Đời sống xã hội

Tại sao khó dập tắt đám cháy xe điện?

Phượng Lê 06/12/2023 10:08

Đã có nhiều vụ cháy nổ gần đây xảy ra do sự bất cẩn trong sử dụng xe điện, khi sạc điện như sạc xe điện qua đêm không trông coi, sạc ngay khi vừa sử dụng xong, pin vẫn còn nóng hay sau khi đi dưới trời mưa ẩm ướt,…

Ngày 13/7/2023, hỏa hoạn xảy ra ở căn nhà ba tầng trên đường Nguyễn Thị Định (TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa). Tầng 1 của căn nhà bị thiêu rụi. Sau khi dập tắt được đám cháy, cảnh sát PCCC phát hiện hai bà cháu tử vong ở chiếu nghỉ cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2. 3 người còn lại trong nhà được cứu thoát.

Nguyên nhân gây cháy là do sạc điện chiếc xe điện 4 bánh chủ nhà dùng chở khách du lịch ở thành phố Sầm Sơn. Sau khi sạc điện được 15 phút thì xe bốc cháy.

Một vụ cháy làm 3 người trong một gia đình chết ở thôn Ngãi Cầu (An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng có liên quan tới xe điện. Nhà ở, kết hợp cửa hàng kinh doanh xe điện Ánh Dương bị cháy hôm 19/7/2023. Ngay sau đó 8 xe chữa cháy và 50 cảnh sát PCCC được điều tới để dập tắt đám cháy.

Một chiếc xe máy điện bị cháy trong ngôi nhà ở phường Cửa Nam (TP. Vinh, Nghệ An) tối 7/9/2023. Xe đang cắm sạc thì khói đen bốc ra, sau đó ngọn lửa bùng lên. Vụ cháy không gây thiệt hại lớn vì chủ nhà kịp thời phát hiện, dùng bình chữa cháy dập tắt ngọn lửa.

Trước đây, cũng xảy ra các vụ cháy xe máy điện. Tại khu vực sạc pin xe điện trong hầm để xe tòa nhà chung cư Eco Green City (Hà Nội) một chiếc xe điện đang sạc pin bùng cháy, nhanh chóng cháy lan sang 4 xe máy khác. Tại bãi đậu dưới hầm của chung cư Masteri Thảo Điền (Thủ Đức, TP HCM), một xe máy điện đang sạc pin bất ngờ cháy lớn rồi lan sang nhiều xe máy khác. Xe máy điện đang sạc của một gia đình ở xã Thạch Long (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang cắm sạc thì phát ra tiếng nổ lớn rồi bốc cháy...

Trên thế giới cũng từng xảy ra những vụ cháy xe điện làm chết người, như vụ cháy xe điện tại thành phố New York vào tháng 4/2023 làm 2 người chết và tháng 6/2023 làm 4 người chết.

22-hien-truong-sau-vu-hoa-hoan-gay-chet-nguoi-tai-mot-cua-hang-xe-dap-dien-o-new-york-dau-nam-nay.-anh-ap-1-.png
Hiện trường sau vụ hỏa hoạn gây chết người tại một cửa hàng xe đạp điện ở New York đầu năm nay. Ảnh: AP.

Xe điện và xe chạy xăng, loại nào dễ cháy hơn? Thông tin về những vụ cháy xe điện được đăng tải nhiều khiến nhiều người có tâm lý e ngại về độ an toàn của loại xe này. Nhưng không chỉ xe điện mới bị cháy mà xe chạy bằng các loại nhiên liêu hóa thạch cũng bị cháy, tỷ lệ cháy còn cao hơn. Theo tổng hợp dữ liệu về doanh số bán ra và tai nạn của Ủy an Thống kê giao thông và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ, xe hybrid có tỷ lệ cháy cao nhất,là 3.475/100.000 xe bán ra, xe xăng là 1.530 xe/100.000 và tỷ lệ ở xe điện là 25/100.000.

So sánh như vậy sẽ thấy tỷ lệ xe điện bị cháy là thấp nhất, nhưng việc chữa cháy cho xe điện khó khăn hơn các loại khác, do các phản ứng hóa học diễn ra bên trong cụm pin tỏa nhiệt lượng lớn, kéo dài và không thể kiểm soát.

Hiện nay có nhiều loại ắc quy dùng cho xe điện, như ắc quy chì Acid, ắc quy khô, pin axit chì, pin niken hiđrua kim loại, pin lithium ion, pin Nickel - cadmium, trong đó phổ biến là loại Pin lithium ion. Có hai loại cháy xe điện phổ biến là pin bị cháy sau khi xe bị va chạm hoặc bị móp méo, thủng; tình huống thường gặp hơn là cháy khi xe đang cắm sạc.

Khi bị cháy xe điện, phải có quy trình chữa cháy riêng, phải dùng bình chữa cháy chuyên dụng mới có thể dập tắt lửa an toàn. Hội đồng cứu hỏa quốc gia Anh (National Fire Chiefs Council ) giải thích: Khi bị cháy, pin lithium-ion cần một lượng nước cực lớn để hạ nhiệt, việc dập lửa khó hơn bình thường vì khối pin lithium-ion cháy rất nhanh và tỏa nhiệt lớn. Pin có thể bốc cháy trở lại ngay cả khi ngọn lửa ban đầu đã được xử lý.

Khối pin rất lâu nguội và phải theo dõi thật kỹ ngay cả khi đám cháy không còn. Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc gia Mỹ cho biết đã cần tới hơn 113.000 lít nước cho một vụ cháy xe điện ở Texas. Không phải lúc nào lực lượng chữa cháy cũng đủ nước và trang thiết bị để xử lý tình huống này.

22-mot-chiec-tesla-bi-chay-vao-2022-tai-my-duoc-nhung-xuong-vung-nuoc-de-lam-nguoi-pin.-anh-sacramento-metro-fire-district-1-.jpg
Một chiếc Tesla bị cháy vào 2022 tại Mỹ, được nhúng xuống vũng nước để làm nguội pin. Ảnh: Sacramento Metro Fire District.

Quy trình chữa cháy xe điện cũng khác với cháy xe xăng.Khi một chiếc xe điện hoặc xe hybrid cháy, có thể tạo ra 4 loại cháy khác nhau, bao gồm loại A (lốp, vải, nhựa), loại B (xăng), loại C (các thiết bị điện tử, pin), và loại D (các kim loại dễ cháy như magiê, titan, nhôm, lithium). Mỗi loại cháy lại cần cách xử lý khác nhau, do đó nếu dùng bình cứu hỏa dạng bột thông thường sẽ không hiệu quả.

Vì vậy, khi cháy xe điện, nhiều nhà sản xuất khuyến cáo tài xế không nên tự chữa cháy nếu không biết cách xử lý mà nên gọi cứu hỏa chuyên nghiệp. Trong hướng dẫn ứng phó khẩn cấp, hãng xe điện Tesla lưu ý cách làm nguội pin tốt nhất là ngâm trong nước. Hãng Toyota thì lưu ý phải dùng bình chữa cháy cho đám cháy loại D khi cháy xe điện, xe hybrid.

Một nguyên tắc chung được các hãng xe điện khuyến cáo là không cắm sạc liên tục quá 8 giờ, trong suốt quá trình sạc điện cho xe, phải có người giám sát; chỉ sử dụng nguồn điện và điện áp phù hợp; không được sạc điện khi xe đang nổ máy; không tự ý thay đổi kết cấu, đặc biệt là với hệ thống pin/ắc-quy và hệ thống sạc.

Sau khi tại Việt Nam xảy ra các vụ cháy xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện... Cục cảnh sát PCCC và CNCH đã chỉ ra một số nguyên nhân gây cháy các loại xe máy điện, xe đạp điện như sau:

-Bình ắc quy xe thường có những mối nối. Nếu không được cách điện tốt, có thể gây ra hiện tượng phóng điện, dẫn đến cháy nổ hệ thống. Nếu bình ắc quy kém chất lượng, bị hỏng sẽ khiến chì và axit trong bình tràn ra ngoài, gây cháy nổ; hoặc xe điện có chứa bình điện được để ở nơi có nhiệt độ hoặc độ ẩm quá cao cũng khiến xe dễ bị chập điện; hoặc bình ắc quy không được bảo trì, bảo dưỡng, pin nhanh xuống cấp, có thể cháy nổ; hay việc độ, chế xe cũng khiến kết cấu của xe bị thay đổi, ảnh hưởng đến các dây điện, nguồn điện... Thậm chí, có người tự ý "độ" từ ắc quy sang pin Lithium để tăng công suất và quãng đường xe hoạt động, hoặc mua pin, mua sạc trôi nổi, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo:

- Nên sạc khi pin/ắc-quy gần hết, sử dụng nguồn điện ổn định và phù hợp theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất để sạc. Sau khi sử dụng xe, chờ khoảng 20 phút để bình điện nguội rồi mới sạc. Không sạc pin qua đêm, không sạc quá 08 tiếng liên tục. Nếu xe để lâu không sử dụng, nên sạc pin đầy rồi tháo rời khỏi xe để tăng độ bền cho pin.

- Bảo quản pin/ắc-quy đúng cách bằng cách để xe tại vị trí cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc-quy tại các khu vực nóng, ẩm. Không tác động lực mạnh vào bộ phận pin/ắc-quy.

- Không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe.Thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn diện có thể làm pin/ắc-quy phát nổ.

-Bảo trì, bảo dưỡng pin/ắc-quy và hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên. Định kỳ khoảng 03 tháng/lần nên đưa xe đi kiểm tra pin/ắc-quy, hệ thống sạc để kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng.

- Rửa xe đúng cách. Không dùng tia nước áp lực cao hoặc phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin/ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở nơi khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra nước vào trong vị trí pin/ắc-quy không.

- Khi muaxe điện, phải chọn xe đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định.

-Không sạc điện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới.

- Sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, trong điều kiện nhiệt độ từ 0℃ - 35℃; khi sạc điện, không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ, không gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.

- Trong quá trình sạc điện, phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, phải ngừng sạc điện; tuyệt đối không sạc qua đêm và khi không có người lớn ở nhà.

- Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ).

- Với xe ô tô điện, phải sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tại sao khó dập tắt đám cháy xe điện?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO