Tập trung thương mại hoá thiết bị 5G trong năm 2022

Hoàng Linh| 18/10/2022 06:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cần thương mại hoá thiết bị 5G ngay trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ trong nước đã nhận thức vai trò của trung tâm dữ liệu (TTDL) và đám mây nên đang tập trung đầu tư, làm chủ công nghệ.

CĐS là một phương thức phát triển mới

Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT quý III năm 2022 ngày 17/10, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: chúng ta đã đi đến những tháng cuối cùng của năm 2022 và chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam đã bước sang năm thứ 3. Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII đã xác định CĐS là một phương thức phát triển mới. CĐS đã được xác định để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH-HĐH) Việt Nam và đã đưa công nghiệp công nghệ số là công nghiệp nền tảng.

Tập trung thương mại hoá thiết bị 5G trong năm 2022 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII đã xác định CĐS là một phương thức phát triển mới

Chỉ đạo các công việc cụ thể của từng lĩnh vực trong thời gian còn lại của năm 2022, Bộ trưởng cho biết đối với lĩnh vực bưu chính, chất lượng dịch vụ đang có xu thế suy giảm, theo đó phải CĐS để nâng cao chất lượng dịch vụ. DN bưu chính phải xác định trở thành DN công nghệ, trong đó dành 10 - 20% chi phí và nhân lực cho hoạt động công nghệ để đáp ứng nhu cầu của chính mình.

Bộ trưởng cũng lưu ý thị trường bưu chính có dấu hiệu không lành mạnh. Vụ Bưu chính và Thanh tra Bộ TT&TT phải vào cuộc làm rõ các vấn đề để có giải pháp và làm ngay trong quý IV. "Trong Chương trình phát triển bưu chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng ký phê duyệt, hạ tầng bưu chính là hạ tầng thiết yếu của quốc gia như viễn thông vì đảm bảo dòng chảy vật chất".

Về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng yêu cầu phải xử lý triệt để rác viễn thông để tạo ra sự phát triển mới của viễn thông. Xử lý rác viễn thông muốn là làm được, chủ yếu là những người đứng đầu các DN di động.

Trong khi đó, về tần số vô tuyến điện (VTĐ), Bộ trưởng yêu cầu Cục Tần số VTĐ và Cục trưởng phải xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện đấu giá tần số.

Bộ trưởng cũng thông tin có một tín hiệu tốt đối với lĩnh vực viễn thông là các DN viễn thông bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của hạ tầng điện toán đám mây (ĐTĐM) và tăng cường đầu tư, làm chủ công nghệ và Bộ xác định TTDL và đám mây là hạ tầng quan trọng nhất của hạ tầng số.

Việt Nam đang có những TTDL lớn như của Viettel, FPT, CMC, nhưng theo Bộ trưởng, so với của thế giới thì quy mô vẫn còn nhỏ và khiêm tốn. Cục Viễn thông cần nghiên cứu thúc đẩy phát triển lĩnh vực này và yêu cầu các DN Việt Nam lưu trữ, xử lý dữ liệu người dùng tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật. Cũng trong năm nay, Cục Viễn thông tổ chức hội nghị bàn về phát triển TTDL, đám mây của Việt Nam. Trong quý IV, Cục Viễn thông phải có quy định rõ việc cấp phép đám mây.

Bộ trưởng cũng cho biết các DN Việt Nam lập nhóm đầu tư cáp quang biển của Việt Nam, hiện Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT đã sẵn sàng. Đây là lần đầu tiên sau nhiều chục năm chúng ta làm tuyến cáp do chúng ta đầu tư. Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo Cục Viễn thông chủ trì nội dung này và đặt ra mục tiêu hoàn thành trước năm 2026, đồng thời chỉ đạo xây dựng lộ trình theo quý để Viễn thông Việt Nam lọt vào top 30 thế giới vào năm 2025.

Về CĐS quốc gia, người đứng đầu Bộ TT&TT đề nghị cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy xếp hạng chính phủ số lọt vào top 50.

Theo đánh giá quốc tế về chính phủ số, người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại nhà, việc người dân vẫn phải cầm tập giấy đến cơ quan công quyền làm thủ tục là không thực chất.

Việc triển khai chính phủ số liên quan đến nhiều ngành, vì vậy Bộ trưởng cho biết phải lập kế hoạch toàn quốc để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện. Bộ TT&TT thực hiện đo lường, thúc đẩy chính phủ số tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, lĩnh vực CĐS cũng cần phải thực hiện báo cáo chuyên đề về TTDL của chính phủ, xem xét kinh nghiệm quốc tế về làm TTDL tập trung hay phân tán, đầu tư hay thuê, đầu tư thì đơn vị nào vận hành, thuê thì có lập công ty riêng để đầu tư và vận hành không. Bên cạnh đó, cần xem xét vai trò của DN nhà nước trong dự án TTDL chính phủ.

Trong tháng 10/2022, lĩnh vực cũng cần công bố trang web các dự án CNTT về CĐS của các bộ, ngành, địa phương, triển khai xong phần mềm quản lý các dự án CĐS của các bộ ngành, địa phương.

Về kinh tế số, Bộ trưởng cho rằng phải đo lường chính xác, không đo được thì không có gì để thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đo lường để từ đó có tác động đến lĩnh vực. Việc đo lường kinh tế số là nhiệm vụ quan trọng của Vụ Kinh tế số và Xã hội số.

"Đưa người dân lên các nền tảng số Việt Nam thì phải đo lường xem mức độ sử dụng đã đạt yêu cầu và đánh giá mức độ sử dụng xem giá trị về mức độ tuyên truyền người dân lên nền tảng số", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về ATTT mạng, Bộ trưởng cho biết bảo vệ người dân trên không gian mạng đã trở nên rất cấp thiết. Cục ATTT phải lập kế hoạch hành động quốc gia về nội dung này. Để Việt Nam Nam trở thành cường quốc không gian mạng thì phải có kế hoạch tổng thể 5 năm. Lĩnh vực ATTT thì phải ra báo cáo quý về ATTT, để thông tin cho báo chí, các tổ chức. Hiện mới chỉ có cảnh báo mà chưa có báo cáo bức tranh ATTT Việt Nam. Báo cáo phải thực hiện đánh giá ATTT của cả người dân, tổ chức và DN, đánh giá cả năng lực của các DN về ATTT mạng Việt Nam.

Về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng chỉ đạo hoàn thành cơ sở dữ liệu (CSDL) về các DN công nghệ số ngay trong năm 2022 để thúc đẩy Make in Viet Nam, phải tạo ra các động lực cho các DN Việt Nam. Muốn vậy thì phải biết DN công nghệ số làm gì và có thể làm gì.

Theo Bộ trưởng, đánh giá Make in Viet Nam phải theo năm. CNH-HĐH là phải biết được phần đóng góp Việt Nam bao nhiêu trong tổng số các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, mà chủ yếu là phần thiết kế, làm tại Việt Nam. Làm ra tại Việt Nam là có phần đóng góp của nhân công, nhưng phần quan trọng nhất của Make in Việt Nam là thiết kế tại Việt Nam, thương hiệu tại Việt Nam và làm tại Việt Nam. Thương mại hoá thiết bị 5G ngay trong năm 2022 là trọng tâm.

Đối với lĩnh vực báo chí, xuất bản, Bộ trưởng cũng đề nghị tập trung xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để CĐS các lĩnh vực này.

Về hợp tác quốc tế (HTQT), Bộ trưởng cho biết trong bối cảnh thay đổi nhanh như hiện nay, điều quan trọng là mở cửa học hỏi lẫn nhau nên các đơn vị cần phải xem lại công tác HTQT của mình. Các DN, đơn vị của ngành cũng phải thúc đẩy HTQT. Vụ HTQT phải là đơn vị tổng chỉ huy các lực lượng này và cần phải đổi mới cách làm.

Bộ trưởng cũng đề nghị hệ thống giám sát online của Bộ phải kết nối với các đối tượng quản lý thay vì báo cáo giấy, để từ đó tổng hợp tạo bức tranh chung cho lĩnh vực và đảm bảo phát triển lành mạnh.

Tập trung thương mại hoá thiết bị 5G trong năm 2022 - Ảnh 2.

Bộ TT&TT là cơ quan cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng hành, hỗ trợ các DN, tổ chức

Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ TT&TT là cơ quan quản lý nhà nước sẽ đồng hành, hỗ trợ các DN, tổ chức và yêu cầu các DN ICT cạnh tranh nhưng cũng phải hợp tác. Hợp tác để phát triển hạ tầng số, phủ sóng vùng lõm.

100% địa phương đã ban hành kế hoạch/đề án về CĐS

Theo Bộ TT&TT, đến nay tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cung cấp là 119.498 dịch vụ. Số lượng DVCTT mức độ 3, 4 là 84.346 dịch vụ.Tỷ lệ DVCTT mức độ 4 là 97,3%.

Số bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 là 19/22 bộ, ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương đang xây dựng phiên bản cập nhật; Uỷ ban Dân tộc đang xây dựng kế hoạch) và 62/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc 2.0 (tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng phiên bản cập nhật).

100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS; 100% địa phương đã ban hành kế hoạch/Đề án về CĐS.

Về triển khai xây dựng mô hình tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ), đến ngày 26/9/2022 đã có 61/63 thành lập tổ CNSCĐ (trừ Hà Nội, Hà Tĩnh), trong đó 33/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành thành lập 100% tổ CNSCĐ đến cấp xã. Số tổ CNSCĐ đã được thành lập là 59.581 tổ. Số người tham gia tổ CNSCĐ đến nay là 270.357 người./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tập trung thương mại hoá thiết bị 5G trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO