An toàn thông tin

Tấn công mạng có thể “nhấn chìm” doanh nghiệp như thế nào?

Hạnh Tâm 25/09/2024 06:20

Doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và ngành nghề đều có thể trở thành mục tiêu của tội phạm mạng. Những cuộc tấn công thường gây ra thiệt hại ở quy mô lớn và hậu quả lâu dài.

Trong thời đại số hóa ngày nay, với sự kết nối Internet ngày càng sâu rộng, các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy. Doanh nghiệp (DN) thuộc mọi quy mô và ngành nghề đều có thể trở thành mục tiêu của tội phạm mạng. Những cuộc tấn công thường gây ra thiệt hại ở quy mô lớn và hậu quả lâu dài.

Kaspersky nghiên cứu sâu hơn những tác động của các cuộc tấn công mạng đối với DN và làm rõ những tổn thất nghiêm trọng mà DN có thể đối mặt. Nếu không chủ động bảo vệ bằng các giải pháp an ninh mạng hiệu quả, DN có thể gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Khi đánh giá tác động của các cuộc tấn công mạng đối với DN, điều đầu tiên chúng ta quan tâm là tổn thất tài chính. Một ví dụ điển hình là vụ tấn công ransomware nghiêm trọng vào Johnson Control, DN hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tòa nhà.

Những kẻ tấn công là nhóm hacker Dark Angels tuyên bố đã đánh cắp 27 terabyte dữ liệu có chứa thông tin nhạy cảm và yêu cầu khoản tiền chuộc trị giá 51 triệu USD. Vụ việc đã gây gián đoạn nghiêm trọng đối với hệ thống của DN, cũng như gây tổn thất lên đến 27 triệu USD.

1.png

Vụ tấn công gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Johnson Controls bao gồm gián đoạn hệ thống thanh toán và chi phí phục hồi tăng cao. Hơn thế nữa, bởi Johnson Controls là một công ty có phạm vi kinh doanh trên toàn cầu, nên sự cố rò rỉ dữ liệu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ kinh doanh và hoạt động của công ty.

Theo đó, Kaspersky phân tích những tác động tiêu cực mà các cuộc tấn công mạng có thể gây ra đối với DN.

Gây tổn thất tài chính

Các cuộc tấn công mạng thường trực tiếp gây ra tổn thất tài chính. Ví dụ điển hình là trong các vụ tấn công ransomware, tin tặc thường yêu cầu tiền chuộc để khôi phục quyền truy cập dữ liệu hoặc trực tiếp đánh cắp tiền. Nhưng không dừng lại ở đó, các cuộc tấn công còn có thể dẫn đến nhiều hệ quả gây tổn thất tài chính gián tiếp. Những tổn thất này thậm chí còn lớn hơn nhiều so với thiệt hại trực tiếp ban đầu.

Gây gián đoạn hoạt động

Các cuộc tấn công mạng có thể gây gián đoạn hoạt động của DN. Ngày nay, nhiều DN phụ thuộc rất lớn vào công nghệ số trong hoạt động kinh doanh hàng ngày. Vì vậy, khi hệ thống bị xâm phạm, điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất.

Trong trường hợp nghiêm trọng, toàn bộ hoạt động sản xuất có thể bị gián đoạn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. DN sẽ phải đối mặt với bài toán đau đầu: doanh thu bị giảm sút, chất lượng dịch vụ đi xuống và mất lòng tin của khách hàng, đối tác. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến uy tín của công ty.

Khiến DN phải đối mặt với các khoản chi phí gián tiếp trong thời gian dài

Ngay cả sau khi cuộc tấn công mạng kết thúc, các DN vẫn phải tiếp tục đối mặt với tác động tài chính trong thời gian dài, bao gồm chi phí để khôi phục hệ thống, cải thiện cơ sở hạ tầng an ninh mạng và xử lý hệ quả pháp lý với nhiều loại chi phí kèm theo khác.

Bên cạnh đó, việc khôi phục lại mối quan hệ và niềm tin đã bị tổn hại từ khách hàng và đối tác có thể phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Gây tổn hại uy tín

Uy tín là tài sản vô giá của mọi DN. Việc rò rỉ dữ liệu khách hàng sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của DN. Khách hàng có thể mất niềm tin và quay lưng, dẫn đến sụt giảm doanh thu trong dài hạn. Trong một số trường hợp, chỉ một vụ rò rỉ dữ liệu cũng có thể phá hủy hoàn toàn danh tiếng của một thương hiệu.

Nếu DN trở thành nạn nhân của cuộc tấn công, mối quan hệ với các đối tác kinh doanh và nhà cung cấp cũng có thể bị ảnh hưởng. Các đối tác có thể mất niềm tin vào khả năng bảo vệ dữ liệu được chia sẻ giữa hai bên. Tương tự, các mối quan hệ hợp tác lâu dài cũng có thể bị đe dọa, nếu DN không thể khắc phục sự cố một cách nhanh chóng, hoặc nếu cuộc tấn công vào hệ thống của DN gây ảnh hưởng tới hoạt động của đối tác.

Khiến DN phải đương đầu với các vấn đề liên quan tới pháp lý và quy định

Theo các quy định bảo vệ dữ liệu như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh Châu Âu và Đạo luật về trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế (HIPAA) tại Mỹ, nếu rò rỉ thông tin khách hàng, DN có thể phải đối mặt với các mức phạt nghiêm trọng.

Việc để lộ thông tin nhạy cảm của khách hàng hoặc nhân viên còn có thể khiến DN phải đối mặt với các vụ kiện tụng và hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Việc phải đối mặt với các cuộc chiến pháp lý kéo dài còn khiến tăng thêm gánh nặng tài chính và gây tổn hại tới uy tín của công ty.

Thất thoát tài sản trí tuệ

Đối với nhiều DN, tài sản trí tuệ (IP) được xem như một trong những tài sản quý giá nhất. Một vụ tấn công mạng nhắm vào IP có thể đánh cắp thiết kế sản phẩm, chiến lược tiếp thị và thông tin độc quyền. Đặc biệt, trong các ngành cạnh tranh cao như công nghệ và dược phẩm, việc mất đi tài sản trí tuệ có thể khiến DN xóa lợi thế cạnh tranh đã dày công xây dựng trong nhiều năm.

Ông Oleg Gorobets, Chuyên gia an ninh mạng tại Kaspersky nhấn mạnh: “Tội phạm mạng không bao giờ nghỉ ngơi, chúng giống như những con sói luôn rình rập tấn công khi con mồi mất cảnh giác. Do đó, các DN cần phải luôn cảnh giác và phản ứng linh hoạt khi ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng. DN phải đảm bảo có sẵn các giải pháp và quy trình phù hợp giúp phát hiện và ngăn chặn mối đe dọa một cách hiệu quả, cũng như nhanh chóng khôi phục hoạt động sau cuộc tấn công.

Kapersky cho rằng tuyệt đối cẩn trọng và xem xét các giải pháp tăng cường; Sử dụng các giải pháp an ninh mạng có chức năng kiểm soát và hạn chế việc sử dụng các ứng dụng, trang web và thiết bị không phục vụ cho công việc. Các biện pháp sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm, ngay cả trong trường hợp nhân viên sử dụng các phần mềm không được chấp nhận, hoặc mắc sai lầm khi không thực hành đúng các hành vi bảo đảm an toàn trên không gian mạng./.

Bài liên quan
  • Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong cuộc chiến bảo vệ dữ liệu người dùng
    Năm 2023, số lượng các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam đã tăng 25% so với năm 2022, với hơn 1,5 triệu cuộc tấn công đã được ghi nhận (Theo NCSC). Các cuộc tấn công nhắm đến mục tiêu chủ yếu là dữ liệu cá nhân của người dùng bởi giá trị “mua - bán" cho đến việc mức độ bảo mật cho nội dung này vẫn còn yếu từ chính người dùng cuối cho đến các doanh nghiệp - nơi lưu trữ và sử dụng các dữ liệu này.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tấn công mạng có thể “nhấn chìm” doanh nghiệp như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO