Truyền thông

Tận dụng các nền tảng báo chí số lan tỏa thông tin các lĩnh vực của UNESCO

Hoàng Linh 15/06/2023 14:24

Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban thông tin UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên về hoạt động nâng cao kĩ năng số và thông tin tuyên truyền về UNESCO và các hoạt động hợp tác của Việt Nam trong các lĩnh vực của UNESCO.

Ngày 15/6/2023, với vai trò là Thường trực Tiểu ban Thông tin thuộc Ủy ban Quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị phổ biến các ưu tiên tuyên truyền về UNESCO và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO.

toan-canh-hoi-nghi-15062023.jpg
 Các nhà báo đã chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp cho công tác truyền thông các lĩnh vực của UNESCO

Hội nghị nhằm tăng cường kết nối với các cơ quan báo chí để tuyên truyền về kế hoạch tham gia trong UNESCO của Việt Nam, các ưu tiên, kết quả hoạt động UNESCO cũng như tăng cường quảng bá các công viên địa chất toàn cầu, các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị phổ biến các ưu tiên tuyên truyền về UNESCO và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO.

Hội nghị tập trung vào 2 phần chính: (1). Kế hoạch hoạt động và định hướng tuyên truyền về UNESCO trong năm 2023 của UBQG UNESCO Việt Nam và 04 Tiểu ban (Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Văn hóa và Giáo dục); (2). Phần tập huấn với 2 chủ đề: Chương trình Ký ức thế giới - Bảo tồn và phát huy 07 Di sản tư liệu thế giới và khu vực của Việt Nam (do Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì) và Bảo tồn và phát huy giá trị tại các khu công viên địa chất toàn cầu để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững (do Viện Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì).

Việt Nam nỗ lực và tích cực, chủ động đảm trách các vị trí trong các cơ chế của UNESCO

Bà Nguyễn Thị Nơ, Ban thư ký UBQG UNESCO Việt Nam cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới hậu COVID-19 đang gặp nhiều khó khăn và dễ tổn thương trước sự gia tăng các rủi ro, thách thức toàn cầu và cạnh tranh chiến lược nước lớn, trong điều kiện nguồn ngân sách cho các hoạt động UNESCO hạn hẹp, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và tiếp tục là điểm sáng trong việc phát huy vai trò tích cực, chủ động với các nhiệm vụ và vị trí đảm trách trong các cơ chế của UNESCO.

Việt Nam là thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) nhiệm kỳ 2022-2026; Thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025; Phó Chủ tịch Uỷ ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vận động nhiều danh hiệu văn hóa UNESCO nổi bật trong năm qua.

Nhằm góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tham gia hợp tác trong UNESCO, Tiểu ban Thông tin đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TBTT-UNESCO ngày 23/7/2021 ban hành Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban thông tin UNESCO giai đoạn 2021 – 2025, trong đó ưu tiên các định hướng chính như:

Hoạt động nâng cao kĩ năng số: Thúc đẩy hợp tác giữa Tiểu ban Thông tin với UNESCO về tăng cường phát triển năng lực cho các nhà báo và những người làm truyền thông chuyên nghiệp, nâng cao kiến thức và kĩ năng số cho người dân, phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu.

Hoạt động tuyên truyền: Thông tin tuyên truyền về UNESCO và các hoạt động hợp tác của Việt Nam trong các lĩnh vực của UNESCO.

Sự tích cực tham gia từ các cơ quan báo chí

Trong năm 2022, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT cho biết tiểu ban Thông tin UNESCO đã đạt được nhiều kết quả nổi bật tuyên truyền về UNESCO với sự tham gia tích cực từ các cơ quan báo chí.

ong-trieu-minh-long.jpg
Ông Triệu Minh Long: tiểu ban Thông tin UNESCO đã đạt được nhiều kết quả nổi bật tuyên truyền về UNESCO với sự tham gia tích cực từ các cơ quan báo chí.

Một số nội dung lớn đã được tiểu ban triển khai như đào tạo nâng cao Hiểu biết số và tập huấn tuyên truyền về UNESCO như Hội thảo “Tăng cường hiểu biết số và kỹ năng số cho người dân”, 02 khóa tập huấn tổng quan và 02 khóa tập huấn chuyên sâu về “Kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số”, 03 khóa tập huấn cho hơn 320 phóng viên, biên tập viên của 270 cơ quan báo chí về hiện trạng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ.

Việc quảng bá hình ảnh đất nước, tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu di sản Việt Nam đã, đang và có khả năng được UNESCO công nhận như: sản xuất, phát sóng 04 chương trình truyền hình trên các kênh có diện phủ sóng cả nước tuyên truyền về các di sản UNESCO tại Việt Nam; tổ chức chuyến đi thực tế cho đoàn phóng viên Nhật Bản thường trú tại Việt Nam tại Huế và Cần Thơ trong thời gian 05 ngày; Lồng ghép cung cấp thông tin về các di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận trong bộ bưu ảnh “Nông sản và kiến trúc Việt Nam” (song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh) để làm quà tặng cho các Cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam và khách quốc tế của Bộ TT&TT; Tham gia và thực hiện quảng bá các Sách giới thiệu về di sản vật thể, phi vật thể ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận tại Seoul, Hàn Quốc.

Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí về UNESCO, về các sự kiện của Việt Nam trong UNESCO, các hoạt động, chương trình, dự án lớn hay các danh hiệu di sản được đẩy mạnh. Các cơ quan báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), trong năm 2022, TTXVN đã phát gần 1000 tin, bài bằng tiếng Việt; 1100 tin bài bằng các ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn, Lào, Khmer; và khoảng 2000 tin ảnh và tin đồ hoạ, bài tổng hợp dạng megastory về các nội dung liên quan đến UNESCO để thực hiện các tuyến tin đối nội và đối ngoại.

Các loại hình tuyên truyền được TTXVN và các đơn vị trực thuộc TTXVN áp dụng gồm: tin văn bản, ảnh, tin truyền hình và sán phẩm báo chí đa phương tiện), Đài Truyền hình Việt Nam (tuyên truyền ở các lĩnh vực gồm: văn hoá, giáo dục, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực con người; hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, gồm: các chương trình truyền hình trực tiếp, bản tin thời sự hàng ngày, các chuyên mục hàng tuần, và chương trình trọng điểm của năm; ngôn ngữ thể hiện đa dạng như Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật, v.v) cùng với các cơ quan báo chí trong cả nước với số lượng tin bài được đăng tải hàng ngày.

Tiểu ban Thông tin có sự tham gia đông đủ của các đơn vị phụ trách các lĩnh vực thông tin của Bộ và các cơ quan báo chí chủ đạo đã khẳng định mong muốn và quyết tâm đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyên truyền về UNESCO và các chương trình, dự án trong các lĩnh vực của UNESCO tại Việt Nam. Đã thiết lập kênh liên hệ, phối hợp đều đặn giữa Ban thư ký UBQG UNESCO, các cơ quan là đầu mối phụ trách các tiểu ban còn lại trong cơ cấu UBQG và các đơn vị là thành viên của Tiểu ban Thông tin, các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền về các hoạt động liên quan đến UNESCO.

Tuy nhiên, năm 2022 các hoạt động vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các hoạt động dần được nối lại nhưng chưa đều và nhiều, tập trung vào một số thời điểm nhất định. Do đó, năm 2023, với định hướng chỉ đạo của UBQG UNESCO Việt Nam, Tiểu ban Thông tin cần phát huy và tăng cường vai trò hơn nữa đối với các hoạt động tuyên truyền về UNESCO và sự tham gia của Việt Nam.

ba-pham-thi-phuong-chi.jpg
Bà Phạm Thị Phương Chi: các cơ quan báo chí tận dụng các nền tảng báo chí số và mạng xã hội để lan tỏa thông tin một cách tiết kiệm, hiệu quả và thực chất.

Bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế đã đề nghị các cơ quan phụ trách về thông tin thuộc Bộ TT&TT cùng với các cơ quan báo chí, căn cứ vào khung các hoạt động ưu tiên tuyên truyền đã được xây dựng bởi các cơ quan chuyên môn (gồm UBQG UNESCO Việt Nam và các Tiểu ban) tiếp tục triển khai công tác thông tin tuyên truyền về UNESCO từ nay tới cuối năm 2023 một cách hiệu quả.

Đối với công tác tuyên truyền UNESCO, đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm hơn đầu tư khai thác các tuyến tin theo các thông tin định hướng, đa dạng hóa các hình thức đưa tin, đặc biệt tận dụng các nền tảng báo chí số và mạng xã hội để lan tỏa thông tin một cách tiết kiệm, hiệu quả và thực chất.

Đối với Tiểu ban Thông tin UNESCO, ngoài việc tuyên truyền về các hoạt động của UNESCO và sự tham gia của Việt Nam trong UNESCO, Bộ TT&TT còn xác định nội dung ưu tiên vô cùng quan trọng cần thúc đẩy hợp tác trong UNESCO và triển khai trong nước, đó là việc nâng cao kỹ năng số cho các nhà báo và những người làm truyền thông chuyên nghiệp, nâng cao kiến thức và kĩ năng số cho người dân.

Do đó, theo kế hoạch Bộ TT&TT sẽ tổ chức 2 Hội nghị tập huấn về chủ đề kỹ năng số dành cho phóng viên và thanh niên dự kiến vào tháng 8 và 10/2023./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng các nền tảng báo chí số lan tỏa thông tin các lĩnh vực của UNESCO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO