Truyền thông

Tạo dựng vị thế mới cho Thủ đô

Ngọc Hà 02/12/2023 15:07

Sau hơn 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội vẫn đối mặt với nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nhiều nguồn lực chưa được phát huy tối đa.

Vùng Thủ đô và khát vọng vươn tầm khu vực
Toàn cảnh Vùng Thủ đô.

Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô hướng tới vùng đô thị lớn, đa cực

Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, không gian Vùng được xác định phát triển theo 6 định hướng.

Thứ nhất, phát triển thành Vùng có tầm quan trọng quốc gia, là đô thị hạt nhân - trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước. Thứ hai, Vùng phát triển năng động, có nền kinh tế thịnh vượng và đổi mới. Thứ ba, Vùng có chất lượng đô thị và nông thôn cao, môi trường sống tốt cho cộng đồng. Thứ tư, Vùng có hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối tốt. Thứ năm, Vùng có môi trường cảnh quan chất lượng cao, hòa vào thiên nhiên Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi phía Bắc. Thứ sáu, Vùng sáng tạo và đặc thù, có đặc trưng riêng và giàu bản sắc.

Trong Vùng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là 3 địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao. Hà Nội có vị thế là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của Quốc gia; trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phát huy vai trò đầu tàu, đầu mối trong quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội sẽ tập trung hình thành các trung tâm thương mại, tài chính lớn của quốc gia, các khu nghiên cứu, đào tạo công nghệ cao, trung tâm văn hóa - lịch sử lớn.

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội khoảng từ 65-70%. Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái gắn với các đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Bắc và cả nước. Tỉnh Bắc Ninh phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp, tập trung vào kinh tế tri thức, trung tâm y tế - nghỉ dưỡng của Vùng…

Trong khi đó, các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam phát huy lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống đô thị hướng biển (qua hành lang Hà Nội - Phố Nối - Hải Dương - Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên - Đồng Văn - Phủ Lý) và vùng nông nghiệp phía Nam của Vùng sẽ phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị, kết nối trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm cấp vùng.

Các tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang phát huy lợi thế là cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng Thủ đô Hà Nội với vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Trong đó, Thái Nguyên phát triển các chức năng về y tế, giáo dục đào tạo chất lượng cao, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm nhận chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia và liên vùng, bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Phú Thọ phát triển các vùng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Tây Bắc của vùng; Bắc Giang là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của vùng, sản xuất các sản phẩm nông lâm chất lượng cao…

Hiện nay, Vùng Thủ đô đang phát triển theo mô hình cấu trúc đa cực tập trung. Đến năm 2050, Vùng Thủ đô sẽ là vùng đô thị lớn - đa cực tích hợp với trên 190 đô thị. Tại các tỉnh vùng đồng bằng, hệ thống đô thị sẽ được khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị. Các đô thị được tập trung nâng cao chất lượng.

Cấu trúc đô thị hài hòa cảnh quan tự nhiên. Tại các tỉnh có địa hình miền núi, trung du khuyến khích phát triển hệ thống đô thị vừa và nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng sâu, vùng xa. Hệ thống hạ tầng được đầu tư tập trung nhằm gắn kết chặt chẽ, thuận lợi giữa đô thị trung tâm với các đô thị trong tỉnh, liên tỉnh, làm cơ sở phát triển các vùng nông, lâm nghiệp.

Đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô nhấn mạnh việc tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong vùng, trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác có hiệu quả hệ thống đường Vành đai (4 và 5), các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên).

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô cũng xác định một số dự án ưu tiên đầu tư xây dựng như các tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, Hòa Lạc - Hà Nội - Vĩnh Phúc; đường Vành đai 4 và 5, đường sắt nội vùng, đường sắt quốc gia; nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các dự án thủy lợi, phòng chống lũ liên tỉnh; xây mới và nâng cấp các nhà máy nước liên tỉnh; mở rộng khu xử lý chất thải Nam Sơn; xây dựng nghĩa trang quốc gia.

Về hạ tầng xã hội, Vùng sẽ trọng tâm đầu tư các trung tâm y tế, giáo dục và đào tạo cấp Vùng tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ, Thái Nguyên… nhằm giảm sức ép cho Hà Nội và chia sẻ cơ hội cho các tỉnh trong Vùng. Về thương mại - dịch vụ, khoa học công nghệ, du lịch, văn hóa - thể dục thể thao, đồ án ưu tiên phát triển các dự án gắn với các tuyến cao tốc, hành lang kinh tế, Vành đai như trục Nhật Tân - Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng).

Vành đai 4, đòn bẩy kết nối phát triển vùng

Theo các chuyên gia, tuyến đường Vành đai 4 sẽ là tuyến liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô, giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của thành phố, giải toả áp lực cho Vành đai 3 đã quá tải trầm trọng.

Dự án đường Vành đai 4, động lực để phát triển
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô kết nối 5 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.

Đặc biệt, nếu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tuyến đường vành đai 4 chắc chắn sẽ tạo đòn bẩy cho các tỉnh phát triển mạnh mẽ. những yêu cầu mới, đồng thời, triển khai đồng bộ Luật Quy hoạch, Hà Nội cần một “tấm áo mới”, với những thay đổi có tính chiến lược trong Quy hoạch, nhất là đặt Hà Nội trong mối liên kết với các địa phương trong cả nước để từ đó tạo dựng vị thế mới cho Thủ đô.

Ngoài đi qua ba tỉnh, thành phố, đường Vành đai 4 còn kết nối với hàng loạt dự án giao thông huyết mạch đi các vùng, miền như các đường cao tốc: Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng, Pháp Vân-Cầu Giẽ…

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng: “Hà Nội quyết tâm làm đường Vành đai 4 vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay”.

Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nêu rõ, Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Bài học kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, việc liên kết không chỉ là phát huy thế mạnh từng địa phương, mà còn hỗ trợ, tạo động lực để giải quyết áp lực, khó khăn cho từng địa phương, tạo các chuỗi liên kết hình thành năng lực của cả nước”.

Ðiểm yếu về liên kết vùng thể hiện rõ nét trong sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch. Về phát triển công nghiệp, Hà Nội và các tỉnh chưa có sự liên kết và hợp tác sản xuất, mỗi lĩnh vực công nghiệp đều phát triển độc lập, chưa phát triển công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ phát triển công nghiệp; tính chất của các khu công nghiệp đều giống nhau, chưa có sự phân bố hợp lý tạo ra tính tương hỗ.

Việc phân bố các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong Vùng Thủ đô cũng không có sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh mà biểu hiện phát triển tự phát. Về thương mại, chưa hình thành hệ thống thương mại toàn vùng, bao gồm hệ thống bán buôn, bán lẻ, kho tàng, hậu cần, chưa có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh với thành phố Hà Nội, sự liên kết hợp tác còn ở mức thấp.

Về du lịch vùng Thủ đô, chưa có sự liên kết và hợp tác để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, bao gồm du lịch cảnh quan, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa phục vụ cho nhiều đối tượng khách trong nước và quốc tế…

Theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 91/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Thủ đô thì Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo dựng vị thế mới cho Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO