Phát triển doanh nghiệp số

Xu hướng ứng dụng truyền thông xã hội trong hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam

TS. Trần Thị Hòa – Ngô Hồng Uyên, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng 15:46 26/09/2023

Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đã nhanh chóng nắm bắt và vận dụng truyền thông xã hội (TTXH) trong các hoạt động marketing. Tuy nhiên, việc sử dụng TTXH trong marketing của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cần phải được chuyên nghiệp hóa để nâng cao chất lượng và hiệu quả nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong tương lai, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến việc đẩy mạnh hoạt động marketing qua TTXH, vì đây là một bộ phận cấu thành quan trọng của xu hướng marketing số, góp phần cấu thành nền kinh tế số trong thời đại công nghiệp 4.0.

Đôi nét về marketing qua truyền thông xã hội

Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp muốn hoạt động tốt và phát triển cần dựa vào nhiều yếu tố, trong đó, marketing là một phần gần như không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Các hoạt động marketing của doanh nghiệp thường tập trung hướng vào thị trường, tìm hiểu các nhu cầu và mong muốn của thị trường, khách hàng tiềm năng về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ để tìm cách đáp ứng được những nhu cầu đó, từ đó thu được lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Các hoạt động marketing truyền thống khá phổ biến thường được doanh nghiệp áp dụng như là phát tờ rơi, tham gia hội chợ, tổ chức các chương trình khuyến mại… Trong thời đại cách mạng 4.0, bên cạnh những hình thức marketing truyền thống thì marketing số (Digital marketing) đã nổi lên và ngày càng phát triển mạnh. Các hoạt động marketing số được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số, sử dụng các thiết bị số và Internet để kết nối với khách hàng.

Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, nhiều hình thức truyền thông mới ra đời, nhiều kênh truyền thông nhanh chóng phát triển, nên các hình thức của Digital marketing cũng trở nên đa dạng. Đáng chú ý trong Digital marketing hiện nay là dạng sử dụng TTXH trong marketing. Các doanh nghiệp Việt Nam đương nhiên không đứng ngoài xu hướng này, họ đã nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng Social media marketing để phục vụ hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

z4727699357954_2bb7555ce144f0811fdfcc7521388856.jpg
Các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng Social media marketing để phục vụ hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. (Ảnh: Internet).

Truyền thông xã hội (social media) là hình thức truyền thông ra đời trên cơ sở sự phát triển của mạng Internet. TTXH sử dụng Internet và các thiết bị kĩ thuật số như máy tính, điện thoại thông minh…để tạo ra các kênh truyền thông trực tuyến giúp con người kết nối và giao tiếp thuận tiện và nhanh chóng. Nhờ có khả năng kết nối nhiều người trong hoạt động giao tiếp, TTXH có thể tạo ra các nhóm, các cộng đồng online của những người có cùng chung mối quan tâm, sở thích, nhu cầu, sự hiểu biết… TTXH không chỉ bao gồm các mạng xã hội (MXH) như Facebook, Twitter, TikTok…mà còn bao gồm các blog, diễn đàn trực tuyến…

Ngày nay, TTXH đã trở thành một phần quan trọng hầu như không thể thiếu trong hoạt động marketing của doanh nghiệp. TTXH trở thành một công cụ đắc lực được sử dụng trong marketing số, giúp thu thập thông tin về khách hàng, hỗ trợ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu phát triển sản phẩm, giúp tăng nhận diện thương hiệu, góp phần phát triển chiến lược bán hàng.

Những lợi thế về kết nối con người của TTXH trong hoạt động truyền thông giao tiếp thông qua Internet đã khiến cho social media trở thành một phần không thể bỏ qua của Digital marketing. Người làm marketing số cần nắm được xu hướng, xác định được những xu hướng truyền thông xã hội phù hợp được công chúng quan tâm và sử dụng nó một cách hiệu quả để tạo sự thích nghi của doanh nghiệp với khách hàng hiện nay.

