Thời gian gần đây tình trạng in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) vẫn đang và tiếp tục diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, nhằm hạn chế và đầy lùi tình trạng này chiều ngày 25/10, tại Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) đã tổ chức Hội thảo "Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng chống in lậu".
Phát biểu Hội thảo, ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TTT&TT cho biết: Thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng hoạt động in lậu vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt, tình trạng in ấn, phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo lậu diễn ra rầm rộ, tập trung nhiều vào dịp năm học mới.
"Đây thực sự là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản và cả xã hội bởi việc in ấn, phát hành sách lậu, sách giả không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các NXB, đơn vị làm sách mà nó còn làm méo mó thị trường, khiến cho những người làm sách, viết sách mất đi động lực, đe dọa sự phát triển ổn định, lành mạnh của ngành xuất bản", Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Vũ nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, trước thực trạng in lậu và các hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ngày càng tinh vi như hiện nay, nhiều nhà xuất bản, đơn vị làm sách đã chủ động tự bảo vệ mình bằng việc sử dụng tem để phân biệt sách thật, sách có bản quyền với sách giả, sách lậu.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, có rất nhiều giải pháp cùng với các loại tem điện tử, tem thông minh có thể ứng dụng cho các sản phẩm của ngành xuất bản sẽ đảm bảo yêu cầu chất lượng, giúp bảo vệ bản quyền. Hơn thế nữa, các tem điện tử không chỉ dùng để phân biệt thật giả, mà nó còn chứa rất nhiều dữ liệu về sản phẩm, bao gồm thông tin từ việc sản xuất đến người sử dụng sản phẩm.
"Ứng dụng tem điện tử giúp cho quản lý xuất bản phẩm được tốt hơn, các dữ liệu ở tem điện tử còn giúp cho các NXB, các đơn vị làm sách biết được chính xác hơn thị hiếu đọc của thị trường, theo lứa tuổi, khu vực... và nắm bắt kịp thời sự thay đổi này theo thời gian. Ngoài ra, việc sử dụng tem điện tử sẽ nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là Cục Xuất bản, In và Phát hành đối với các đơn vị trong ngành, giúp kết nối cơ quan quản lý với các đơn vị và bạn đọc toàn xã hội nhờ dữ liệu được liên thông trong suốt quá trình từ khi cấp phép, cho tới khi sách đến tay bạn đọc", Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Vũ nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ để ngăn chặn sách giả và những trăn trở
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Đăng Quang, NXB Giáo dục cho biết: hiện nay cứ 3 cuốn sách trên thị trường thì có 2 cuốn của NXB Giáo dục, nên quản lý sao cho chặt chẽ là cả một vấn đề. Ngoài ra, mỗi một hợp đồng in của NXB lên tới cả triệu bản nên khó kiểm soát được.
Chia sẻ về những giải pháp ngăn chặn in lậu, ông Quang cho rằng việc dùng tem như vậy sẽ kiểm soát được, ví dụ như in 1 triệu bản sách thì phát cho nhà in 1 triệu con tem, nếu sách ra thị trường mà không có tem thì sẽ phát hiện ra ngay, như vậy sẽ yên tâm một phần từ phía nhà in.
Nhưng vấn đề là sách sau khi in xong ra ngoài thị trường rồi, lúc đó in lậu mới mua tem giả để in lậu, in nối bản, vậy nên chống in lậu bằng tem như thế nào? Vì việc phân biệt tem thật và tem giả bằng mắt thường hiện rất khó, phải dùng kính đặc biệt. Việc dùng tem điện tử để quét truy xuất nguồn gốc cuốn sách là việc tương đối hữu hiệu trong thời điểm hiện nay, loại tem này có tới 4 lớp bảo mật nên sẽ hiệu quả hơn, NXB Giáo dục đang áp dụng tem công nghệ mới này cho một số bộ sách giáo khoa như: Bộ sách Kết nối tri thức, Sáng tạo, Cánh diều… ông Quang cho hay.
Đại diện NXB Chính trị quốc gia sự thật cũng cho biết hiện NXB này cũng đã xây dựng thí điểm ứng dụng mã QR trên sách với số lượng lớn. Tuy nhiên, đại diện NXB cũng băn khoăn về tính bảo mật có được đảm bảo hay không, công nghệ làm tem để chống hàng giả thì được thực hiện như thế nào?
Cùng những băn khoăn đó, đại diện Công ty Alphabooks cũng đưa ra những khó khăn khi sử dụng tem 7 màu hiện nay của công ty. Với những giải pháp làm tem đưa ra từ các công ty công nghệ hiện nay thì cũng hữu hiệu hơn nhưng chi phí làm khá cao.
Ông Hoàng Anh Hào, NXB Trẻ cho biết, hiện NXB Trẻ không có nhà in của mình. Số lượng sách nhiều nhưng không có nhà in, nên nhiều năm qua không dám xuất bản tại thị trường phía Bắc do lo ngại tình trạng in lậu. Các giải pháp các đơn vị đưa ra nếu hiệu quả thì NXB sẽ ứng dụng để xuất bản sách tại thị trường phía Bắc.
"Thực trạng là sách lậu bán tràn lan hiện nay, nhiều đơn vị tuy đã cam kết, rồi cả độc giả vì giá thành mà vẫn tiếp tục buôn bán và sử dụng sách lậu. Vì vậy, việc quản lý tem như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?", ông Hào bày tỏ.
Lợi thế của ứng dụng công nghệ
Trước những băn khoăn của các NXB, đơn vị làm sách, các công ty công nghệ sản xuất tem điện tử đã đưa ra các giải pháp và các sản phẩm tem để các đơn vị kinh doanh làm sách có thể tham khảo ứng dụng cho sản phẩm sách của mình. Đa số các công ty này đều đưa ra được các mẫu tem điện tử có các tính năng ưu việt:
Giá trị mang lại cho nhà sản xuất: dễ dàng truy vết sản phẩm; quản lý bán hàng đến các cấp đại lý/nhà sách; dễ dàng xuất báo cáo phục vụ điều hành (báo cáo xuất hàng, tổng lượng, tồn kho của đại lý, phân bổ…); thay đổi hoàn toàn phương thức marketing (cung cấp các thông tin tác phẩm, thông tin khuyến mại, thông tin hiệu đính cũng như cảnh báo sách lậu, sách giả cho người đọc); khuyến khích sự tham gia của người đọc (khuyến mãi, tích điểm, đổi quà…); xây dựng bản đồ phân bố sản phẩm; dịch vụ tiếp nhận ý kiến phản hồi, khiếu nại, cảnh báo thông qua ứng dụng…
Giá trị mang lại cho các đại lý phân phối: xử lý bài toán phân vùng bán hàng, kích thích nhà phân phối tăng hiệu quả bán hàng; khuyến mại theo khu vực theo kênh phân phối; loại bỏ hàng không nguồn gốc…
Giá trị mang lại cho người tiêu dùng: dễ dàng xác định thật/giả; biết mua hàng chính hãng ở đâu; đường dẫn đến thương mại điện tử; dễ nhận diện thương hiệu; thông tin cập nhật…
Phó giám đốc Công ty Công nghệ chống giả DAC nhận định mỗi công ty có một giải pháp riêng và có tính ưu việt nhất định. Trên tinh thần chia sẻ, con tem này nó là đầu mối kết nối doanh nghiệp (DN), giữa DN với người tiêu dùng, đồng thời làm nên thương hiệu của các DN.
Ông Trịnh Dương, Giám đốc công ty Mã hóa Việt Nam giới thiệu ứng dụng Vietcheck cho biết tem Vietcheck có thể tích hợp 6 lớp bảo mật (mã tin nhắn phủ cào, mã vạch ID, QR code phủ cào, mã hóa dữ liệu ẩn in chìm chống sao chép trong tem, số serial, mã vô hình là dữ liệu không thể nhìn thấy bằng mắt thường).
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết trên thị trường hiện có 6 loại tem khác nhau, việc dán tem sẽ bảo vệ được bản quyền, để độc giả tiếp cận được những cuốn sách tốt nhất.
Ngành xuất bản là ngành công nghiệp sáng tạo, bảo vệ bản quyền chính là cái gốc của sự sáng tạo. Con tem không chỉ đơn thuần là giải pháp kỹ thuật, mà còn chứa nội dung của cuốn sách. Hiện các đơn vị đã sử dụng các loại tem như: tem truyền thống, tem nhiệt, tem 7 màu… để bảo vệ sản phẩm của mình. Tuy nhiên, ngoài việc bảo vệ thì các công ty công nghệ cần có những giải pháp tích hợp công nghệ khác nhau để bảo vệ thị trường, kết nối các đơn vị làm sách - độc giả - đơn vị quản lý.
Sự ưu việt của việc sử dụng con tem chúng ta đã thấy rõ, tuy nhiên, tem chỉ là một trong những giải pháp để phòng chống in lậu. Còn nhiều các vấn đề cần phải giải quyết như nâng cao ý thức người tiêu dùng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hàng giả, hàng lậu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền. Trong tương lai ngành xuất bản đang phấn đấu mỗi cuốn sách có hàng triệu bản in, vì vậy, các đơn vị xuất bản cũng cần có ý thức bảo vệ mỗi sản phẩm của mình./.