Truyền thông

Tăng hiệu quả quản lý vận hành bất động sản với ứng dụng PropTech

Nguyễn Nhàn 25/11/2024 15:16

Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản đã mở ra một thị trường mới trong lĩnh vực này, thị trường công nghệ BĐS (PropTech), góp phần mang lại lợi ích cho các bên tham gia đầu tư bất động sản.

PropTech sẽ thay đổi mạnh mẽ thị trường bất động sản

PropTech là tên viết tắt của thuật ngữ Property (bất động sản - BĐS) và Technology (công nghệ), PropTech là một phần nhỏ trong quá trình chuyển đổi số rộng lớn hơn của ngành BĐS. Nó mô tả một phong trào thúc đẩy sự thay đổi tâm lý, hành vi của người tiêu dùng trong ngành BĐS liên quan đến sự đổi mới dựa trên công nghệ kết nối dữ liệu, giao dịch và thiết kế các tòa nhà hoặc thành phố (theo Braesemann, Fabian and Baum, Andrew, 2020).

Theo kết quả phân tích, dự báo thị trường năm 2024, tổng hợp bởi Fortune Business Insights, tại các thị trường Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương, cho thấy: Bắc Mỹ, Hoa Kỳ có nhiều công ty và công ty khởi nghiệp PropTech nhất. Nguồn lao động có kiến ​​thức dồi dào, các nhà đầu tư tiềm năng và thị trường ổn định với sự đảm bảo về lợi nhuận linh hoạt góp phần vào sự phát triển của thị trường trong khu vực.

Ở Nam Mỹ, việc áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực BĐS đang tăng lên đáng kể. Trong khi đó, số lượng các công ty tập trung vào quản lý BĐS ở Brazil đang phát triển nhanh chóng, thúc đẩy việc mở rộng thị trường trong khu vực.

xu-huong-protech-3.jpg
Xu hướng PropTech dẫn dắt ngành BĐS trong thời đại kinh tế số. (Ảnh Techbook)

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ cao nhất, các công ty khởi nghiệp về BĐS đang tác động tích cực đến thị trường BĐS lớn nhất và năng động nhất khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore.

Cơ hội bứt phá của doanh nghiệp

Thị trường BĐS ở Việt Nam là một thị trường tiềm năng và cơ hội cho PropTech. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, đến năm 2030, thị trường BĐS Việt Nam đạt giá trị hơn 1,232 nghìn tỷ USD, tương đương 22% tổng giá trị tài sản dự kiến 5.601,31 tỷ USD của nền kinh tế. Với sự phát triển, tác động nhanh chóng của kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào ngành BĐS là một yêu cầu khách quan, cấp thiết.

Thị trường PropTech tại Việt Nam bắt đầu phát triển cách đây gần 20 năm nhờ sự phát triển nhanh chóng của Internet, các trang web, nền tảng giao dịch trực tuyến xuất hiện thay thế cho quảng cáo rao vặt trên báo giấy, như: 5giay.vn, muaban.net, batdongsan.com.vn, muabannhadat.com.vn, alonhadat.com.vn...

Những nền tảng này cung cấp nội dung đa dạng hơn, bao gồm cả video thực tế về BĐS. Nhà đầu tư vào website đã thu hút được vốn đầu tư lớn của thị trường, khởi đầu cho cuộc cạnh tranh thị phần trong lĩnh vực PropTech.

cn2-16785084964191750214545.jpg
Chợ Tốt ra mắt nền tảng công nghệ bất động sản Nhà Tốt. (Ảnh Internet)

Theo thống kê của FinREI Investment năm 2023, hiện nay có khoảng 156 công ty PropTech đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, thực hiện đa dạng các dịch vụ từ môi giới, đầu tư, gọi vốn cộng đồng, mua bán, quản lý tài sản, chia sẻ không gian làm việc chung...

Còn theo thống kê của công ty JLL Việt Nam, 80% các công ty PropTech hoạt động tại thị trường Việt Nam là các công ty nước ngoài hoặc sở hữu vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. PropTech hiện phát triển mạnh nhất trong phân khúc các khu dân cư và các tòa nhà văn phòng khi hơn 50% các công ty PropTech hoạt động trong phân khúc kinh doanh này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì ứng dụng PropTech Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn 2.0 và rục rịch chuyển sang 3.0, vẫn đang đi sau thế giới một khoảng cách.

Chính sách phát triển Chính phủ điện tử và sự ủng hộ của Chính phủ cho chuyển đổi số (CĐS) là cơ sở quan trong cho sự phát triển PropTech trong tương lai. CĐS ở Việt Nam hiện nay được thể hiện trong rất nhiều văn bản pháp lý, cụ thể như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Cùng với đó, sự phát triển của thị trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam là động lực chính cho PropTech. Việt Nam hiện là thị trường khởi nghiệp công nghệ lớn thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Việc đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đã tăng liên tục kể từ năm 2018, đạt đỉnh 1,9 tỷ USD vào năm 2021, với sự đóng góp ngày càng lớn từ các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế (theo báo cáo của Nash Tech năm 2023).

Việc gia tăng đầu tư này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của PropTech, khi các startup trong lĩnh vực này tiếp tục tận dụng các nguồn lực và cơ hội thị trường. Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và gia tăng dân số, thị trường PropTech Việt Nam nổi lên như một giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu về nhà ở và dịch vụ BĐS tại các trung tâm đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc áp dụng công nghệ PropTech vào lĩnh vực BĐS cũng còn gặp một số những thách thức nhất định về tiếp cận công nghệ, nguồn vốn, chính sách, nhân lực. Điều này đòi hỏi các chủ thể tham gia thị trường cần có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy, cách tiếp cận công nghệ và không ngừng sáng tạo trong lĩnh vực này để tận dụng tối đa nguồn lực nhằm giúp thị trường BĐS ngày càng phát triển. Đồng thời cũng cần có những giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ đặc biệt là đổi mới, cải cách chính sách và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng hiệu quả quản lý vận hành bất động sản với ứng dụng PropTech
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO