TGĐ MISA Đinh Thị Thúy: Chuyển đổi số là “tấm khiên chắn bão” cho doanh nghiệp

Hồ Hường | 20/10/2021 14:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Bà Đinh Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty CP MISA khẳng định, chuyển đổi số được ví như “tấm khiên chắn bão” trong thời dịch và cũng là giải pháp tối ưu cho các doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên "tấm khiên" này có chắc chắn hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm chuyển đổi số của người đứng đầu doanh nghiệp.

Năm bước để chuyển đổi số thành công

PV: Là một lãnh đạo doanh nghiệp về công nghệ, bà có thể đưa ra đánh giá chung về việc chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?

Bà Đinh Thị Thuý: Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp hiện đang rất quan tâm đến tình hình chuyển đổi số. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra như vừa qua thì sự quan tâm này lại thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Trừ những lĩnh vực như nhà hàng, cửa hàng thời trang… do khách quan không thể duy trì tiếp hoạt động của mình, còn đa số các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực đã tìm đến MISA để đầu tư, để được tư vấn các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình. Họ đến với MISA để mong muốn sớm có công cụ điều hành doanh nghiệp từ xa cũng như tiết kiệm thời gian, tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động… Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch như hiện nay.

PV: Theo bà, doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để chuyển đổi số thành công?

Bà Đinh Thị Thuý: Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu. Đại dịch Covid-19 cũng là cú hích để doanh nghiệp phải thay đổi bởi chuyển đổi số được ví như "tấm khiên chắn bão" trong thời dịch. Nhưng để có thể thực hiện ngay việc chuyển đổi số và chuyển đổi số một cách hiệu quả thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là các chủ doanh nghiệp, các giám đốc điều hành doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức và quyết tâm hành động ngay với việc chuyển đổi số.

Thứ hai, doanh nghiệp cần đánh giá lại xem mảng nghiệp vụ nào hay khâu sản xuất nào… đang làm mất nhiều thời gian cũng như chi phí thì phải nghĩ ngay đến việc ứng dụng công nghệ cho những khâu đó.

Khi đã chọn ra được điểm mấu chốt mà doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số, việc thứ ba là hãy tìm chọn những doanh nghiệp công nghệ số có nền tảng số xuất sắc và đã được các cơ quan bộ ngành, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, lựa chọn.

Doanh nghiệp cũng nên tìm đến những đơn vị có uy tín, thương hiệu với số năm kinh nghiệm dày dặn, đội ngũ tư vấn tốt, đặc biệt có số lượng khách hàng lớn vì điều đó minh chứng cho việc các giải pháp chuyển đổi số của họ đã được nhiều khách hàng tin tưởng.

Thứ tư, sau khi tìm được nhà cung cấp, cần xác định mục tiêu chuyển đổi số trong từng giai đoạn cũng như lên kế hoạch hành động tổng thể bởi chuyển đổi số toàn diện mới mang lại thành công. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là lãnh đạo doanh nghiệp phải trực tiếp đứng ra truyền thông, chia sẻ kế hoạch đến nhân viên để tất cả đều thông suốt và cùng nhau đưa ra sự quyết tâm cao độ, bởi thay đổi một thói quen cũ sang một cách làm mới là điều không hề đơn giản.

Thứ năm, các chủ doanh nghiệp phải tham gia nhiệt tình vào việc chuyển đổi số. Họ phải là người làm gương trong việc khai thác những tính năng, tiện ích từ các giải pháp chuyển đổi số để phục vụ cho công việc điều hành hằng ngày của họ. Chỉ có thủ trưởng đơn vị sử dụng, đòi hỏi cung cấp và xem dữ liệu trực tiếp thì các bộ phận phía dưới họ mới nhập dữ liệu vào.

PV: Hiện MISA có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, thưa bà?

Bà Đinh Thị Thuý: Với 27 năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ gần 250.000 khách hàng là doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp, xã, phường trong công tác chuyển đổi số, MISA cung cấp giải pháp chuyển đổi số hay còn gọi là nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc nhất để phục vụ cho công tác chuyển đổi số từ nhỏ đến lớn.

Thứ nhất là nền tảng về kế toán dịch vụ. Đây là giải pháp được ví như dịch vụ Uber, Grab cho ngành kế toán. Giải pháp này được kết nối với hàng trăm đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán thuế uy tín và chất lượng. Các đơn vị này đã được chúng tôi thẩm định hồ sơ và thật sự uy tín mới đưa lên nền tảng. Nền tảng này đáp ứng nhân lực về công tác kê khai thuế và quyết toán cho tất cả doanh nghiệp với quy mô dù lớn hay nhỏ.

Thứ hai là nền tảng quản trị hợp nhất MISA AMIS. Đây là nền tảng đáp ứng tất cả các nghiệp vụ từ kế toán bán hàng, nhân sự đến công tác điều hành trong doanh nghiệp. Giải pháp này cũng đáp ứng được tất cả quy mô từ nhỏ đến lớn, thậm chí các doanh nghiệp, tập đoàn cũng có thể sử dụng. Giải pháp này cũng có thể sẵn sàng đáp ứng cho những dự án có sự điều chỉnh riêng.

Mới đây nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS đã được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn là nền tảng số xuất sắc nhất. Điều đó minh chứng rằng đây là công cụ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong công tác quản trị điều hành về doanh nghiệp.

Mặc dù nhận thức được việc chuyển đổi số là điều cấp thiết nhưng chi phí đang thực sự là một vấn đề mang tính thách thức, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay không có chi phí để thực hiện việc chuyển đổi số. MISA có đưa ra chính sách gì để hỗ trợ cho những doanh nghiệp này, thưa bà?

Trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch, MISA đã đưa ra một số chương trình, chính sách hỗ trợ trong việc chuyển đổi số. Theo đó, MISA tặng 1 năm sử dụng miễn phí phần mềm kế toán online MISA AMIS. Đây là phần mềm kế toán cho doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2021. Giải pháp này giúp cho các doanh nghiệp tối ưu được chi phí và có khả năng làm việc từ xa, duy trì được năng suất và hiệu quả hoạt động.

Đến năm 2022 nếu có phải trả thì mức phí cũng rất rẻ với mức tầm 200 nghìn/tháng. Điều đó có thể thấy kinh phí chuyển đổi số không hề đắt tí nào.

MISA cũng giảm 15% khi doanh nghiệp triển khai các giải pháp chuyển đổi số của MISA trong năm 2021 (Hoá đơn điện tử, chữ ký số, quản lý nhà hàng, quản lý cửa hàng thời trang, quản trị doanh nghiệp hợp nhất) khi doanh nghiệp đăng ký trong chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Bên cạnh đó, MISA còn có chương trình đào tạo online miễn phí cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng các giải pháp chuyển đổi số của MISA.

"Con người" là trung tâm

PV: Hơn 27 năm có mặt trên thị trường, điều gì đã tạo nên sự khác biệt của MISA trong hành trình phát triển của mình, thưa bà?

Bà Đinh Thị Thuý: Với khát vọng phụng sự Đất nước, MISA chọn nhân tố "con người" làm trung tâm, "công nghệ" và "quy trình" là 2 cánh tay để nâng tầm năng lực của cả bộ máy. Yếu tố gắn kết MISA là văn hóa doanh nghiệp, được người lãnh đạo công ty đúc kết, hoàn thiện trong suốt hành trình 27 năm…

Tôi đã có 24 năm gắn bó tại doanh nghiệp và luôn tự hào được góp sức cho sứ mệnh phụng sự xã hội mà Chủ tịch Lữ Thành Long xây nên tại MISA. Từ bước đầu sơ khởi thành lập năm 1994 với 3 nhân sự chủ chốt cho đến nay, khát vọng phụng sự đó không thay đổi. Khát vọng được MISA cụ thể hóa bằng mục tiêu phát triển các nền tảng, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin để thay đổi ngành kinh tế và giúp khách hàng thực hiện công việc theo phương thức mới, năng suất và hiệu quả hơn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước và các quốc gia trên thế giới.

Là công ty công nghệ, MISA từ lâu đã đưa công nghệ số vào sản phẩm, nhằm tạo môi trường làm việc năng động cho các đối tác, khách hàng của công ty. MISA thúc đẩy và hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của mình lan tỏa văn hóa bằng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. Nền tảng này phù hợp với mọi quy mô doanh nghiệp, với đầy đủ các nghiệp vụ quản trị như: quản trị nhân sự, quản lý điều hành, tài chính kế toán, marketing bán hàng...

Chúng tôi luôn nỗ lực để các khách hàng, các đối tác được trải nghiệm những sản phẩm tuyệt vời, giúp họ xử lý công việc thông minh hơn, hiệu quả hơn, có ích hơn. MISA tạo nên sự khác biệt trong hành trình phát triển của mình ở chỗ, công ty vừa làm, vừa tích lũy tri thức, kinh nghiệm để đưa vào sản phẩm và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiện đại hóa các quy trình quản trị tài chính, quản trị nhân sự. Trong sứ mệnh phụng sự của mình, MISA đã hợp tác, hỗ trợ 600 cơ sở đào tạo, trong đó có nhiều trường đại học để chia sẻ tri thức, phương pháp và phần mềm, giúp sinh viên được học hỏi, thêm tự tin và thêm cơ hội chọn lựa việc làm.

PV: Vận hành với khoảng 2.500 nhân sự là điều không hề dễ dàng. Vậy yếu tố giúp MISA luôn gắn kết nhân sự về một hướng là gì, thưa bà?

Bà Đinh Thị Thuý: Với quy mô nhân sự gần 2.500 con người, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố giúp MISA gắn kết nguồn lực trong tổ chức, quy tụ tất cả chung một chí hướng, chung một khát vọng. Các giá trị văn hóa được kết tinh theo thời gian, xoay quanh tâm niệm làm thế nào để thực thi thành công chiến lược phụng sự xã hội mà người sáng lập Công ty đã chọn. Bất kỳ ai trong tổ chức của MISA cũng mang tinh thần phụng sự và nuôi dưỡng lòng tự hào về công ty, thúc đẩy sự nỗ lực làm cách nào để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang lại sự hữu ích cho khách hàng, cho mọi người.

Sức mạnh của MISA được tạo nên bởi sự gắn kết của hàng nghìn con người, nhưng nhân tố cốt lõi xây dựng và gìn giữ văn hóa công ty là đội ngũ lãnh đạo. Văn hóa chưa có thang đo để đánh giá mạnh, tốt hay xuất sắc, nhưng đó là nét đẹp của MISA mà từng cấp lãnh đạo phải thấm nhuần và có trách nhiệm đào tạo, trao truyền cho đội ngũ cán bộ, quản lý của mình.

Với người lãnh đạo, văn hóa MISA được đúc kết trong 6 chữ: "Trí, Dũng, Nhân, Công, Tâm, Chính". Cùng với đó, lãnh đạo phải hội tụ 4 năng lực, đó là làm chủ ý chí, làm chủ nhân tâm, làm chủ nhân lực và làm chủ sự biến đổi. Chính tinh thần làm chủ đã giúp MISA vững vàng ứng phó với đại dịch Covid-19.

Nếu như giai đoạn 2017-2019, các khẩu hiệu của MISA thúc đẩy nhân sự nhanh hơn, thông minh hơn, thần tốc và đột phá, thì năm 2020, MISA chọn "Kết nối, thấu hiểu và chia sẻ" làm phương châm hành động cho đội ngũ của mình. Năm 2021, "Chủ động, học hỏi, sáng tạo" được chọn làm khẩu hiệu cho người MISA. Có có thể chia sẻ thêm về điều này?

Bà Đinh Thị Thuý: Để thống nhất cách tư duy, hành động của tổ chức, mỗi năm, MISA chọn cho mình một khẩu hiệu và truyền thông để từng nhân sự thấu hiểu. Việc chọn khẩu hiệu mỗi năm là trách nhiệm của người lãnh đạo. Chúng tôi đã làm như thế từ nhiều năm nay và thấy rằng, giải pháp này tạo nên sự xuyên suốt trong cách nghĩ, cách hành động tại doanh nghiệp mình.

MISA đã xây nên 10 quy tắc ứng xử bên ngoài và 8 quy tắc ứng xử nội bộ. Bộ quy tắc chung giúp người MISA rèn luyện thói quen, văn hóa tốt, xây dựng môi trường làm việc học hỏi, chủ động, sáng tạo, chân thành và hành động có trách nhiệm theo một khối thống nhất. Chủ tịch Hội đồng quản trị MISA Lữ Thành Long quan niệm: "Bộ quy tắc ứng xử MISA là kim chỉ nam cho người MISA có hành động đẹp, lời nói hay; là phương tiện lan tỏa giá trị cốt lõi "TIN CẬY - TIỆN ÍCH - TẬN TÌNH" và là nền tảng tạo dựng văn hóa MISA trường tồn".

Chính tinh thần phụng sự mãnh liệt đã đưa MISA đến thành công và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. "Đức tin, sự khôn ngoan và hành động không ngừng" là bí quyết đi đến thành công của một doanh nghiệp và thúc đẩy các doanh nghiệp hãy tin vào chính mình, tin vào đội ngũ, vào Đất nước mình, hành động khôn ngoan và không ngừng để biến mọi thách thức thành cơ hội.

Xin cảm ơn bà!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TGĐ MISA Đinh Thị Thúy: Chuyển đổi số là “tấm khiên chắn bão” cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO