Thái Nguyên: Nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản

Tùng Lâm| 15/08/2017 17:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Tăng cường quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, công tác này vẫn đang gặp không ít khó khăn.

 Làm tốt công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản sẽ góp phần bảo đảm ATTP và sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.

Làm tốt công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản sẽ góp phần bảo đảm ATTP và sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của Ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại 562 cơ sở gồm 1 cơ sở nguồn gốc động vật, 5 cơ sở nguồn gốc thủy sản; 157 cơ sở nguồn gốc thực vật; 40 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản hoặc kinh doanh, chế biến thực phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã; 144 cơ sở vật tư nông nghiệp. Qua đó đã phát hiện 80 cơ sở không đạt yêu cầu. Đã xử lý vi phạm 80 cơ sở và thu phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 130 triệu đồng. Điều này cho thấy ý thức của chủ một số cơ sở sản xuất, chế biến nông sản chưa cao.

Trong khi đó, nhận thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng ATTP nên sự chỉ đạo chưa kiên quyết; chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Cho đến nay, việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chưa xây dựng được thương hiệu của sản phẩm, nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, giá thành cao khó cạnh tranh với thực phẩm thông thường, vì vậy chưa tạo động lực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Do bảo vệ môi trường còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên môi trường nói chung và môi trường đất, nước để trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng cũng làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất thực phẩm. Chị Đinh Thị Hương, một hộ sản xuất rau xanh ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) nói: Nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; các loại phân hóa học thì năng suất cây trồng sẽ thấp, người nông dân chúng tôi không có lãi.

Một trong những khó khăn nữa là đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh là các cơ sở nhỏ lẻ, chưa áp dụng các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh do đó gây khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc. Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng ATTP và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng còn chưa cao, người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt, coi thường tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, tập quán ăn uống, trình độ dân trí, đặc biệt là do thu nhập thấp nên vẫn còn tình trạng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không bảo đảm ATTP còn khá phổ biến. Theo chị Lê Mai Lan, tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên), nhiều loại thức ăn sẵn như giò, chả, thịt lợn quay… có giá bán rất rẻ, lại tiện lợi nên tôi thường mua về sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.

Mỗi năm tỉnh Thái Nguyên cung cấp cho thị trường trên 420 nghìn tấn lương thực, 210 nghìn tấn chè búp tươi; hơn 300 nghìn tấn rau xanh; khoảng 40-50 nghìn tấn quả (nhãn, chuối, vải, na…); trên 100 nghìn tấn thịt hơi các loại; 8,3 nghìn tấn thủy sản. Do đó, việc quản lý tốt chất lượng nông, lâm sản và thủy sản sẽ góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng… Bởi vậy, trong thời gian tới, việc xây dựng kế hoạch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành theo định kỳ là rất cần thiết. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Qua đó, sẽ phát hiện ra được những hạn chế, thiếu sót của hệ thống văn bản, từ đó có giải pháp đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý.

Cùng với đó là nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh từng bước kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản từ cấp tỉnh đến cấp xã. Bên cạnh đó thì các cấp, ngành chức năng cần triển khai xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung, kết hợp xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thực phẩm nông sản đặc sản của tỉnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO