Phương tiện truyền thông xã hội tác động đến người trẻ như thế nào?
Trong những thập kỷ qua, một số lượng lớn các nghiên cứu đã đề cập, chỉ ra ảnh hưởng của phương tiện truyền thông cũ và mới đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Tóm tắt:
- Phương tiện truyền thông, mạng xã hội đang đóng một vai trò quá lớn trong cuộc sống của người trẻ;
- Các phương tiện, nền tảng xã hội thực sự đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ và hỗ trợ nhau phát triển, tuy nhiên không phải là không có nhược điểm, đó là sự gia tăng các triệu chứng sức khỏe tâm thần;
- Điều tra sự khác biệt cá nhân, khuynh hướng và môi trường ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện truyền thông, cách xử lý phương tiện truyền thông và tác động của phương tiện truyền thông đối với trẻ em không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Những nghiên cứu này đã giúp cho công chúng, đặc biệt là những ai có làm việc liên quan đến trẻ em có thêm sự hiểu biết về lý do tại sao giới trẻ bị thu hút ồ ạt bởi các phương tiện truyền thông. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị ảnh hưởng bởi phương tiện truyền thông, theo những cách tích cực và tiêu cực.
Bài phân tích dưới đây sẽ cung cấp thêm những góc nhìn đa chiều, mối liên quan và tác động của phương tiện truyền thông đến trẻ em, và thanh thiếu niên.
Mối quan hệ giữa người trẻ và các phương tiện truyền thông
Dù muốn hay không, mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của những người trẻ. Họ giao lưu, thử nghiệm danh tính của mình, thể hiện tiếng nói của mình và tìm hiểu về thế giới thông qua các ứng dụng chia sẻ ảnh và video, nhắn tin nhanh và trò chuyện trong trò chơi.
Chỉ với một chiếc điện thoại cầm tay, thanh thiếu niên giờ đây có thể tiếp cận với những người bạn thân của mình, cũng như rất nhiều bạn bè đồng trang lứa khác, từ bất kỳ đâu vào bất kỳ lúc nào, gần như liên tục, mọi lúc mọi nơi.
Một mặt, điều này có nghĩa là thanh thiếu niên có thể tiếp cận thông tin từ bạn bè đồng trang lứa dễ dàng hơn và theo thời gian thực. Điều đó cũng có nghĩa là khi thanh thiếu niên cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội ở trường hoặc trong cộng đồng của họ có thể tìm thấy những người bạn đồng lứa bên ngoài khu vực địa lý của họ theo cách mà trước đây không thể làm được.
Ví dụ, nếu bạn gặp khó khăn về mặt xã hội ở trường, nhưng lại tìm được những bạn cùng chí hướng ở trại hè, giờ đây bạn có thể kết nối với họ dễ dàng hơn trong năm học.
Báo chí Ba Lan dẫn kết quả báo cáo từ một công trình nghiên cứu được công bố vào năm 2021 “Tác động của mạng xã hội đến lối sống của giới trẻ” do nhà nghiên cứu Witold Wojdan và nhóm cộng sự từ Ba Lan thực hiện, khiến các bậc phụ huynh không khỏi giật mình. Cuộc khảo sát cho thấy hầu hết thanh thiếu niên trả lời rằng họ sẽ không thể chịu được việc không sử dụng mạng xã hội sau một đêm. Điều đáng sợ là gần 1/6 thanh niên sẽ không thể sống sót qua một ngày nếu không có mạng xã hội. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể cho thấy nỗi sợ bị loại trừ hiện có thường dẫn đến khả năng nghiện mạng xã hội.
“Bạn có thường xuyên kiểm tra, chẳng hạn như trên điện thoại của mình, xem có thông tin gì mới trên mạng xã hội không?”. Trả lời cho phần này, đáng lo ngại là cứ 1/10 thanh thiếu niên được khảo sát đều sử dụng mạng xã hội trên thực tế mọi lúc, nhiều bạn trẻ thừa nhận rằng Facebook luôn hoạt động 24/7 và thiếu niên cảm thấy cần phải liên tục kiểm tra thông tin cập nhật thỉnh thoảng xuất hiện.
Trong một nghiên cứu mới về phương tiện truyền thông xã hội do Patty Valkenburg (Giáo sư về Truyền thông, Thanh niên và Xã hội của Đại học UvA) đứng đầu, thanh thiếu niên Hà Lan đã được hỏi về cách họ cảm nhận và trải nghiệm mạng xã hội. Những người được hỏi đã có những phản hồi có thể gây ngạc nhiên cho người tiếp nhận.
Cụ thể, hầu hết thanh thiếu niên nói rằng mạng xã hội có ảnh hưởng tốt đến tình bạn của họ. Hình ảnh bản thân: 33% cho rằng mạng xã hội không tốt cho cách họ nhìn nhận bản thân. Điều này đặc biệt đúng đối với các em gái. Bởi, gần một nửa trong số các em gái nói rằng mạng xã hội có tác động xấu đến cách họ nhìn nhận bản thân, trong khi đối với các em trai, tỷ lệ này chỉ 1/4.
Khi đối mặt với những trải nghiệm khó chịu hoặc tình huống thử thách, thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội để tìm cách giải trí (72%), đặt tình huống vào góc nhìn hài hước (45%) hoặc chia sẻ điều này với bạn bè (23%).
Phương tiện truyền thông xã hội có khả năng gây hại như thế nào?
Trao đổi với các nhà nghiên cứu, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo đều có chung một nhận định. Đó là việc các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên chú trọng đến thông tin xã hội, đặc biệt là liên quan đến bạn bè đồng trang lứa. Lý giải vấn đề này, có thể thấy, một phần, các em muốn có thể kết nối, muốn theo kịp với với bạn bè, gia nhập mạng xã hội là một công cụ, cách thức để thực hiện điều đó.
Đi sâu vào phân tích, có thể thấy, bản chất phổ biến của mạng xã hội đồng nghĩa với việc giới trẻ ngày nay không bao giờ nằm ngoài tầm ngắm của bạn bè đồng trang lứa. Không còn bất kỳ thời gian nghỉ ngơi nào trước những áp lực xã hội hoặc những tương tác tiêu cực xảy ra trong ngày.
Trên thực tế, những vấn đề tiêu cực về bạn bè như vậy có thể được khuếch đại trên mạng xã hội mà không có sự hiện diện, can thiệp của người lớn. Điều này, rất dễ dẫn đến hiện tượng so sánh, hụt hẫng hoặc những bức bối, có khi là câu chuyện trầm cảm và những tác động xấu đến sức khỏe tinh thần.
Ngoài ra, một luồng ý kiến khác đều chung nhận định về cách tiếp nhận địa vị xã hội của một người trên mạng xã hội, điều mà thanh thiếu niên trẻ tuổi cực kỳ ý thức. Sự thôi thúc so sánh xã hội và nhu cầu phần thưởng xã hội rất mạnh ở độ tuổi này. Phương tiện truyền thông xã hội cung cấp bối cảnh mà người ta có thể so sánh bản thân với người khác 24/7. Bạn cùng lớp post ảnh kỳ nghỉ hè gần 100 lượt thích. Rồi bạn cùng nhóm vừa khoe áo khoác đẹp thu hút hơn 200 lượt tương tác, hàng chục bình luận bên dưới, toàn những lời khen. Sao ảnh của mình chỉ thưa thớt vài lượt “like”?
Cảm giác không được đo lường, không được củng cố tích cực, hoặc thậm chí bị bắt nạt hoặc quấy rối trong những trường hợp xấu nhất, đều có thể gây khó khăn về mặt tâm lý.
Cho rằng hầu hết chúng ta thể hiện một phiên bản lý tưởng hóa của chính mình trên mạng xã hội, thanh thiếu niên cũng đang so sánh thực tế của chính họ với những hình ảnh chỉ thể hiện một phần sự thật hoặc trong một số trường hợp là hư cấu thực tế. Điều đó khiến thanh niên có những đánh giá tiêu cực về bản thân, có thể dẫn đến lòng tự trọng thấp, lo âu xã hội và trầm cảm.
Việc sử dụng mạng xã hội của giới trẻ gần như phổ biến, với tới 95% thanh niên trong độ tuổi 13-17 cho biết họ sử dụng nền tảng mạng xã hội và hơn 1/3 cho biết họ sử dụng mạng xã hội “gần như liên tục”, dữ liệu mới cập nhật từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, U.S. Department of Health and Human Services công bố.
Đã có rất nhiều lo ngại về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên sau thời kì đại dịch. Trong thời kỳ đại dịch, thanh thiếu niên không thể kết nối trực tiếp với bạn bè của mình. Cũng có nghĩa là phương tiện truyền thông xã hội đã đảm nhận một vai trò lớn hơn nhiều. Trong trường hợp đó, các phương tiện, nền tảng xã hội thực sự đáp ứng nhu cầu kết nối, chia sẻ và hỗ trợ nhau phát triển. Tuy nhiên, đồng thời, như đã lưu ý ở trên, điều đó không phải là không có nhược điểm.
Khi đại dịch qua đi, cuộc sống dần phục hồi, khắp nơi, quay trở lại hình thức giáo dục và giao tiếp xã hội trực tiếp. Nhưng người trẻ, thanh thiếu niên vẫn tham gia vào mạng xã hội, giống như trước khi xảy ra đại dịch. Nhưng các nhà nghiên cứu đã chứng kiến sự gia tăng các triệu chứng sức khỏe tâm thần do thanh thiếu niên báo cáo.
Do đó, cùng với những phân tích, các nhà nghiên cứu cũng tập trung nhiều hơn vào các nguyên nhân nằm trong tầm kiểm soát và tìm kiếm các biện pháp can thiệp để hỗ trợ những người trẻ tuổi có các vấn đề về sức khỏe tâm thần do ảnh hưởng của mạng xã hội.
Thay lời kết
Trong khi thu thập những dữ liệu cho các nghiên cứu của mình, ngoài việc có cơ hội được tiếp cận với nhiều công trình làm nổi bật mặt sáng và tối của giới trẻ sử dụng phương tiện truyền thông, các giảng viên truyền thông thường ngạc nhiên trước những dữ liệu sẵn có.
Cụ thể, các phương tiện truyền thông xã hội phổ biến nhất trong giới trẻ là: Facebook, YouTube, Instagram và Snapchat. Các trang web hẹn hò không phổ biến trong thanh thiếu niên. Giới trẻ dành quá nhiều thời gian trong ngày để sử dụng mạng xã hội. Rất ít thanh niên sử dụng mạng xã hội cho mục đích nghiên cứu. Phương tiện truyền thông xã hội có tác động tiêu cực đến giáo dục ở trường và thời gian ngủ của thanh thiếu niên. Một bộ phận lớn thanh niên không nhận thức được những mối nguy hiểm mà họ phải đối mặt trực tuyến, vậy nên, các chương trình giáo dục nên được giới thiệu để giải quyết vấn đề này.
Các chuyên gia tâm lý học đưa ra giả thuyết về hoa lan, bồ công anh, khi gắn với chủ đề tác động của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đến tâm trí của người trẻ. Cho ý kiến rằng hầu hết người trẻ giống như hoa bồ công anh, có thể phát triển trong điều kiện môi trường tốt và xấu. Nhưng, một nhóm nhỏ các em giống như hoa lan, cần có môi trường hỗ trợ để chúng không bị khô héo hoặc tàn lụi.
Tất nhiên, điều tra xem sự khác biệt cá nhân trong quá trình phát triển, khuynh hướng và môi trường ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện truyền thông, cách xử lý phương tiện truyền thông và tác động của phương tiện truyền thông với trẻ em không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó phức tạp, lộn xộn và đầy thách thức trong bối cảnh đầy biến động hiện nay.
Nhưng nếu chúng ta hiểu cách thức và lý do việc sử dụng phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến giới trẻ, giới trẻ nào dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động truyền thông tích cực và tiêu cực, và làm thế nào môi trường xã hội của họ có thể tối đa hóa các tác động tích cực của truyền thông và chống lại những tác động tiêu cực, thì câu trả lời sẽ rất đáng để nỗ lực. Nỗ lực này trước hết vẫn thuộc về các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và tất nhiên vẫn là sự cần thiết có sự chung tay của toàn xã hội, các cơ quan chức năng có liên quan./.
Tài liệu tham khảo:
1. Dimitri A. Christakis, “Infants and Interactive Media Use— Reply,” JAMA Pediatrics 168, no. 10 (2014).
2. Patti M. Valkenburg and Tom H. van der Voort, “Television’s Impact on Fantasy Play: A Review of Research,” Developmental Review 14, no. 1 (1994);
3. Sanne W. C. Nikkelen, Patti M. Valkenburg, Mariette Huizinga, and Brad J. Bushman, “Media Use and ADHDRelated Behaviors in Children and Adolescents: A MetaAnalysis,” Developmental Psychology 50, no. 9 (2014).
4. Patti M. Valkenburg, Jessica Taylor Piotrowski, Jo Hermanns, and Rebecca de Leeuw, “Developing and Validating the Perceived Parental Media Mediation Scale: A Self-Determination Perspective,” Human Communication Research 39, no. 4 (2013).
5. Wojdan, Witold, Wdowiak, Krystian, Witas, Aleksandra, Drogoń, Justyna and Brakowiecki, Wojciech. “The impact of social media on the lifestyle of young people” Polish Journal of Public Health, vol.130, no.1, 2021, pp.8-13. https://doi. org/10.2478/pjph-2020-0003
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2023)