Chuyển đổi số

Tập trung xây dựng, phát triển nguồn tài nguyên dữ liệu số

Nhật Minh 30/10/2024 14:14

Tại Hội thảo quốc gia về Chính phủ số với chủ đề “Đà Nẵng - thành phố xanh và bền vững: Cơ hội đầu tư và phát triển thương mại trong thời đại mới” mới đây, các nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã có những chia sẻ về giải pháp chuyển đổi số, phát triển tài nguyên dữ liệu số, hình thành hệ sinh thái dịch vụ công trực tuyến.

Chuyển đổi số là “chìa khoá” mở ra cơ hội phát triển, tiến bộ xã hội

Khi nói về việc chuyển đổi số (CĐS) hiện nay nói chung, ông Lê Đăng Dũng, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Sovico cho rằng, CĐS hiện nay, bên cạnh những thuận lợi thì các tổ chức, đơn vị/doanh nghiệp (DN) cũng đang gặp không ít những khó khăn, đó là: Chưa có sự động bộ trong nhận thức của lãnh đạo, nhân viên; Tốc độ đổi mới, nhận thức số chưa theo kịp công nghệ; DN còn thiếu tính nhất quán trong trải nghiệm khách hàng do dữ liệu khách hàng còn phân mảnh; mức độ trưởng thành số hoá khác nhau; thiếu sự phối hợp…

Trước những hạn chế trên, ông Lê Đăng Dũng cho rằng, giải pháp khắc phục cho các đơn vị chính là cần tập trung: Số hoá dữ liệu (data), quy trình chuyển đổi thông tin từ dạng tương tự (analog) sang dạng số hóa; sử dụng các công cụ số để xử lý dữ liệu và thay thế các quy trình trên giấy; thiết kế, tái cấu trúc các quy trình kinh doanh để tận dụng toàn bộ khả năng số hóa; mở rộng CĐS để tạo hệ sinh thái kinh doanh thông qua các đối tác, hợp tác…

screenshot-1834-(1).png
iTitan giúp loại bỏ những rào cản quan trọng nhất đối với việc tích hợp và chuẩn bị dữ liệu.

Đặc biệt, các đơn vị cần: Thành lập một đội ngũ nhỏ và tập trung để xây dựng chiến lược tổng thể cho CĐS; sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp; thiết lập, xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung và dịch vụ quản lý cho ứng dụng và hạ tầng; sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) tối đa trong quá trình CĐS; tối ưu hóa quy trình và mọi lĩnh vực trước khi nghĩ đến tự động hóa; tuân thủ nguyên tắc không làm phức tạp vấn đề, đặt tính khả thi lên hàng đầu…

Ở quan điểm khác, phân tích về lợi ích cũng như các giá trị CĐS tạo ra, nhất là hướng đến mục tiêu sớm hình thành, tạo ra nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội, ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty iNet Solutions cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng “sống còn”, “chìa khoá” để mở ra cơ hội phát triển, tiến bộ xã hội.

“CĐS giúp giải quyết các vấn đề của xã hội, hướng đến mục tiêu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân, được đảm bảo thụ hưởng các dịch vụ số tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiền, để làm được điều này toàn hệ thống chính trị, xã hội phải tích cực, nỗ lực “chuyển mình” tổng thể để tập trung phát triển về: Nguồn lực con người; công cụ nền tảng số, phềm mềm số; công nghệ AI, robot; hình thành các tài nguyên dữ liệu số…

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hiền cho rằng, đối với việc tập trung xây dựng, phát triển nguồn tài nguyên dữ liệu số cần có chiến lược để đảm bảo có cách thức, nguyên tắc khi chia sẻ, sử dụng, có thể áp dụng mô hình data mart (có khả năng lưu trữ tập các “nhóm dữ liệu” được tách theo “nghiệp vụ”) hoặc mô hình kho dữ liệu (data warehouse) (có khả năng “tổng hợp” các nguồn dữ liệu vào một trung tâm dữ liệu được lưu trữ không theo mô hình “nghiệp vụ” định sẵn).

Ông Nguyễn Văn Hiền còn nhấn mạnh, trong quá trình sử dụng hồ dữ liệu (data lake) sẽ giúp tăng khả năng lưu trữ các dạng dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu phi cấu trúc và dữ liệu bán cấu trúc. Còn đối với data lakehouse (một nền tảng dữ liệu, kết hợp các khía cạnh tốt nhất của kho dữ liệu và hồ dữ liệu thành một giải pháp quản lý dữ liệu) giúp tối ưu việc phân tích và tạo ra dữ liệu “nghiệp vụ” từ mọi dữ liệu theo thời gian thực (không lưu trữ, không xây dựng kho dữ liệu trung gian).

Hơn nữa, trong việc thực hiện nhiệm vụ này, cần xác định, coi dữ liệu là một tài sản và cần phải có kho dữ liệu lớn, đầy đủ thông tin, có độ tin cậy, đảm bảo tính pháp lý của “tài sản”… từ đó giúp phục vụ phát triển kinh tế số.

Đồng thời, cần sử dụng một nền tảng cho phép hợp nhất, tổng hợp dữ liệu phi tập trung và phân tích dữ liệu theo thời gian thực (iTitan), vì đây là mô hình công cụ số được liên kết, kết nối thông tin dữ liệu thành một mạng lưới, giúp hình thành một nền tảng thông tin thời gian thực chuẩn xác.

Cùng với đó, iTitan giúp loại bỏ những rào cản quan trọng nhất đối với việc tích hợp và chuẩn bị dữ liệu. Từ đó, đẩy nhanh quá trình phát triển mô hình AI, đảm bảo giúp: Các hệ thống lưu trữ thông tin không bị quá tải; triển khai linh hoạt theo mô hình phi tập trung; không cần sao chép, phân tích, phân loại dữ liệu; dự báo và trực quan hoá dễ dàng dữ liệu…

Và chỉ khi chúng ta thực hiện, làm tốt các nội dung trên, chúng ta mới đảm bảo mọi thứ được hoạt động an toàn trên môi trường số và vận hành dựa trên dữ liệu, công nghệ số an toàn, hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh.

Chuyển đổi số giúp hình thành hệ sinh thái dịch vụ công trực tuyến, toàn trình toàn xã hội

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho rằng, CĐS đang tác động mạnh mẽ, hỗ trợ công tác quản lý, quy hoạch đô thị. Do đó, các lợi ích nhìn thấy được tạo ra chính là việc: Minh bạch việc quản lý thông tin quy hoạch thông qua hệ thống số giúp công khai thông tin, dễ dàng truy cập và kiểm soát; Giúp các cơ quan quản lý dễ dàng cập nhật và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết; Tối ưu hóa quyết định dựa trên dữ liệu… Điều này giúp đảm bảo tính công bằng và minh bạch, tạo điều kiện cho người dân và DN tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

Cùng với đó, ông Võ Tấn Hà nhấn mạnh, muốn công tác này ngày một hiệu quả, điều quan trọng cần tập trung lúc này là: Nâng cao năng lực CĐS trong quản lý quy hoạch; đào tạo chuyên sâu về nguồn nhân lực; mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu những giải pháp số tiên tiến…

“CĐS đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển trong ngành xây dựng, nhất là đối với việc quản lý quy hoạch và phát triển đô thị. Và để thành công, cần có sự đầu tư hợp lý vào hạ tầng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực”, ông Võ Tấn Hà nhấn mạnh.

screenshot-1833-(1).png
Cần xác định dữ liệu là một tài sản.

Khi nói về các lợi ích CĐS đang tạo ra, nhất là đối với việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Đà Nẵng hiện nay, ông Trần Ngọc Thạch Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố không chỉ triển khai kiểm tra, cung cấp DVCTT của các sở, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã (cơ quan hành chính nhà nước) mà còn kiểm soát, việc cung cấp các DVCTT của các đơn vị sự nghiệp...

Hiện nay, một số TTHC đã được các cơ quan hành chính nhà nước và dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp Thành phố cung cấp trên Cổng dịch vụ công thành phố (dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công...) và bước đầu những kết quả đạt được rất tích cực.

Và để tăng hiệu quả cho công tác này, TP. Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai giải pháp số trên Cổng đăng nhập xác thực tập trung (SSO Gateway). Thông qua giải pháp này, sẽ giúp tối ưu việc chia sẻ tài khoản và dữ liệu điện tử cho DN, phục vụ cung cấp và sử dụng mọi dịch vụ toàn xã hội

Hơn nữa, giải pháp cho phép cơ quan nhà nước, DN và người dân có thể đăng nhập, sử dụng tất cả các dịch vụ được cung cấp trên các hệ thống thông tin/nền tảng số của TP. Đà Nẵng bằng tài khoản VneID. Đồng thời, dữ liệu và tài liệu số của người dân được chia sẻ, kế thừa, sử dụng lại dễ dàng hơn, từ đó giúp đẩy mạnh việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước và DN ngày mộ hiệu quả.

“Giải pháp trên chính là hướng tiếp cận được kỳ vọng đảm bảo tạo sự thuận lợi hơn cho người dân khi sử dụng DVCTT, từ đó lan tỏa cho triển khai DVCTT toàn xã hội, thúc đẩy sử dụng kết quả TTHC số trên toàn địa bàn khu vực công lẫn khu vực tư và dần hình thành hệ sinh thái DVCTT, toàn trình toàn xã hội”, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • "Chuyến xe nông dân" đồng hành cùng bà con chuyển đổi số nông nghiệp
    Đề án chuyển đổi số nông nghiệp 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã chính thức được mobiAgri hiện thực hóa bằng hành trình xanh mang tên “Chuyến xe nông dân - Cân triệu ha lúa”.
  • Bốn nguy cơ an toàn bảo mật của ngành ngân hàng
    Ngành ngân hàng đang chuyển mình mạnh mẽ với việc áp dụng công nghệ mới như AI, blockchain và phát triển dịch vụ tài chính số hóa, giúp cải thiện hiệu quả và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội, ngành tài chính ngân hàng cũng đối mặt với thách thức lớn về bảo mật thông tin.
  • Chú trọng đầu tư phát triển Gen AI “made in Việt Nam”
    Sự xuất hiện và bùng nổ của AI tạo sinh (Gen AI) trong 2 năm gần đây đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi khi cho thấy nỗ lực ứng dụng công nghệ này một cách toàn diện từ cấp chính phủ cho tới doanh nghiệp, nhằm rút ngắn khoảng cách với thế giới.
  • Giải pháp phát hiện và ngăn chặn ransomware 24/7 trong thời kỳ CĐS ngân hàng
    Tấn công mạng, đặc biệt là ransomware, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nơi được coi là huyết mạch của nền kinh tế mỗi quốc gia.
  • Kinh nghiệm triển khai kho dữ liệu mở của chính phủ Hàn Quốc
    Kho dữ liệu mở của chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện cho mọi người dân và doanh nghiệp có thể truy cập dữ liệu, ứng dụng đào tạo AI, thúc đẩy các ý tưởng đổi mới sáng tạo về ứng dụng AI trong khu vực tư nhân.
Đừng bỏ lỡ
Tập trung xây dựng, phát triển nguồn tài nguyên dữ liệu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO