An toàn thông tin

Tăng “sức đề kháng” cho trẻ em trên không gian mạng

Ngọc Diệp 30/10/2023 14:37

Trang bị cho trẻ những kiến thức và kĩ năng cần thiết giúp trẻ sử dụng Internet cũng như tham gia thế giới số an toàn là mối quan tâm lớn của các bậc cha mẹ hiện nay.

hnmo_cam-nang-1-.jpeg
Nguồn: hanoimoi.vn

Những rủi ro tiềm ẩn trên môi trường mạng

Internet mang đến một nguồn tài nguyên vô tận, giúp mọi người có thể gặp gỡ với bạn bè khắp năm châu, khám phá muôn điều mới mẻ. Tại Việt Nam, cuộc sống của con trẻ cũng chẳng còn xa lạ với Internet và các thiết bị điện tử thông minh. Trẻ em được các thầy, cô giới thiệu rất nhiều điều hay về các thiết bị điện tử khi học ở trường, và thực hành sử dụng Internet trong học tập và giải trí.

Chia sẻ về việc sử dụng Internet tại Việt Nam tại chương trình giao lưu An toàn trực tuyến cho trẻ em - Trò chuyện cùng các chuyên gia và tác giả sách “Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả”, bà Đinh Thị Như Hoa, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT, cho biết Internet không chỉ cần thiết cho việc học tập, giải trí mà còn thành "bảo mẫu số" trong nhiều gia đình có con nhỏ.

Bà Như Hoa dẫn báo cáo tháng 8/2022 của nhiều cơ quan, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cho biết có nhiều thông tin giật mình như tỉ lệ sử dụng Internet của trẻ em rất lớn, tình trạng xâm hại trẻ em, tỉ lệ trẻ bị lừa đảo, bị ép tham gia các hoạt động phi pháp... Cụ thể, theo số liệu khảo sát của UNICEF, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%, thời lượng sử dụng Internet từ 5 - 7 giờ/ngày.

Đặc biệt, khảo sát cho biết một thực trạng đáng lo ngại: đa phần trẻ bị xâm hại hoặc quấy rối trên mạng thường không nói với cha mẹ, thầy cô, người chăm sóc... Nếu có chia sẻ, các em chọn chia sẻ với bạn. Các em cũng không sử dụng bất cứ hình thức trình báo nhờ giúp đỡ từ các cơ quan bảo vệ trẻ em nào như công an hay các số hotline hỗ trợ trẻ em. Điều đó cho thấy sự quan tâm của bố mẹ, sự gắn kết để trẻ sẵn sàng chia sẻ trên không gian mạng còn rất hạn chế.

Bà Hoa chia sẻ 5 rủi ro mà trẻ em thường gặp phải nhiều nhất trên không gian mạng, đó là: tiếp cận thông tin không phù hợp; bị tiết lộ thông tin cá nhân; bị lừa đảo; bị nghiện Internet, game, mạng xã hội,...; bị dụ dỗ tham gia các hoạt động phi pháp.

Tăng “sức đề kháng” cho trẻ em trên không gian mạng

Internet là nỗi bối rối không của riêng ai và là xu thế không thể chối bỏ. Tuy nhiên, theo nhà văn Hoàng Anh Tú, không thể đơn giản dùng quyền làm cha mẹ để bảo vệ con bằng cách cấm đoán, cưỡng ép con không dùng Internet. Bởi khi cấm đoán con, chính là lúc chúng ta đang làm trẻ bị tổn thương và đóng dần cánh cửa kết nối, chia sẻ giữa cha mẹ với con cái. Cha mẹ không còn là nơi để các con tin tưởng giãi bày, tâm sự nữa. Con gặp vấn đề trên mạng sẽ tìm cách giải quyết trên mạng chứ không giải quyết cùng cha mẹ trên bàn ăn của gia đình.

toa-dam-truc-tuyen-an-toan-cho-tre-em.jpg
Các diễn giả tại sự kiện giao lưu An toàn trực tuyến cho trẻ em

Thậm chí, các phụ huynh cũng bị bất ngờ trước Internet, bị lừa đảo, bị bắt nạt, bị nghiện Internet y như trẻ con. Vì thế, theo nhà văn Hoàng Anh Tú, chính chúng ta mới là những người cần phải học về Internet và học cùng con, bởi công nghệ đang thay đổi chóng mặt.

"Hãy trở thành bạn cùng học với con trên môi trường Internet, thay vì chúng ta sử dụng quyền cha mẹ quát mắng con, ngăn cấm con, ra nguyên tắc bắt con phải tuân thủ thì cha mẹ cần cùng con xây dựng nguyên tắc đó và phải tuân thủ nguyên tắc đó trước", nhà văn Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

Bà Đinh Thị Như Hoa chia sẻ cha mẹ, thầy cô cần nâng cao kiến thức công nghệ để đồng hành cùng với con khám phá Internet an toàn và sáng tạo.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Giám đốc CFC Việt Nam và là đồng tác giả cuốn sách "15 bí kíp giúp tớ an toàn - Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả", không thể cấm đoán và kiểm soát con sử dụng Internet mà cần đồng hành cùng con một cách khéo léo, cung cấp cho con các công cụ như phim hoạt hình, sách truyện phù hợp với lứa tuổi để trang bị những kiến thức cần thiết, bảo vệ trẻ an toàn khi tham gia không gian mạng.

Cũng theo bà Hoàng Anh, cuốn sách "15 bí kíp giúp tớ an toàn - Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả" là một tài liệu hữu ích giúp trẻ sử dụng các thiết bị kết nối Internet an toàn, cách ứng phó với những tình huống lừa đảo và tiêu cực trên mạng xã hội và Internet.

Cuốn sách nêu ra những rủi ro của trẻ em khi lên mạng, như chia sẻ thông tin cá nhân, bị bắt nạt, kết bạn với người lạ. Chúng tôi cũng đưa vào sách những giải pháp lựa chọn những website phù hợp với lứa tuổi và có thêm một phần giới thiệu những trang web hữu ích cho trẻ”, Giám đốc CFC Việt Nam và là đồng tác giả cuốn sách chia sẻ.

Bà Hoàng Anh cũng chia sẻ thêm về Internland, một tựa game miễn phí thú vị nằm trong chương trình "Be Internet Awesome - Em an toàn hơn cùng Google" hướng tới đối tượng tới là trẻ em. Thông qua tựa game này người chơi sẽ biết được nhiều điều bổ ích trong việc sử dụng Internet.

Hay bộ phim hoạt hình "Internet phiêu lưu ký" phiên bản Việt hóa bao gồm 03 tập ngắn, nội dung được lồng ghép các tình huống giúp cha mẹ và con trẻ nhìn nhận được các nguy cơ tiềm ẩn trên môi trường Internet, giúp trẻ phòng tránh được các tình huống xấu có thể xảy ra khi tham gia trực tuyến./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tăng “sức đề kháng” cho trẻ em trên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO