Tạo nguồn hàng ổn định đảm bảo an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp

Bình Minh| 19/04/2021 15:24
Theo dõi ICTVietnam trên

Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ninh phải chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện theo Kế hoạch mới ban hành của tỉnh Quảng Ninh về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản.

Tạo nguồn hàng ổn định đảm bảo an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Một cơ sở cung cấp nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh: qtv.vn)

Theo Kế hoạch số 74/KH-UBND do UBND tỉnh Quảng Ninh mới ban hành về triển khai Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở ngành thực hiện các giải pháp.

Trong đó, Sở NN&PTNT phải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ tạo nguồn lực cho các chủ thể tham gia kênh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực, có ưu thế của địa phương. Đồng thời, quy hoạch các nhà máy chế biến nông sản phù hợp với quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho việc hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung gắn với truy xuất nguồn gốc tạo nguồn hàng ổn định đảm bảo an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản.

Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ, xác định giải pháp cụ thể đối với các Sở, ngành, địa phương khác nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030.

Mục tiêu của kế hoạch cũng hướng tới việc hình thành và phát triển đa dạng phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của cả thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại dịch vụ; xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo nguồn hàng ổn định đảm bảo an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO