Tây Ninh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ để chuyển đổi số

Trường Thanh| 27/02/2021 13:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Chuyển đổi số (CĐS) hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp (DN), thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp...

CĐS hướng đến lợi ích của người dân, DN, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế địa phương

Theo UBND Tỉnh Tây Ninh, trong những năm qua, Tây Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng CNTT thực hiện cải cách hành chính (CCHC), xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao cho người dân và DN, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực.

Theo đó, tỉnh đã đưa vào thí điểm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (ĐTTM), Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và đã cung cấp một số dịch vụ ĐTTM cho người dân và DN. Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện CCHC, tạo sự công khai, minh bạch và hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính (TTHC).

Năm 2019, chỉ số mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh Tây Ninh được Bộ TT&TT xếp vào nhóm khá khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Quyết định ban hành kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN), phát triển Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xác định: Tiếp tục xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng CNTT hiện đại, đồng bộ, ứng dụng CNTT sâu rộng, phát triển nguồn nhân lực CNTT trong toàn hệ thống chính trị; Kết hợp với từng bước xây dựng ĐTTM phát triển bền vững đi đôi với tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trên môi trường mạng.

Song song với đó, tỉnh sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy CCHC…; Ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 hướng đến nền kinh tế số, xã hội số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu cụ thể: Tăng cường hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT cho Trung tâm dữ liệu của tỉnh và tại các CQNN đảm bảo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử đồng bộ và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Đồng thời, đảm bảo kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh với đường truyền số liệu tốc độ chuyên dùng cao tới 100% các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. 100% các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh tới cấp xã được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện mạng cục bộ (LAN); Hoàn thiện khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0; Hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Kế hoạch cũng nêu rõ, cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tại tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ người dân, DN. Đi cùng với đó là đảm bảo an toàn thông tin; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; phát triển nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.

Tây Ninh thực hiện CĐS nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế địa phương - Ảnh 1.

Tiếp nhận và giải quyết TTHC cho công dân tại Trung tâm hành chính công tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Internet

Tại Nghị quyết về CĐS tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành, tỉnh cũng xác định rõ: CĐS giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ CĐS tại tỉnh; thay đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tiếp cận và ứng dụng CNTT và viễn thông, đóng vai trò quyết định trong CĐS tại địa phương.

CĐS hướng đến lợi ích của người dân, DN, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững địa phương.

Đến năm 2030, Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện CĐS khá

Nghị quyết về CĐS tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tổng quát: "Phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện CĐS khá; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0, phát triển kinh tế số; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các DN số trong tỉnh; htực hiện mục tiêu phát triển bền vững".

Trong đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu về CĐS đề ra trong Chương trình CĐS quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Cơ bản hoàn thành các nền tảng cho Chính quyền số và an toàn, an ninh mạng.

Đến năm 2030: Hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; có tối thiểu 02 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 01 xã hoàn thành việc CĐS. Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện CĐS khá.

7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, Nghị quyết về chuyển đổi tỉnh Tây Ninh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

Một là, tăng cường tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và DN về CĐS và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.

Hai là, xây dựng chương trình CĐS của tỉnh trên cơ sở chương trình CĐS quốc gia, hệ sinh thái và khả năng CĐS của tỉnh.

Cụ thể là xây dựng Chương trình CĐS của tỉnh theo hướng toàn diện, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương. Chương trình CĐS phải kích hoạt được thể chế số, chính sách số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và an toàn dữ liệu; chú trọng đào tạo nguồn lực và xây dựng hệ sinh thái CĐS.

Cùng với đó sẽ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT, thúc đẩy phát triển DN công nghệ số và DN số trên địa bàn tỉnh, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN sản xuất truyền thống; khuyến khích người dân và DN sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) do tỉnh triển khai với các hệ thống thông tin tiện lợi, dễ sử dụng. Liên kết với các Viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu hỗ trợ địa phương thúc đẩy CĐS.

Ba là, huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu CĐS của địa phương. Trong đó, huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng nền tảng số đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, DN và sự chuyển đổi của chính quyền. Triển khai mạng băng rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, phát triển mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh; đầu tư mua sắm thay thế, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị CNTT phục vụ hoạt động các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp...

Bốn là, đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền số bằng cách: Tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ lõi, nền tảng của CĐS trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, trung tâm Giám sát điều hành kinh tế xã hội tập trung, Trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng...

Khuyến khích phát triển các ứng dụng phần mềm, tăng cường tính tương tác giữa nhân dân và chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Xây dựng lộ trình số hóa các văn bản hành chính hướng tới triển khai toàn bộ văn bản điện tử (trừ những văn bản mật); cung cấp DVCTT mức độ 4 trên các loại thiết bị di động để người dân, DN có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí...

Năm là, phát triển kinh tế số: Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý và chuyển đổi phương thức hoạt động của nền kinh tế địa phương; trọng tâm là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) phục vụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo, các cấp, các ngành điều hành kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh...

Sáu là, phát triển xã hội số: Thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm dân cư, ĐTTM, khai thác sử dụng hiệu quả các nền tảng số trong công tác quản lý.

Bảy là, CĐS trong một số ngành, lĩnh vực: Lựa chọn ngành, lĩnh vực cần ưu tiên CĐS, chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, DN và xã hội. 

Các ngành cần tập trung CĐS gồm: Y tế; giáo dục; giao thông - vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số và xã hội số và các lĩnh vực khác khi có điều kiện.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ để chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO