Hà Nội khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển Vùng Thủ đô hiện đại, bền vững
Thủ đô Hà Nội là trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Chính vì vậy, Hà Nội hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành đầu tàu, dẫn dắt phát triển Vùng Thủ đô trở nên hiện đại, bền vững.
Hà Nội hội tụ đầy đủ yếu tố
Hà Nội có dân số khoảng 10 triệu người, nơi tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện hàng đầu, là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của vùng, có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 43% quy mô GRDP Vùng Đồng bằng sông Hồng và 16,2% GDP bình quân cả nước.
Hà Nội có vai trò đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của vùng nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung trên hầu hết các lĩnh vực.
Số liệu thống kê cho thấy, Hà Nội đã đạt những kết quả ấn tượng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cụ thể, về lĩnh vực xúc tiến đầu tư, Hà Nội đã tổ chức các Festival, hỗ trợ cung cấp thông tin, giới thiệu doanh nghiệp, đơn vị đến tìm hiểu vị trí kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thương mại.
Trong lĩnh vực du lịch và văn hóa, thành phố chú trọng hợp tác với cơ quan quản lý du lịch các tỉnh, thành phố, tăng cường trao đổi thông tin tình hình hoạt động, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển du lịch. UBND TP. Hà Nội cũng lên kế hoạch hợp tác với các địa phương trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ...
Hạ tầng giao thông được xem là điều kiện để thúc đẩy sự kết nối giữa Hà Nội với các địa phương. Về lĩnh vực này, thời gian qua Hà Nội đã có những bứt phá cả về chất và lượng với nhiều công trình tiêu biểu như: Các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ Láng - Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai; Nội Bài - Nhật Tân; Cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Đồng thời, việc xây dựng đề án Vành đai 4 thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc tăng cường liên kết vùng, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc đô thị, đồng thời giúp phát triển hành lang kinh tế, từ đó giúp các địa phương có thể thu hút vốn đầu tư nhờ sự thuận tiện trong giao thông.
Lấy công nghệ làm động lực phát triển
Theo PGS. TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, việc quy hoạch và phát triển của TP. Hà Nội không chỉ có ý nghĩa quan trọng, mà còn có vai trò trụ cột đối với sự phát triển của Vùng Thủ đô.
Ông cho rằng, cần phải xây dựng một cơ quan điều phối quy hoạch và phát triển chung cho Vùng Thủ đô. Cơ quan này phải giải quyết được bài toán cạnh tranh và hợp tác giữa TP Hà Nội với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô về nguồn lực, vị thế, tác động lan tỏa của sự phát triển trong một chỉnh thể thống nhất và phải được quản lý bởi đội ngũ lãnh đạo có khả năng thực thi quyền lực.
Việc quy hoạch và xây dựng không gian, các hành lang, vành đai phát triển, trục động lực cho phát triển của TP. Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô nói chung cần phải được triển khai dựa trên các nghiên cứu, phân tích, đánh giá, căn cứ khoa học đầy đủ, đặt trong sự tương quan so sánh với các địa phương khác thuộc Vùng Thủ đô.
Cũng theo ông Tuấn, cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông vận tải, hạ tầng điện… để Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố thông minh, có hiệu quả cao đối với các hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch. Đồng thời, thúc đẩy phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế số và làm động lực phát triển và hợp tác của các vùng kinh tế quanh khu vực.
"Cần xác định rõ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành động lực chính để phát huy vai trò dẫn dắt và kết nối của TP Hà Nội nhằm phát triển Vùng Thủ đô hiện đại và bền vững"- PGS. TS Bùi Anh Tuấn nói./.