Chuyển đổi số

Tây Ninh đưa DVCTT đến gần người dân hơn thông qua ứng dụng di động

Ánh Dương 18:24 13/06/2023

Ứng dụng các cách làm mới để nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đang được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai tích cực.

Trong số đó, tiếp nhận và giải quyết các phản ánh của người dân về các vấn đề kinh tế - xã hội thông qua các ứng dụng riêng trên thiết bị di động đã được tỉnh Tây Ninh triển khai một cách hiệu quả.

Đưa DVCTT đến gần người dân hơn thông qua ứng dụng di động

Thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia cũng như thực tiễn triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và thực tiễn xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương, thời gian qua, các ngành, các cấp đều xây dựng các ứng dụng riêng trên di động phục vụ cho lĩnh vực của đơn vị, địa phương mình. Điều này dẫn tới thực trạng có quá nhiều ứng dụng được triển khai, các ứng dụng thiếu tính liên thông, đồng bộ; người dân, cán bộ công chức có quá nhiều tài khoản, ứng dụng khá bất tiện cho người dùng.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tham mưu xây dựng app Tây Ninh Smart - ứng dụng duy nhất dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

App Tây Ninh Smart cung cấp nhiều tiện ích cho người dân, DN, cán bộ công chức viên chức và người lao động. Với số lượng người sử dụng đã đăng ký tài khoản trên Android và iOS là 138.000 người dùng và hơn 30.000 người dùng thường xuyên hàng tháng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sử dụng thực tế, tỉnh Tây Ninh đã nhận ra những vấn đề mà người dân hay gặp phải khi lần đầu sử dụng app như quá trình tải về và cài đặt ứng dụng từ các kho ứng dụng, đăng ký tài khoản người dùng chưa thực sự thuận tiện, đặc biệt là với người lớn tuổi, dẫn tới hạn chế về số lượng người tiếp cận.

Ngoài ra, dung lượng ứng dụng cũng ngày càng lớn khi tăng số lượng tiện ích số đã khiến cho việc sử dụng và trải nghiệm không được thuận tiện, app thường xuyên cập nhật phiên bản mới nên chạy chậm, đặc biệt đối với các thiết bị điện thoại thông minh giá rẻ nhanh chóng đầy bộ nhớ và không thể cài đặt được thêm app hoặc thường xuyên bị treo khi khởi chạy ứng dụng.

Trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của Bộ TT&TT về việc phát triển các ứng dụng và dịch vụ số phải đảm bảo ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ công, cũng như tiếp thu ý kiến người dân và DN khi xây dựng, sử dụng các DVCTT,… tỉnh Tây Ninh nhận thấy cần phải khắc phục những hạn chế nêu trên của app Tây Ninh Smart, đơn giản hơn nữa quá trình cài đặt, đăng ký sử dụng app, nhất là tập trung vào người dùng yếu thế trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để giải quyết những hạn chế trên, Sở TT&TT đã tập trung nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục. Trong quá trình tìm hiểu, nhận thấy rằng rất nhiều người dân đã cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng Zalo, trong đó bao gồm cả những người dân lớn tuổi.

Do đó, để tăng tiện ích giúp người dân và DN dễ dàng tiếp cận, không phải cài đặt thêm một ứng dụng trên điện thoại thông minh, đặc biệt đối với người lớn tuổi hay lao động phổ thông (công nhân, nội trợ, tiểu thương...), Sở TT&TT đã nghiên cứu phát triển phiên bản mini app “Tây Ninh Smart” trên nền tảng Zalo với dung lượng gọn nhẹ, chỉ khoảng 0,6Mb với nhiều tiện ích, dễ dùng.

anh-so-tttt-tay-ninh.jpg

Phiên bản mini app Tây Ninh Smart cung cấp các tiện ích như nộp hồ sơ trực tuyến, phản ánh hiện trường, hỏi đáp trực tuyến, đăng ký cửa hàng 4.0, thanh toán học phí trực tuyến, cập nhật các tin tức tuyên truyền từ chính quyền địa phương…

Đặc biệt, để bắt đầu sử dụng mini app, người dân không cần phải tải về cài đặt, đăng ký tài khoản ứng dụng như thông thường. Thay vào đó, người dùng chỉ cần quét mã QR hoặc tìm kiếm tên ứng dụng trên Zalo là có thể bắt đầu sử dụng các tiện ích được cung cấp.

Sau khoảng 3 tháng triển khai ứng dụng mini app, kết quả đạt được là rất khả quan. Cụ thể, số lượng người sử dụng đạt hơn 108.316 người, trong đó số lượng người sử dụng trên 45 tuổi là 28.099 người, đạt tỷ lệ 26%. Số lượt truy cập sử dụng trung bình hàng tháng đạt hơn 40.000 lượt. Tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua ứng dụng mini app cũng tăng hơn nhiều so với trước đây (hơn 20% hồ sơ nộp trực tuyến).

3.png
Bảng so sánh kết quả trước và sau khi triển khai mini app.

Với việc triển khai mini app, tỉnh Tây Ninh đã đưa tiện ích công nghệ đến gần hơn với người dân và DN trên địa bàn, giúp đơn giản hóa các bước tiếp cận và sử dụng ứng dụng cho người dân, đảm bảo người dân ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đều có thể sử dụng dễ dàng, từ đó thúc đẩy việc triển khai chính quyền điện tử hướng tới hình thành chính quyền số.

Một số bài học kinh nghiệm

Chia sẻ về những thành công bước đầu tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban quốc gia về CĐS “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến”, ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Tây Ninh cho biết, trải qua thời gian xây dựng và triển khai mini app, tỉnh Tây Ninh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, tập trung vào nhu cầu của người dùng. Việc thành công của một ứng dụng phụ thuộc rất nhiều vào việc có thể đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Tỉnh Tây Ninh đã tập trung vào các nhu cầu thực tế của người dân để xây dựng các ứng dụng, tiện ích số cho người dân, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19 và nay là mini app Tây Ninh Smart.

Thứ hai, phát triển ứng dụng trên nền tảng phổ biến. Đối với các tiện ích số không đòi hỏi yêu cầu cao về xác thực người dùng, thì nên triển khai theo hướng tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận. Phát triển phiên bản mini app Tây Ninh Smart là sự lựa chọn phù hợp hiện nay vì đa số người dân và DN đang sử dụng Zalo nên không mất nhiều thời gian hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng và không cần phải cài đặt hay tải về bất kỳ ứng dụng nào. Tính năng này cũng giúp cho người dân lớn tuổi có thể dễ dàng truy cập và sử dụng ứng dụng một cách thuận tiện.

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển, mở rộng thêm tiện ích số trên mini app trong thời gian tới, ông Đức cũng cho biết, với mini app trên nền tảng Zalo sẽ yêu cầu người dùng ở mức tối thiểu và đơn giản tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp hồ sơ trực tuyến, tiếp cận thông tin của chính quyền, minh bạch thông tin đối với người dân và DN giúp cho chính quyền Tây Ninh có thể phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Với công nghệ, giải pháp và cùng với sự hỗ trợ từ phía Zalo, thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ nghiên cứu đưa các nền tảng ứng dụng khác có thể được cung cấp lên Tây Ninh Smart thông qua mini app trên nền tảng Zalo để cung cấp cho người dân và DN một cách thuận lợi nhất mà không phải cài đặt thêm nhiều phần mềm, ứng dụng và tiếp cận dễ dàng hơn trong việc sử dụng ứng dụng.

Ngoài ra, một số tiện ích số có thể được tích hợp bổ sung trong thời gian tới như xem camera giao thông, tra cứu vi phạm giao thông, tra cứu thời gian hết hạn của các loại giấy phép như giất phép lái xe, tra cứu bảo hiểm y tế, đăng ký lịch khám bệnh, thanh toán trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử, lưu trữ thông tin thành kho dữ liệu cá nhân trên đám mây của chính quyền Tây Ninh,...

Các nền tảng số địa phương sẽ có cơ hội lớn khi giải quyết được các bài toán mang tính ngữ cảnh địa phương

Từ cách làm mới này của tỉnh Tây Ninh, tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban quốc gia về CĐS “Thay đổi căn bản cung cấp dịch vụ công trực tuyến” mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta có thể xem xét thêm một số nền tảng tốt của Việt Nam hiện nay, có thể chưa có nhiều người dùng như các nền tảng quốc tế nhưng nó phù hợp với một số nhóm đối tượng, có thể giúp gì cho công cuộc CĐS Việt Nam hiện nay hay không. Với các nền tảng số đã có sẵn người dùng, chúng ta có thể tận dụng để từ đó phát triển lên thì công cuộc CĐS sẽ đi rất nhanh.

Chẳng hạn như việc cung cấp các DVCTT trên mobile thông qua mini app Zalo làm cho số lượng người dùng Zalo tăng lên và trung thành hơn với nền tảng. Với cách làm này, cả hai bên cùng có lợi, chính quyền được lợi, bên cung cấp nền tảng cũng có lợi vì khi có tiếng nói của chính quyền họ có thể thâm nhập vào đời sống xã hội nhanh hơn.

Nhấn mạnh về tiềm năng và cơ hội phát triển các nền tảng số địa phương, Bộ trưởng nhận định, các nền tảng số toàn cầu sẽ không giải quyết được những câu chuyện mang tính ngữ cảnh của một quốc gia, một tổ chức. Trong dài hạn các nền tảng số địa phương, các nền tảng số quốc gia sẽ có cơ hội rất lớn khi giải quyết các bài toán mang tính ngữ cảnh địa phương mà các nền tảng số quốc tế không làm được.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, chúng ta đang mong muốn các nền tảng số Việt Nam lớn hơn các nền tảng số nước ngoài. Và đây chính là cơ hội. Nếu như không hành động thì làm sao có nền tảng số Việt Nam. Do đó, chúng ta cần chủ động, dẫn dắt, đưa họ vào cùng công cuộc CĐS, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, thông qua đó các nền tảng cũng phát triển và mình cũng được lợi./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh đưa DVCTT đến gần người dân hơn thông qua ứng dụng di động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO