Diễn đàn

Tắt sóng 2G, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ smartphone

Hoàng Linh 07/12/2023 21:03

Theo kế hoạch, đến tháng 9/2024, không còn thuê bao thuần 2G (2G Only) trên mạng di động Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT ngày 7/12, lộ trình dừng công nghệ 2G đang được các doanh nghiệp (DN) viễn thông xây dựng, triển khai trên cơ sở định hướng về dừng công nghệ cũ tại công văn 4833/BTTTT-CVT ngày 27/9/2022 về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G và Thông báo số 3095/BTTTT-CTS ngày 31/7/2023 thông báo quy hoạch các băng tần 900/1800/2100MHz.

Theo đó, dự kiến đến tháng 9/2024, không còn thuê bao 2G Only trên mạng di động. Từ 9/2024 đến 9/2026, hệ thống 2G được duy trì cho cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin cho các thuê bao sử dụng máy 3G, 4G Non-VoLTE.

ong-nguyen-phong-nha-pho-cuc-truong-cuc-vien-thong.png
Ông Nguyễn Phong Nhã phát biểu tại họp báo.

Các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G được ông Nhã nêu gồm:

Triển khai Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 117:2020/BTTTT thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất về máy điện thoại di động (ĐTDĐ) 2G, trong đó bao gồm công tác thanh tra, kiểm tra việc mua bán, lưu thông các máy ĐTDĐ trên thị trường. Đồng thời, các nhà mạng di động được yêu cầu thực hiện ngăn chặn các máy ĐTDĐ không tuân thủ quy định về chứng nhận hợp quy kết nối vào mạng viễn thông công cộng.

Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) viễn thông triển khai các chương trình hỗ trợ thuê bao chuyển sang sử dụng smartphone, ban hành chính sách cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi.

Cùng với đó, sẽ mở rộng vùng phủ sóng di động 4G đảm bảo vùng phủ sóng, cung cấp dịch vụ di động liên tục, không gián đoạn cho thuê bao một khi dừng công nghệ 2G (kinh phí triển khai phủ sóng vùng lõm từ DN và hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) Việt Nam. Các ứng dụng (Apps) dịch vụ công để thúc đẩy sử dụng smartphone tại địa phương sẽ được triển khai.

Cơ quan nhà nước thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ tương tắt sóng 2G và phổ cập smartphone, DN viễn thông nhắn tin, gọi điện trực tiếp tới khách hàng, các kênh truyền thông online…để nâng cao nhận thức của người sử dụng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sử dụng điện thoại thông minh, tạo điều kiện doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện dừng công nghệ di động 2G.

Đặc biệt, ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh: “Các nguồn lực xã hội hỗ trợ chuyển đổi smartphone sẽ được huy động, ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo: thông qua các tổ chức, DN, các hội, hiệp hội. Các hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ smartphone thông qua Quỹ dịch vụ VTCI Việt Nam”.

Đầu số 1900 không được chủ động gọi/nhắn tin cho khách hàng nhằm câu kéo, lôi kéo thuê bao gọi đến

Từ thông tin của báo chí phản ánh vừa qua trên mạng xã hội (MXH) có 1 sự việc nhận được nhiều sự chú ý, khi 1 tài khoản phản ánh xe máy Honda của bị vấn đề nên tra Google số tổng đài của Honda để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên tài khoản này đã tìm nhầm 1 đầu số 1900 và mất hơn 100.000 đồng sau chỉ hơn 10 phút tư vấn.

Trước sự việc này, các câu hỏi được đặt ra quy định và điều kiện đăng ký của đầu số 1900 là gì? Với cước phí từ 1000 -15.000đ/phút, tỷ lệ ăn chia giữa DN và các nhà mạng ra sao? Tình trạng mạo danh các DN chính thống để ăn cước phí 1900 đang gia tăng, vậy Cục Viễn thông có biện pháp quản lý như thế nào?

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, quy định quản lý, sử dụng kho số viễn thông tại Thông tư 25/2015/TT-BTTTT, số dịch vụ gọi giá cao 1900 được phân bổ cho các DN viễn thông có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng loại mạng cố định mặt đất. Các DN này sau khi được Cục Viễn thông phân bổ dải số 1900 sẽ thực hiện khai báo, cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình là các tổ chức, DN, cá nhân.

Điểm e khoản 15 Điều 3 Thông tư 27/2021/TT-BTTT quy định: “Dịch vụ gọi giá cao (Premium Service) là dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông được cơ quan, tổ chức, DN sử dụng để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin và yêu cầu người sử dụng dịch vụ phải thanh toán thêm một khoản giá cước để nhận được các nội dung thông tin đặc thù có giá trị cao ngoài giá cước viễn thông theo quy định”.

Như vậy, theo ông Nguyễn Phong Nhã, "cơ cấu giá dịch vụ gọi giá cao (1900xxxx) ngoài giá cước viễn thông còn có giá cước nội dung thông tin đặc thù có giá trị cao”.

Theo các quy định hiện hành, ông Nhã cũng nhấn mạnh: Bộ TT&TT không có thẩm quyền quy định tỷ lệ phân chia chung trong mối quan hệ hợp tác giữa DN viễn thông và DN nội dung số, các DN chủ động đàm phán tỷ lệ phân chia doanh thu trên cơ sở giá thành, việc cung và cầu trên thị thường bao gồm rất nhiều yếu tố như loại dịch vụ/nội dung, tính chất/chất lượng dịch vụ, đầu tư/khấu hao/mức sử dụng hạ tầng, mặt bằng thị trường, cung/cầu, định hướng/chính sách phát triển kinh doanh tại từng thời điểm…

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ nội dung thông tin trên số dịch vụ gọi giá cao 1900, Bộ TT&TT đã có các biện pháp như sau:

Về chính sách, Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 25/2015/TT-BTTTT được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 30/2021/TT-BTTTT đã quy định “Số dịch vụ gọi giá cao chỉ được sử dụng để tiếp nhận cuộc gọi đến. Không sử dụng số dịch vụ gọi giá cao để gọi đi. Không sử dụng số dịch vụ gọi tự do, số dịch vụ gọi giá cao để gửi và nhận tin nhắn”.

Như vậy, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết số 1900 không được quy hoạch để chủ động gọi/nhắn tin cho khách hàng nhằm câu kéo, lôi kéo thuê bao gọi đến số 1900 mà chỉ có chức năng đón nhận cuộc gọi đến. Vì vậy, thuê bao viễn thông cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin quảng bá về số 1900 của các tổ chức, doanh nghiệp trước khi thực hiện cuộc gọi.

Về chỉ đạo điều hành, Bộ TT&TT đã có văn bản yêu cầu các DN viễn thông thực hiện và thông báo các DN cung cấp nội cung có ký kết hợp đồng: (i) Triển khai các biện pháp kỹ thuật để thông báo giá cước trước khi tính cước khi người sử dụng dịch vụ viễn thông gọi tới các tổng đài cung cấp dịch vụ nội dung; (ii) Không tính cước phí theo giá cước gọi tới các tổng đài cung cấp dịch vụ nội dung trong khoảng thời gian thông báo giá cước cho người sử dụng dịch vụ.

Theo đó, ông Nhã cho biết khi khách hàng gọi điện đến đầu số 1900 sẽ được thông báo giá cước, trong khoảng thời gian.

Cũng theo ông Nhã, thông báo giá cước đó khách hàng sẽ chưa bị tính phí dịch vụ. Do đó khách hàng sẽ có đầy đủ thông tin về giá cước trước khi lựa chọn việc sử dụng hoặc không sử dụng dịch vụ.

Về thông tin tuyên truyền, đối với việc lừa đảo, giả mạo trên Internet, thời gian vừa qua Bộ TT&TT, Bộ Công An cũng đã tiến hành nhiều biện pháp truyền thông qua nhiều phương tiện bao gồm cả việc nhắn tin đề nghị người dân cảnh giác với thông tin giả mạo, lừa đảo trên Internet.

Trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch, Cục Viễn thông đề nghị tra cứu thông tin về website mà mình truy cập bằng cách nhắn tin miễn phí theo cú pháp TCTM (tên miền hoặc link website) gửi 156 hoặc tra cứu tại: https://tracuutenmien.gov.vn.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên Chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Theo Khoản 4 Điều 5, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Theo Điều 10, các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:

- Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh bán, cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh;

- Quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Như vậy, Phó Cục trưởng Nguyễn Phong Nhã đề nghị: "Người dùng liên hệ với cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công thương để phản ánh và để được bảo vệ"./.

Bài liên quan
  • Tiến tới khoá máy điện thoại thuần 2G, 3G từ tháng 12/2023
    Nhà mạng sẽ thực hiện khoá máy điện thoại thuần (only) 2G, 3G từ tháng 12/2023 để người sử dụng chuyển sang điện thoại thế hệ cao hơn 4G. Việc này vừa thúc đẩy phổ cập smartphone, tiến tới tắt sóng 2G để người dân được tiếp cận với nhiều dịch vụ số, đáp ứng chuyển đổi số (CĐS) đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tắt sóng 2G, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ smartphone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO