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh: Nguồn cảm hứng bất tận cho hiện tại và tương lai
    Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Trong bài viết, Tổng Bí thư khẳng định: Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ soi sáng chặng đường đã qua, mà còn tỏa sáng như một nguồn cảm hứng bất tận cho hiện tại và tương lai.
  • "Bộ tứ trụ cột" giúp Việt Nam cất cánh
    Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay, có thể gọi 4 Nghị quyết là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh.
  • Nhóm bạn trẻ Hà Nội dùng GenAI tái hiện cuộc đời cách mạng của Bác Hồ
    Dự án “Hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ” được xây dựng với sự hỗ trợ của công nghệ GenAI được xây dựng như một bảo tàng số, tái hiện hành trình lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi rời Bến Nhà Rồng năm 1911 đến khi tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc cùng nhiều sự kiện lịch sử gắn với cuộc đời cách mạng của Người.
  • Các bước chiến lược để truyền thông chính sách khi công nghệ phát triển nhanh
    Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của xã hội và công nghệ, việc áp dụng các bước chiến lược truyền thông chính sách hiệu quả đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo sự thành công của những chính sách này.
Đừng bỏ lỡ
Sức khỏe số cho thanh thiếu niên Việt Nam không chỉ là kiểm soát dùng thiết bị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO