Thái Lan mở rộng sử dụng ID, đáp ứng các dịch vụ chính phủ
Sau 13 năm hoạt động, Thái Lan đã và đang theo đuổi mục tiêu năng lực số của đất nước sẽ được xếp hạng trong top 30 của thế giới.
Vào năm thứ 13 hoạt động, Cơ quan Phát triển Giao dịch Điện tử (ETDA), một cơ quan chuyên thúc đẩy niềm tin vào các giao dịch điện tử an toàn của người dân Thái Lan, đã tận dụng cơ hội để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Khát vọng đáng chú ý là năng lực kỹ thuật số của Thái Lan sẽ được xếp hạng trong top 30 thế giới. Định hướng sắp tới của ETDA vào năm 2024 đáng chú ý là cơ quan này sẽ nâng cao vai trò của mình như một Cơ quan quản lý đồng sáng tạo.
Một số sáng kiến quan trọng đang tiếp tục được thực hiện nhằm xây dựng niềm tin vào các giao dịch trực tuyến của người dân Thái Lan. Đầu tiên là tập trung vào việc mở rộng việc sử dụng ID số, đặc biệt trong các dịch vụ của chính phủ để đáp ứng các nhu cầu của người dân và khuyến khích áp dụng rộng rãi. Điều này liên quan đến việc tạo ra ít nhất 24 nhà cung cấp ID (IDP) tuân thủ các tiêu chuẩn ID số để cung cấp cho người dùng nhiều tùy chọn hơn.
Ngoài ra, nhiều nỗ lực đang được thực hiện để đẩy nhanh việc phát triển các tiêu chuẩn quan trọng như lưu trữ giấy tờ tùy thân, xác minh danh tính cho người nước ngoài và giấy ủy quyền hợp pháp cho các cá nhân. Dịch vụ nhận diện khuôn mặt (FVS) cũng được mở rộng và ưu tiên cho việc nhận dạng số cùng chứng nhận chữ ký điện tử.
Hơn nữa, một khung giám sát đang được thiết lập cho các dịch vụ nền tảng số (DPS) để đảm bảo sự công bằng và tính minh bạch trong các hoạt động. Việc tuân thủ các thực tiễn tốt nhất và khung về DPS sẽ được khuyến khích để bảo vệ và nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.
Danh sách các nền tảng số hợp pháp sẽ được công bố và khung quản trị DPS (DPS Governance Framework) đang được phát triển để giám sát các dịch vụ kinh doanh nền tảng. Hướng dẫn xác thực khách hàng đối với các dịch vụ nền tảng cũng sẽ được soạn thảo và trung tâm ETDA sẽ được nâng cấp để xử lý khiếu nại một cách hiệu quả.
Thúc đẩy AI với khả năng quản trị tốt là một khía cạnh quan trọng khác của chiến lược này nhằm giảm thiểu rủi ro và cải thiện các khả năng cạnh tranh. Việc thành lập “trung tâm quản trị trí tuệ nhân tạo (trung tâm AIGC)” sẽ mở rộng sử dụng các bộ công cụ và những nguyên tắc quản trị AI, ban đầu tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tài chính và sau đó là các lĩnh vực khác. Chính phủ sẵn sàng hướng dẫn các đơn vị nào quan tâm và tạo ra những khóa học về AI cho các giám đốc điều hành và tổ chức những hội thảo để trao đổi ở cấp độ tác nghiệp.
Cuối cùng, chính phủ Thái Lan nhấn mạnh vào việc áp dụng chuyển đổi số ở cả các lĩnh vực công và tư nhân. Điều này bao gồm phát triển kỹ năng của người dân và các chuyên gia trong những ngành nghề có nhu cầu cao, từ các nhà cung cấp dịch vụ trong Sandbox ETDA đến các doanh nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Viện ADTE (Học viện chuyển đổi số của ETDA) sẽ tổ chức các hội thảo đào tạo cho các cơ quan như Cục Phát triển Kỹ năng (Department of Skill Development). Sự phát triển của những cộng tác viên cộng đồng số sẽ đảm bảo tính bền vững và kiến thức về kỹ thuật số được phổ biến thông qua chương trình giảng dạy công dân số ETDA Digital Citizen (EDC) phục vụ cho các thành phần khác nhau của xã hội, bao gồm cả người điếc và khiếm thính.
Để cam kết xa hơn trong việc thúc đẩy một xã hội số và kinh tế số, ETDA cũng đã phối hợp với các đối tác chính phủ và khu vực tư nhân chuẩn bị cho một sự kiện thường niên sẽ được tổ chức vào năm tới. Đây là một hội nghị và triển lãm, xây dựng dựa trên các chủ đề được thảo luận với sự góp mặt của nhiều diễn giả từ trong nước và quốc tế cùng với các gian hàng hấp dẫn đại diện cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Các sản phẩm của Thái Lan cũng sẽ được trưng bày để mọi người cùng tham gia và khám phá biên giới kỹ thuật số./.