Những xu hướng ứng dụng TTXH vào hoạt động marketing của doanh nghiệp

Chiến lược nội dung nổi bật (tiếp thị nội dung): doanh nghiệp cần tạo ra và cho đăng tải lên các nền tảng truyền thông xã hội mà họ lựa chọn những nội dung (content) chứa đựng những thông điệp có ý nghĩa, có sức lôi cuốn, cung cấp những thông tin cần thiết về sản phẩm, dịch vụ và hữu ích với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thông tin của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng đang quan tâm hoặc tìm kiếm.

Những nội dung này cần được thiết kế nhắm đến một nhóm đối tượng công chúng mục tiêu đã được xác định, truyền tải những thông điệp có khả năng thu hút sự quan tâm chú ý, thảo luận trên TTXH. Những nội dung (content) này vừa cung cấp thông tin, truyền tải thông điệp vừa góp phần kết nối doanh nghiệp và khách hàng, đồng thời góp phần quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ.

Một ưu điểm của TTXH là những nội dung đăng tải không nhất thiết luôn là do doanh nghiệp tạo ra, mà một phần đáng kể có thể là do người dùng tạo ra (UGC – User Generated Content) nên thông tin phong phú, và nhờ có các kênh TTXH mà các nội dung này rất dễ tiếp cận. Để cạnh tranh với rất nhiều các thông điệp khác trên các kênh TTXH, những người sáng tạo nội dung tìm cách làm cho chúng trở nên hấp dẫn hơn, gây ấn tượng với khách hàng nhanh chóng, ví dụ như sử dụng các yếu tố mới lạ, hài hước, theo xu hướng thời thượng, thậm chí có thể kèm chút hơi “giật gân” (ví dụ xu hướng memetic media đang phổ biến trên mạng xã hội hiện nay sử dụng các meme dưới dạng hình ảnh, video hoặc văn bản có tính vui nhộn, hài hước nên dễ thu hút sự chú ý và hứng thú của người theo dõi, từ đó tăng mức độ tương tác và kết nối của khách hàng với thương hiệu và khách hàng với khách hàng).

Marketing qua người có ảnh hưởng: Nhiều doanh nghiệp hiện nay sử dụng những người có ảnh hưởng lớn làm gương mặt đại diện thương hiệu (ví dụ: ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng). Bên cạnh đó, họ cũng không bỏ qua những những người có ảnh hưởng nhỏ (micro influencers) (với lượng tương tác khoảng vài chục nghìn người theo dõi trên MXH). Trong khi những đại diện thương hiệu có vai trò quan trọng trong việc tăng độ nhận diện thương hiệu, giúp cho thương hiệu phủ sóng rộng khắp và được biết đến khắp nơi, thì các micro influencers hướng đến sự tương tác gần gũi, thực tế, chất lượng hơn với khách hàng. Trong khi những người ảnh hưởng lớn có lượng người theo dõi cao thì người có ảnh hưởng nhỏ lại có lợi thế về chiều sâu của tương tác (nhiều lượt like, comment).

z4727706136604_7a3c155c6b908aeb4d3800e8a182b05a.jpg
Ảnh: Internet.

Video, podcast và livestream

Video là định dạng khá phổ biến trên các trang MXH hiện nay, đặc biệt là các video ngắn. Các nền tảng MXH lớn như TikTok, Youtube, Facebook, Instagram hiện nay đều tập trung chú ý nhiều vào việc đăng tải các video ngắn. Trong bối cảnh cạnh tranh giành sự chú ý của khách hàng ngày càng khốc liệt, thì các video ngắn (dưới 2 phút) nhưng truyền tải nội dung trọn vẹn phù hợp để tiếp cận khách hang, thu hút sự chú ý của họ và đưa thông tin cơ bản về dịch vụ, sản phẩm đến với họ. Bản thân công chúng, khách hàng cũng có thể dễ dàng đưa các video về sản phẩm, dịch vụ lên MXH. Điều này tạo thuận lợi lớn cho các nhãn hàng trong marketing. Ví dụ, các video dạy lái xe thì thường có quay cảnh lái xe ô tô, qua đó những người mua xe tiềm năng có thể thấy các thương hiệu xe hơi, thấy những mẫu xe đẹp như thế nào, phù hợp như thế nào, dễ điều khiển như thế nào… Đây là một cách giới thiệu sản phẩm ô tô rất tốt tới khách hàng và cũng là một cách marketing hiệu quả cho các thương hiệu xe ô tô.

Những video đánh giá (review) sản phẩm, dịch vụ cũng thường có khả năng thu hút người xem và trở thành công cụ marketing trên MXH. Như vậy, các video giúp đưa thông tin đến với khách hàng và cũng giúp khách hàng phản hồi đến công ty, qua đó các video trên MXH tạo điều kiện cho việc giới thiệu sản phẩm, góp phần tạo nên nhu cầu ở khách hàng và giúp doanh nghiệp hiểu được nhu cầu, mong muốn, phản ứng của khách hàng, từ đó có thể điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh để giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Những hoạt động như đăng video, livestream có khả năng thu hút nhiều người theo dõi, từ đó dần xây dựng một cộng đồng công chúng trên TTXH, gọi là social media community là nơi để kết nối, phát triển mối quan hệ của những người có cùng sở thích, cùng mối quan tâm để họ cùng tương tác, chia sẻ thông tin, bày tỏ ý kiến. Từ đó, cộng đồng này trở thành một diễn đàn mà thương hiệu/nhãn hàng/sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được đề cập đến một cách tự nhiên. Mỗi thành viên trong cộng đồng đều có thể là hoặc có thể trở thành những người có ảnh hưởng nhỏ chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến thực tế, có thể gây ảnh hưởng đến các thành viên khác. Việc xây dựng một cộng đồng bao gồm những khách hàng thân thiết sẽ giúp thương hiệu tận dụng nội dung do người dùng tạo ra một cách tốt hơn. Cộng đồng MXH này là một lực lượng mạnh có thể đóng vai trò quan trọng trong social media marketing.

Nhìn chung, do TTXH đem lại khả năng tương tác rất cao nên trở thành công cụ marketing hiệu quả trong việc tạo ra kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng, giúp tạo nên sự hiểu biết lẫn nhau giữa 2 bên và qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hiểu và đáp ứng được nhu cầu của khách hang, còn khách hàng tìm được sản phẩm, dịch vụ và mình mong muốn.

Tốc độ truyền thông nhanh chóng của TTXH cùng với lượng giao tiếp lớn đem lại thuận lợi cho hoạt động marketing, đẩy nhanh tốc độ hoạt động và khả năng thu thập thông tin về khách hàng của doanh nghiệp. Sự tồn tại của cộng đồng social media cùng tốc độ cao và lượng thông tin lớn, khả năng tương tác thuận lợi là những yếu tố biến social media marketing trở thành một phần ngày càng quan trọng hơn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Các phương tiện TTXH với khả năng tiếp cận và tương tác cao trong cộng đồng mạng trực tuyến, có khả năng tương tác, kết nối cao hơn so với các loại hình truyền thống khác đã trở thành phương tiện đáp ứng được những xu hướng tiếp thị mới. Vì vậy, việc ứng dụng những phương tiện TTXH vào hoạt động marketing là điều tất yếu.

Ứng dụng TTXH trong hoạt động marketing của doanh nghiệp tại Việt Nam

Truyền thông xã hội khi áp dụng ở Việt Nam thì chủ yếu là nói đến truyền thông MXH. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu hoạt động trên các nền tảng MXH lớn như FB, Zalo, TikTok, YouTube, Instagram. Số ít còn lại có sử dụng thêm Twitter, Pinterest… Có vẻ như đây là những nền tảng phù hợp với hoạt động marketing tại Việt Nam. Bên cạnh các trang MXH, các website là kênh không thể thiếu trong hoạt động marketing online của các doanh nghiệp Việt Nam.

z4727702018962_6f3c074b7559a3d1d76884483bfafc02.jpg
Ảnh: Internet.

Facebook, Zalo, TikTok, Instagram là những phương tiện TTXH có lượng người dùng và người yêu thích lớn tại Việt Nam. Đó cũng là lý do tại sao những người làm truyền thông, marketing đều cho biết doanh nghiệp của họ đều sử dụng các phương tiện TTXH như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram…trong hoạt động của doanh nghiệp, chủ yếu là hoạt động marketing.

Cuộc khảo sát được tiến hành trên 102 nhân viên marketing, truyền thông đang làm việc tại nhiều nơi ở Việt Nam trong các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2023 cho thấy:

  • 99% doanh nghiệp đều có sử dụng các phương tiện TTXH
Biểu đồ 1: Số lượng doanh nghiệp sử dụng những nền tảng truyền thông xã hội tại Việt Nam. (Nguồn: Ngô Hồng Uyên, 2023, trang 47)

Trong đó, số doanh nghiệp sử dụng nền tảng Facebook chiếm 100%, là nền tảng được các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng. Đứng thứ hai là nền tảng TikTok và thứ ba là Zalo. Đây cũng là 3 nền tảng MXH được sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

Kết quả khảo sát từ nghiên cứu này cho thấy: theo đánh giá của các doanh nghiệp được khảo sát, 4 MXH là Facebook, TikTok, Youtube, Instagram là những phương tiện TTXH hoạt động hiệu quả nhất, đem lại hiệu quả tích cực nhất.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết mục đích sử dụng các phương tiện TTXH, bởi đây là những công cụ hữu ích để các doanh nghiệp xây dựng và nâng cao nhận diện, duy trì mối quan hệ, tăng trải nghiệm khách hàng, tạo ra tệp thông tin về khách hàng tiềm năng và tăng tỉ lệ chuyển đổi; gây dựng sự tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp và có thể linh hoạt điều chỉnh trong chi phí.

Như vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng phương tiện TTXH trong hoạt động marketing của doanh nghiệp phải nói đến, đó là: yếu tố tạo và quản lý nội dung xã hội chất lượng, hấp dẫn (thông tin, hình ảnh, video…) cùng tần suất đăng bài cao và có nội dung bắt kịp xu hướng sẽ là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến hiệu quả của việc ứng dụng TTXH. Điều này là tất yếu khi chiến lược nội dung là xu hướng TTXH các nhà nghiên cứu, tổ chức đánh giá cao về hiệu quả thực tế.

Dưới đây là các xu hướng TTXH được ứng dụng trong hoạt động marketing của doanh nghiệp tại Việt Nam

Biểu đồ 2: Những xu hướng truyền thông xã hội được ứng dụng trong hoạt động marketing của doanh nghiệp tại Việt Nam. (Nguồn: Ngô Hồng Uyên, 2023, tr. 51)

Các doanh nghiệp ở Việt Nam không chỉ sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội trong hoạt động marketing mà còn chủ động, nhanh chóng nắm bắt những xu hướng TTXH trên thế giới và áp dụng linh hoạt vào hoạt động marketing tại doanh nghiệp. Những xu hướng có thể kể đến là video marketing, influencer marketing, xây dựng các nội dung trực tiếp (livestream), xây dựng Social Media Community…

Tuy nhiên, sự tiếp thu xu hướng thế giới vào doanh nghiệp Việt Nam cũng có những khác biệt nhất định. Ví dụ, podcast là một trong những xu hướng TTXH nổi bật trên thế giới, tuy nhiên, tại Việt Nam, trong hoạt động marketing của doanh nghiệp, định dạng này cũng chưa thực sự phổ biến. Hiện nay, định dạng này chỉ phổ biến dưới dạng truyền đạt kiến thức, chia sẻ câu chuyện…Hiện chưa nhiều doanh nghiệp sử dụng hay đầu tư vào nền tảng này để hỗ trợ hoạt động marketing của doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn doanh nghiệp đều đồng ý việc ứng dụng TTXH trong hoạt động marketing của doanh nghiệp đã đem lại những hiệu quả về xây dựng và nâng cao nhận diện doanh nghiệp, giúp tạo ra khách hàng tiềm năng và tăng tỉ lệ chuyển đổi; tạo sự dễ dàng trong khâu tìm kiếm, nghiên cứu thị trường và đối thủ và duy trì mối quan hệ, tăng trải nghiệm khách hàng. Đối chiếu giữa mục đích khi ứng dụng TTXH vào hoạt động marketing cũng tương ứng với hiệu quả thực tế mà TTXH đem lại cho doanh nghiệp. Như vậy, ứng dụng TTXH trong hoạt động marketing đem lại cho doanh nghiệp kết quả mà họ mong đợi trong kinh doanh.

Qua nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy: Để hoạt động marketing trên TTXH đạt hiệu quả, nên:

- Xây dựng chiến lược nội dung phù hợp: thông tin nên hữu ích, thiết thực, cập nhật, đáp ứng nhu cầu hiểu biết của công chúng về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp

- Chọn phương thức thể hiện có sức thu hút: hình ảnh đẹp, nội dung có thể nhẹ nhàng, vui nhộn, trình bày dễ tiếp thu. Các định dạng bài đăng có sức thu hút cao nhất là: bài viết có kèm với hình ảnh, bài viết có kèm video, hoạt động livestream.

- Lưu ý đến hoạt động của các KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng): những bài review của người tiêu dùng vì chúng thu hút công chúng và giành được nhiều niềm tin của người tiêu dùng.

Những bài học kinh nghiệm để ứng dụng truyền thông xã hội trong hoạt động marketing của doanh nghiệp tại Việt Nam.

  • Cần chuyên nghiệp hóa hoạt động ứng dụng truyền thông xã hội trong hoạt động marketing của doanh nghiệp.
  • Cần tạo một kế hoạch kênh TTXH hoàn chỉnh.
  • Cần đầu tư vào chất lượng nội dung.
  • Cần đầu tư mạnh vào các xu hướng chính của TTXH là video và livestream.

Khuyến nghị

Khuyến nghị 1: Xây dựng chiến lược marketing trên các phương tiện TTXH

Để đạt được hiệu quả mong đợi, hoạt động marketing trên TTXH không thể chỉ dừng lại ở những hoạt động rời rạc, đơn lẻ, mang tính đối phó nhất thời hoặc đơn thuần chạy theo trào lưu, xu hướng. Hoạt động này đòi hỏi việc xây dựng chiến lược dài hơi dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc về khách hàng, đối thủ cạnh tranh cũng như những thành phần có khả năng gây ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng. Nghiên cứu cần giúp doanh nghiệp nắm được phương thức sử dụng TTXH của khách hàng, của đối thủ cũng như cung cấp thông tin về những nhân vật có tầm ảnh hưởng có khả năng tác động đến khách hàng và có thể tham gia vào hỗ trợ các hoạt động marketing trên TTXH. Trên cơ sở này, việc xây dựng chiến lược marketing lâu dài phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng thành công trong hoạt động trên thị trường.

