Đề xuất mua máy bay chữa cháy, phải chuẩn bị điều kiện đồng bộ
Đề xuất mới đây của UBND TP. Hà Nội về việc mua máy bay chữa cháy, trực thăng cứu nạn, tàu chữa cháy trên sông nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy là yêu cầu bức thiết, nhất là sau vụ cháy chung cư mini kinh hoàng trong năm 2023.
Hà Nội đề xuất mua máy bay chữa cháy, trực thăng cứu hộ
Cụ thể,UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi tới HĐND TP. Hà Nội về việc thông qua các biện pháp, cơ chế chính sách đối với dự thảo Đề án tổng thể nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo UBND TP. Hà Nội, Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích khoảng 3.360 km2 , gồm 30 quận, huyện, thị xã, 579 xã, phường, thị trấn, 5371 khu dân cư; dân số thường xuyên sinh sống và tạm trú khoảng 10 triệu người, mật độ dân cư đông đúc, đặc biệt tập trung tại các quận nội thành, thành phần kinh tế xã hội đa dạng.
Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, trong đó, có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 01 cảng hàng không quốc tế, 08 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.
Điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước liên quan phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; nhận thức, ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương (nhất là cấp phường, xã), người đứng đầu cơ sở và người dân chưa cao.
Thống kê trong 10 năm (2013 - 2023), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ; ngoài ra có khoảng trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác (cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện trên cột; chập điện, sơ xuất trong đun nấu trong nhà dân).
Cùng với đó, Hà Nội hiện có khoảng trên 4.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; nhiều tuyến phố, ngõ, xóm, tình trạng làm mái che, mái vẩy vượt quá ranh giới đất cho phép, lưới điện; người dân đắp bục, bệ, barie hoặc các hàng quán, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của xe chữa cháy.
Đến năm 2023, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an TP. Hà Nội có tổng cộng 238 xe ô tô, trong đó 28% số xe sử dụng từ 10 đến 20 năm thường xuyên xảy ra hư hỏng; việc sửa chữa khó khăn, thời gian chờ sửa chữa kéo dài do phải đặt hàng, chờ chuyên gia, chờ nhập thiết bị từ nước ngoài…
Ngoài việc sử dụng các phương tiện vào mục đích chữa cháy, các phương tiện còn được sử dụng vào việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố như tham gia bảo vệ các sự kiện, kỳ cuộc; tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự…
Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng để tổ chức chữa cháy đối với các vụ cháy, nổ xảy ra trong không gian kín, không gian ngầm, cháy trong ngõ nhỏ, sâu và các vụ cháy, nổ liên quan hóa chất còn hạn chế; trang phục bảo hộ như quần áo, mũ, ủng, găng tay, bình khí, mặt nạ lọc độc,... cho cán bộ, chiến sỹ tham gia, thực hiện chữa cháy còn thiếu nhiều.
UBND TP. Hà Nội đề xuất bổ sung phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, UBND Thành phố đề xuất bổ sung 26 xe chữa cháy, 2 xe chữa cháy có đầu phá dỡ điều khiển từ xa, 16 xe cứu nạn cứu hộ, 1 xe chữa cháy trong môi trường hóa chất, 20 xe téc nước chữa cháy, 21 xe tải chở phương tiện, 1 xe xử lý sự cố hóa chất sinh học, 5 xe thang 32 mét, 6 xe thang 52 mét, 1 tàu chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông, xuồng cứu hộ, ca nô chữa cháy, máy bay trực thăng cứu nạn cứu hộ; máy bay chữa cháy.
Máy bay chữa cháy được vận hành trong điều kiện nào
Trực thăng đã trở thành công cụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn phổ biến trên thế giới. Trong nhiều năm qua, không ít lần 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có đề xuất mua máy bay chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Những năm trước, ở Việt Nam trong các trường hợp cần thiết chỉ sử dụng trực thăng chữa cháy để chở nước chữa cháy rừng.
Trong bối cảnh các vụ cháy nhà cao tầng phát sinh ngày càng nhiều thì câu chuyện máy bay chữa cháy càng trở thành cấp thiết.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 60/2015, mở ra hành lang pháp lý cho việc trang bị máy bay chữa cháy và cứu hộ tại Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, mỗi địa phương thuộc đô thị loại đặc biệt và Trung tâm ứng cứu khẩn cấp PCCC và cứu nạn cứu hộ quốc gia được trang bị tối đa 2 máy bay trực thăng chữa cháy, cứu hộ và 2 máy bay chữa cháy, niên hạn sử dụng 15 năm.
Hiện nay, các dòng xe thang chữa cháy của Hà Nội và TP.HCM chỉ có thể phun nước lên độ cao vài chục mét, trong khi nhiều cao tốc trong đô thị đang lên đến vài chục tầng. Hạn chế này đặt ra yêu cầu phải có trực thăng chữa cháy trong đô thị.
Tuy nhiên, việc trang bị máy bay chỉ được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện về nguồn nhân lực gồm phi công, đội ngũ kỹ thuật viên phục vụ, đảm bảo cơ sở hạ tầng bay và được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo các chuyên gia, việc lái trực thăng chữa cháy không hề dễ dàng, phi công phải rất giỏi. Đám cháy với nhiệt độ cao sẽ tạo ra gió đối lưu, nếu không đảm bảo điều kiện về khí động học thì máy bay không thể tiếp cận, hoặc khói bốc lên có thể hạn chế tầm nhìn của phi công.
Theo quy định của Bộ Quốc phòng, hầu hết vùng trời nội thành thủ đô Hà Nội là vùng cấm bay (từ mặt đất đến vô cùng). TP.HCM là vùng cấm bay từ mặt đất đến 3.000 m. Đà Nẵng, Hải Phòng cũng có vùng cấm bay.
Tất cả chuyến bay thương mại đều phải hoạt động ở vùng ven thủ đô. Với một vùng trời được bảo an nghiêm ngặt, việc đưa trực thăng vào phục vụ các hoạt động PCCC, cứu hộ cứu nạn sẽ phải được cấp phép và giám sát rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà chậm trễ hơn được nữa, việc sử dụng máy bay phục vụ các hoạt động dân sự trong đô thị sẽ là xu thế tất yếu ở Việt Nam.
Không chỉ chữa cháy, trực thăng còn được ứng dụng trong nhiều công việc như cứu hộ, cứu nạn, chống khủng bố, thậm chí trong tương lai là loại hình taxi trên không.
Đặc biệt trong nhiều trường hợp cháy một tầng cao ốc ở giữa, chia cắt toàn bộ cư dân đang ở các tầng trên. Khi đó cần đưa người dân lên tầng thượng và dùng trực thăng cứu hộ để chở người ra khỏi đám cháy.
Theo khảo sát của Cảnh sát PCCC, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 10 sân đậu trực thăng trên các tòa nhà cao tầng. Trong đó, tòa nhà Diamond Plaza (Quận 1) từng được sử dụng để diễn tập chữa cháy, cứu nạn cứu hộ năm 2013.
Để chuẩn bị cho các phương án dùng máy bay chữa cháy, trực thăng cứu nạn thì điều kiện cơ sở vật chất, quy chuẩn, tiêu chuẩn đều phải thay đổi.
Ví dụ như quy định cụ thể các tòa nhà từ độ cao bao nhiêu thì phải bố trí bãi đỗ trực thăng. Thực tế hiện nay, nhà cao tầng ở Hà Nội có xu hướng xây sát nhau khiến trực thăng khó tiếp cận.
Để loại phương tiện này có thể hoạt động, các đô thị như Hà Nội hay TP.HCM phải đảm bảo hệ thống sân bãi, bảo trì bảo dưỡng cho máy bay. Những tòa nhà cao tầng cũng phải bố trí bãi đỗ trực thăng để cứu người.
Hoạt động chữa cháy trên không tại các nước trên thế giới đã được áp dụng từ những năm 1940. Ba dạng máy bay được sử dụng kết hợp là trực thăng, thủy phi cơ và máy bay dùng động cơ phản lực (ví dụ Boeing 747 Supertanker, chứa được hàng chục khối nước để chữa cháy rừng).
Chất chữa cháy không chỉ có nước mà phải pha hóa chất tạo bọt. Loại trực thăng có kèm téc nước ở bụng thường chứa được từ 3 đến 4 khối nước, sau khi pha dung dịch có thể tạo ra 60-200 khối bọt./.