Truyền thông

"Sức mạnh mềm” trỗi dậy nhờ truyền thông hiện đại

Nhật Minh 11/12/2023 17:00

“Cần tiếp tục phát triển, bổ sung thêm các góc nhìn mới, nhận định mới, kiến giải mới cho vấn đề “Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại”.

Đó là một phần quan điểm, mong muốn của đại biểu dự hội thảo gắn với chủ đề nêu trên do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Australia tổ chức ngày 11/12. Sự kiện thu hút được đông đảo các đại biểu lãnh đạo đại diện bộ, ban, ngành trung ương, địa phương tham dự.

Các hình thức truyền thông mới được áp dụng trong quá trình quản trị quốc gia

PGS. TS. Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, sự kiện có ý nghĩa quan trọng kỷ niệm mối quan hệ ngoại giao lâu dài 50 năm (1973 - 2023) giữa hai nước Việt Nam và Australia. Đồng thời, đây là sự nỗ lực, năng động, bước tiến lớn trong công tác đối ngoại, ngoại giao, sự hiểu biết toàn diện có chiều sâu giữa hai quốc gia.

Cũng theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện nay, trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Và trong bối cảnh này, để đạt được các lợi ích quốc gia , nâng tầm ảnh hưởng vị thế, uy tín trên trường quốc tế thì các quốc gia luôn coi trọng sức mạnh mềm thông qua hệ giá trị văn hoá; hệ giá trị chính trị xã hội và chính sách đối ngoại.

Cụ thể hơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng, sức mạnh mềm thuần tuý được hiểu chính là sức mạnh có khả năng tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn và góp phần quan trọng để tạo nên sức mạnh tổng thể quốc gia. Chính vì thế, trong bối cảnh hiện tại, đây là yếu tố quan trọng để tạo sức mạnh ảnh hưởng cho mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, sức mạnh mềm không phải là một thực thể tĩnh mà là quá trình động, trong đó các nhân tố tạo nên sức mạnh mềm hoặc các chất xúc tác để tạo ra sức mạnh mềm sẽ có những thay đổi, bổ sung, tương tác với nhau.

3.jpg
PGS. TS. Lê Hải Bình nhấn mạnh sức mạnh mềm là động lực tạo sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.

“Trong xu thế cuộc cách mạng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, với sự xuất hiện của nhiều phương thức truyền thông mới (truyền thông Internet, mạng xã hội), thì sức mạnh mềm càng có thêm không gian, môi trường, công cụ để triển khai, lan toả”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Cũng theo PGS. TS. Lê Hải Bình, hiện nay, các công cụ truyền thông hiện đại đang có sức mạnh to lớn, với khả năng truyền tải thông tin tức thời, có tính tương tác cao, phạm vi lan tỏa rộng, ảnh hưởng sâu sắc. Vì điều này, Chính phủ ở nhiều quốc gia đang vận dụng, sử dụng các hình thức truyền thông mới, coi đây là công cụ để quản trị quốc gia. Và đối với công tác ngoại giao cũng vậy, không nằm ngoài ngoại lệ, phát triển trở thành ngoại giao số, ngoại giao mạng xã hội, ngoại giao kết nối…

PGS. TS. Lê Hải Bình nhấn mạnh thêm, Việt Nam là quốc gia có truyền thống văn hoá lâu đời, chính văn hoá đã tạo ra sức mạnh tiềm lực, uy tín quốc gia của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Do đó, việc phát triển sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam có vai trò quan trọng. Điều này khi làm tốt sẽ thúc đẩy văn hoá trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội - động lực của sức mạnh nội sinh để đảm bảo cho sự phát triển bền vững về mọi mặt đất nước, từ đó gia tăng thứ hạng trên bảng xếp hàng uy tín quốc tế.

Ghi nhận, đánh giá cao các quan điểm của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh mềm trong truyền thông hiện đại, cũng như sự tham gia tích cực vào khái niệm này của các quốc gia trên thế giới.

Truyền thông số phát huy sức mạnh mềm

Cũng tại hội thảo, nói về tầm quan trọng của sức mạnh mềm trong xu thế số, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong thời đại số, sức mạnh mềm ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong việc góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Cụ thể hơn thì sức mạnh mềm lại hàm chứa các yếu tố có khả năng tạo ra tính chi phối (lực hấp dẫn văn hóa, lực định hướng thị hiếu và lực ngưng tụ quốc gia - khả năng huy động sức mạnh và mức độ can dự vào cơ cấu quyền lực quốc tế).

Do vậy, các nước trên thế giới ở các quy mô khác nhau đều quan tâm xây dựng, củng cố, khai thác và phát huy sức mạnh mềm như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, giờ đây, kỷ nguyên số đã tạo ra một nền tảng công nghệ truyền thông hiện đại chính là Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây (cloud computing) làm thay đổi to lớn cách thức truyền thông của con người.

Từ đó có thể khẳng định kỷ nguyên số là môi trường đầy hứa hẹn và nhiều thuận tiện để phát huy sức mạnh mềm quốc gia, đặc biệt khi nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong điều kiện ấy, sức mạnh mềm có nhiều cơ hội phát triển, thậm chí “trỗi dậy” thông qua các hình thức: Phát huy sức mạnh mềm quốc gia thông qua ngoại giao công chúng; phát huy sức mạnh mềm quốc gia thông qua xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia.

Hiện nay, với vị thế đang định hình là một quốc gia tầm trung và Việt Nam đanh được thế giới đánh giá có nhiều nguồn lực để triển khai sức mạnh mềm trong kỷ nguyên số. Đặc biệt, Việt Nam có một hệ giá trị văn hoá, giá trị chính trị (chính sách); có nền tảng hạ tầng vật chất kỹ thuật tốt, hệ thống Internet phát triển; có nhiều lợi thế trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới để tìm kiếm, khai thác… những điều này chắc chắn sẽ làm giàu thêm sức mạnh mềm quốc gia Việt Nam.

Từ những nỗ lực và hệ giá trị quý báu hun đúc nêu trên, đến nay, cơ bản Việt Nam đã phát huy và phát triển thành công sức mạnh mềm trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia cả trên ba phương diện an ninh, phát triển và ảnh hưởng, đặc biệt là cơ hội tạo dựng, nâng cao vị thế trong quan hệ quốc tế.

Bên cạnh đó, thông qua phát huy sức mạnh mềm, Việt Nam đang tạo khả năng quy tụ, tập hợp lực lượng, sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, tạo nên chí khí dân tộc, bởi bản thân sức mạnh mềm Việt Nam có giá trị tự thân, sức mạnh nội tại, sức cảm hóa.

Tuy vậy, với sự chuyển động không ngừng của khoa học công nghệ và nguồn lực của sức mạnh mềm quốc gia, PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang cho rằng, chúng ta vẫn cần tiếp tục phát triển, bổ sung thêm các góc nhìn mới, nhận định mới, kiến giải mới cho vấn đề “Tăng cường sức mạnh mềm dựa trên nền tảng truyền thông hiện đại”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
"Sức mạnh mềm” trỗi dậy nhờ truyền thông hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO