Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về tuyên truyền quảng bá ASEAN và cơ quan chủ trì Tiểu ban thông tin thuộc Ủy ban quốc gia UNESCO, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn này nhằm cung cấp thông tin về tình hình triển khai, kết quả đạt được, các cơ hội, thách thức, triển vọng trong thời gian tới xung quanh hai chủ đề này.
Thứ trưởng nhận định: Các phóng viên, nhà báo, các cán bộ chuyên trách về thông tin là những người có vai trò quan trọng, đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, quảng bá, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về nhiều mảng thông tin, trong đó có ASEAN và UNESCO.
Tại hội nghị, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay, Việt Nam đã gia nhập UNESCO từ năm 1951, UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc - phụ trách mảng rộng lớn nhất trong số 14 cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc. Về định hướng hoạt động sắp tới của Việt Nam tại UNESCO, ông Phạm Sanh Châu cho biết chủ yếu liên quan đến văn hóa và di sản. Hiện Việt Nam đã có 22 danh hiệu của UNESCO. Những danh hiệu này góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên, ông Phạm Sanh Châu lưu ý cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác quản lý và bảo tồn các di sản đã được UNESCO công nhận.
Đại sứ Phạm Sanh Châu phát biểu tại hội nghị
Trong năm 2016, hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là hồ sơ duy nhất của Việt Nam đang được xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sắp tới, Việt Nam sẽ thành lập hai Trung tâm giáo dục về Toán và Vật lý của UNESCO. Đồng thời trong 3 năm tới Việt Nam sẽ xây dựng hồ sơ tôn vinh nhà giáo Chu Văn An để đưa vào hồ sơ danh nhân thế giới.
Tại hội nghị, đại diện đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu về hoạt động và kế hoạch thông tin tuyên truyền của Tiểu ban Văn hóa, Tiểu ban Khoa học tự nhiên, Tiểu ban giáo dục của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
Liên quan đến các thông tin về Cộng đồng ASEAN, đại diện Bộ Công thương đã có bài tham luận giới thiệu về Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Theo đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng đến trở thành một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế ASEAN hiện lớn thứ 3 châu Á, thứ 6 thế giới với GDP là 2,6 ngàn tỷ USD và 622 triệu dân. Về phía Việt Nam, với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, về thuế quan, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 91% biểu thuế từ ngày 1/1/12015 và sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu của 98,27% biểu thuế vào năm 2018. Từ ngày 1/1/2018 sẽ xóa thuế các mặt hàng như: Ô tô nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng ô tô, sắt thép, linh kiện phụ tùng xe máy, rượu bia, xe đạp và phụ tùng, giấy các loại…
Các đại biểu tham dự hội nghị
Như vậy, với sự tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN bên cạnh những cơ hội về mở rộng thị trường, thu hút đầu tư…, đại diện Bộ Công thương cảnh báo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về sức ép cạnh tranh do mở cửa thị trường. Với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa nội khối, khoảng 97% hàng hóa ASEAN qua biên giới các nước sẽ có mức thuế nhập khẩu là 0%. Ba năm tới sẽ có nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực ô tô, xe máy, mía đường, sắt thép, xăng dầu, chất dẻo, giấy khi các cam kết về giảm thuế và xóa thuế của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội và Bộ Tài nguyên Môi trường đã có những bài tham luận liên quan đến lao động việc làm, an sinh xã hội và vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu./.