Khuyến nghị 2: Tạo và chia sẻ nội dung chất lượng

Doanh nghiệp cần chú trọng tạo nên những nội dung không chỉ đầy đủ thông tin mà khách hàng cần mà còn cần thể hiện tính chuyên nghiệp, có sức thu hút, để lại ấn tượng tích cực với công chúng. Thông tin nên hàm chứa những giá trị tốt, hay và có tính sáng tạo, không nhàm chán. Các post hay sẽ có thể được chia sẻ và yêu thích nhiều hơn. Muốn bài đăng hay thì bài cần có sự đầu tư. Không những thế, cần phải đầu tư dài hơi vào các loạt bài liên tục để tạo sức hấp dẫn/sự thu hút lâu dài cho trang MXH, blog…

Nội dung cần thiết thực, gần gũi, hữu ích, thông tin đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ…chứ không chỉ đơn giản là những bài đăng với nội dung bắt trend (theo xu hướng) dù có thu hút lượng like nhưng thiếu giá trị thông tin thực tế đối với khách hàng và do đó khó tạo sức hút bền vững giữ chân khách hàng lâu dài. Nội dung cần truyền tải thông điệp thống nhất và cách thể hiện cần phù hợp với nền tảng truyền thông được chọn.

Doanh nghiệp nên tránh việc truyền tải thông điệp không thống nhất, đưa thông tin thiếu trung thực, phiến diện, gây hiểu lầm. Nên kết hợp cả chữ viết với hình ảnh tĩnh (ví dụ ảnh chụp) và video clip. Hiện nay, doanh nghiệp nên chú ý đầu tư vào định dạng video ngắn vốn đang đang nhiều nền tảng mạng xã hội phổ biến sử dụng và được khách hàng ưa chuộng.

Các doanh nghiệp cần phải chuyên nghiệp hóa các hoạt động sử dụng truyền thông xã hội trong hoạt động marketing. Nếu có thể thành lập bộ phận chuyên trách được đào tạo những kiến thức và kĩ năng cơ bản về truyền thông xã hội thì sẽ là một bước lớn trên con đường chuyên nghiệp hóa hoạt động này. Bộ phận chuyên nghiệp này có thể dành thời gian và nguồn lực để sản xuất những nội dung có chất lượng, phù hợp với các nền tảng truyền thông xã hội mà doanh nghiệp sử dụng, được đưa lên TTXH đúng thời điểm, đúng phương pháp để tạo hiệu quả cao nhất có thể.

Bộ phận chuyên nghiệp có thể sản xuất các hình ảnh, video đẹp, thực hiện các livestream thu hút đông đảo người xem có khả năng bán nhiều sản phẩm, đưa các video, các bài đăng lên hàng các bài được tìm kiếm hàng đầu của các trang mạng xã hội, có kĩ năng tương tác khéo léo với khách hàng, có khả năng xử lý các khủng hoảng truyền thông online nhờ có kĩ năng, hiểu biết về chuyên ngành truyền thông, về giao tiếp, về đạo đức, pháp luật…

Khuyến nghị 3: Xây dựng cộng đồng khách hàng trung thành

Khi TTXH, đặc biệt là MXH ngày càng phát triển thì xu hướng sinh hoạt theo các nhóm (group) trực tuyến cũng hình thành và phát triển. Các group này là nơi tập hợp các nhóm khách hàng và những thành viên nhóm có thể trao đổi với nhau, qua đó tác động lẫn nhau, tác động đến ý kiến, quyết định, phương thức mua hàng. Do đó, tiếp thị qua mạng không thể không quan tâm đến MXH nói chung và các group này nói riêng.

Marketing qua MXH cần phải tiếp cận được các nhóm này hoặc thành lập, tác động được đến các nhóm theo hướng tích cực. Một khi đã “thu phục” được các nhóm này chính là xây dựng được cộng đồng social media community vững mạnh, có sự ủng hộ với thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, từ đó đem lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Khuyến nghị 4: Đầu tư cho định dạng video ngắn và livestream

Video ngắn hiện đang được nhiều nền tảng sử dụng phổ biến như TikTok, Facebook, Instagram. Video ngắn có ưu thế là cung cấp thông tin một cách ngắn gọn, súc tích, tránh gây sự nhàm chán, vì vậy có khả năng thu hút khách hàng. Doanh nghiệp cần chú ý đầu tư sản xuất và đăng tải những video ngắn có chất lượng thông tin cao, tuy ngắn gọn những thông tin đầy đủ, hình thức thể hiện hấp dẫn, phù hợp với nền tảng truyền thông được chọn để thu hút lượt xem, lượt tương tác của công chúng, đưa thương hiệu, thông tin về sản phẩm, dịch vụ đến với công chúng và tạo mối quan hệ ngày càng gắn bó hơn giữa doanh nghiệp với khách hàng.

Nội dung của video ngắn có thể được điều chỉnh để đăng tải ở những nền tảng truyền thông khác có các video dài, qua đó linh động đáp ứng các mức độ nhu cầu thông tin khác nhau của khách hàng. Các doanh nghiệp có thể phối hợp với những người có ảnh hưởng trên TTXH (ví dụ: diễn giả nổi tiếng, người mẫu…) để sáng tạo và đăng tải các video ngắn nhằm tăng sức thu hút cho các video, tăng cường hiệu quả của hoạt động marketing số thông qua tăng lượt xem (mức độ tiếp cận), lượt tương tác và khả năng hướng tới mua sản phẩm, dịch vụ ngay trên trên cửa hàng online hoặc trên các sàn thương mại điện tử.

Livestream có thể được sử dụng là một loại hình hoạt động marketing trực tuyến khá hiệu quả, vừa quảng bá sản phẩm, dịch vụ vừa bán hàng. Việc thực hiện livestream có thể được thực hiện khá đơn giản với điện thoại thông minh nối mạng Internet. Tuy nhiên, để phục vụ tốt hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp cần đầu tư để nâng cao chất lượng livestream: người xuất hiện trực tiếp trong livestream (nếu có thể là người nổi tiếng thì hiệu quả quảng bá và bán hàng càng được nâng cao) cần được huấn luyện để có khả năng nói tốt, có kĩ năng giao tiếp, thu hút, thuyết phục khách hàng, đầu tư cho trang thiết bị âm thanh và hình ảnh chuyên nghiệp, đường truyền mạnh…để truyền tải thông điệp rõ ràng, nâng cao chất lượng buổi livestream, chọn thời điểm livestream phù hợp để buổi livestream đạt hiệu quả như mong đợi.

Khuyến nghị 5: Xây dựng phương án quản trị khủng hoảng

Môi trường mạng nhiều tiềm năng song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng, có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng của doanh nghiệp. Marketing trên TTXH có thể tiếp cận đông đảo công chúng một cách nhanh chóng, thu hút sự quan tâm của công chúng, song nguy cơ khủng hoảng luôn hiện diện với thành phần công chúng đa dạng và có thể phức tạp. Bên cạnh các group ủng hộ doanh nghiệp thì các nhóm anti cũng có thể được lập và tấn công làm giảm uy tín của thương hiệu, đặc biệt là khi có vấn đề xảy ra.

Doanh nghiệp dùng TTXH để quảng bá, marketing, phát triển thương hiệu thì các đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng TTXH để làm vũ khí cạnh tranh với bạn, có thể bằng những thủ đoạn không lành mạnh. Các cuộc khủng hoảng truyền thông online có thể xảy ra, đặc biệt khi có sự việc tiêu cực xảy ra với sản phẩm, dịch vụ…Những cuộc khủng hoảng này có thể liên quan đến các chuyện thi phi, đồn thổi, tin đồn thất thiệt, tẩy chay…

Để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tiêu cực của những cuộc khủng hoảng này, cần lên phương án quản trị khủng hoảng từ trước, dự đoán các vấn đề có thể xảy ra và đề ra phương án giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, cần có sự tập huấn đội ngũ nhân sự về kĩ năng phòng ngừa và xử lý khủng hoảng.

Thêm nữa, việc thực hiện hoạt động marketing trên TTXH cần được đi cùng các động tác theo dõi và đánh giá hiệu quả. Cần theo dõi các yếu tố như lượt like, lượt share, lượt view, các comment, doanh số bán hàng từ các trang MXH …để đo lường được hiệu quả các hoạt động marketing trên TTXH, từ đó có hướng điều chỉnh chiến lược marketing phù hợp.

Khuyến nghị 6: Phát triển đội ngũ chuyên nghiệp phục vụ cho hoạt động marketing trên TTXH

Như trên đã phân tích, các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh hoạt động marketing số nói chung và marketing qua TTXH nói riêng thì cần xây dựng một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp. Đội ngũ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản sẽ thực hiện hoạt động marketing một cách khoa học, có kế hoạch, có chất lượng, có tính toán cụ thể, từ đó mới đảm bảo chất lượng hoạt động marketing online đạt hiệu quả mong đợi, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

z4727697366645_98fa483c6f149a9c2dd7171b4d192df8.jpg

Đội ngũ chuyên nghiệp nên cấu thành là một phần nguồn nhân lực cơ bản của doanh nghiệp, có thể đảm đương nhiệm vụ marketing số của doanh nghiệp thay vì phải đi thuê ngoài. Đội ngũ tại chỗ này đảm bảo tính tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động marketing, luôn nắm rõ hoạt động của doanh nghiệp và sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp khi cần.

Cần phải chuyên nghiệp hóa các hoạt động sử dụng TTXH trong marketing, tức là đưa nhiều hoạt động marketing lên TTXH hay thực hiện nhiều hoạt động marketing bằng TTXH. Chuyên nghiệp hóa thể hiện ở nhiều khâu. Ví dụ: chuyên nghiệp hóa trong khâu livestream, trong khâu sản xuất video ngắn, trong việc quản trị để đẩy các video lên top search (hàng đầu trong danh mục kết quả tìm kiếm) của các trang mạng xã hội….

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tổ chức tập huấn cho toàn bộ nhân viên công ty về các kĩ năng marketing số cơ bản (ví dụ sử dụng avatar, ảnh nền có yếu tố liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp), ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp… đảm bảo tất cả thành viên của công ty đều có thể đóng góp một cách tích cực vào hoạt động marketing của công ty thông qua những hoạt động online của chính cá nhân này.

Kết luận

Qua nghiên cứu này cho thấy xu hướng ứng dụng THXH trong hoạt động marketing của doanh nghiệp tại Việt Nam là xu hướng phát triển chung trong xu hướng Digital marketing, theo xu hướng phát triển chung của thế giới, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của CNTT và truyền thông trong kỉ nguyên công nghiệp 4.0 vào hoạt động marketing, nhưng vẫn thay đổi linh hoạt, phù hợp với thị trường Việt Nam.

Các hoạt động ứng dụng TTXH trong hoạt động marketing là một phần cấu thành của Digital marketing – một xu hướng quan trọng của hoạt động marketing trong thời đại số 4.0 cần tiếp tục được đi sâu nghiên cứu, phát triển để ứng dụng nhằm giúp tăng hiệu quả marketing, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu biết ứng dụng tốt các thành tựu của công nghệ số, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng những kênh mới phục vụ hoạt động marketing với chi phí linh hoạt và hiệu quả tiếp cận công chúng cao, tăng cơ hội bán hàng của doanh nghiệp. Thời đại 4.0 với các tiến bộ trong phương thức truyền thông, sự bùng nổ các thiết bị truyền thông kĩ thuật số cùng hạ tầng Internet đã mở ra cơ hội phát triển mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa – một cơ hội mà doanh nghiệp cần nắm lấy để tồn tại và phát triển, chiến thắng trong cuộc cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa hiện nay./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng ứng dụng truyền thông xã hội trong hoạt động của các doanh nghiệp tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO