Truyền thông

Thái Nguyên: Nỗ lực giúp bà con vùng đồng bào DTTS an cư, lạc nghiệp

Trần Đình Hoạch 04/11/2024 08:35

Thời gian qua, bên cạnh việc triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ cấp nước sạch, tỉnh Thái Nguyên còn quan tâm tới công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư. Từ đó góp phần giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh an cư, lạc nghiệp, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngày 6/9/2024, HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành Nghị quyết 10/2024/NQ-HĐND quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Việc ban hành Nghị quyết có ý nghĩa rất lớn nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách về đất đai, giúp đồng bào sớm an cư, lạc nghiệp.

Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành Quyết định 26/2023/QĐ-UBND quy định định mức đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn nhằm xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh để thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình 1719). Hiện nay, UBND các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang thống kê, rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách các hộ được thụ hưởng chính sách, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất cho người dân.

anh-1.1.jpg
Hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất giúp bà con vùng đồng bào DTTS an cư, lạc nghiệp là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh Thái Nguyên.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Chương trình 1719, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên cân đối gần 2.000 tỷ đồng. Đây là nguồn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện.

Đến cuối năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã giải ngân khoảng 850 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 200 hộ làm nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 500 hộ, xây dựng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung…Năm 2024, số vốn đầu tư lên đến trên 645 tỷ đồng, hỗ trợ đất ở cho 27 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 1.200 hộ, đầu tư xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung...

Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 khu tái định cư tập trung cho đồng bào DTTS tại Liên Phương (đảm bảo chỗ ở cho 35 hộ dân) và Bản Tèn (đảm bảo chỗ ở cho 30 hộ dân), xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ; xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (đảm bảo chỗ ở cho 84 hộ dân) sau những thiệt hại bởi cơn bão số 3. Cả ba dự án đều nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây được xem là một trong những chính sách đất đai vô cùng thiết thực dành cho đồng bào DTTS ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, đang sinh sống tại những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh.

Để đồng bào DTTS và miền núi được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch, hỗ trợ téc chứa nước cho hộ nghèo là người DTTS. Trong đó, ở giai đoạn từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 600 hộ dân với kinh phí gần 1,8 tỷ đồng và xây dựng 20 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Ở các bản vùng cao, miền núi có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… sinh sống như Lân Đăm, Quang Sơn (Đồng Hỷ); Tân Lập, Phú Xuyên (Đại Từ)… nhờ được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nên nguồn nước sạch hợp vệ sinh đã được đưa về tận hộ dân.

anh-1.2.jpg
Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên luôn cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đầu tư các công trình nước sạch giúp bà con vùng đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, tỉnh đã nỗ lực huy động vốn từ ngân sách, vốn vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội và nhiều nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ đất ở cho 27 hộ nghèo, nhà ở cho 153 hộ nghèo, cũng như hỗ trợ hơn 1.000 hộ DTTS về nước sinh hoạt. Qua đó, hỗ trợ giảm 2% hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi mỗi năm, 96% cộng đồng DTTS có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, giải quyết vấn đề thiếu đất ở và đất sản xuất cơ bản cho cộng đồng.

Triển khai sâu rộng tới từng cấp cơ sở

Chỉ cách thành phố Thái Nguyên hơn 20km nhưng Đồng Hỷ là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi với trên 50% dân số là đồng bào các DTTS.

Thực hiện Chương trình 1719, đến nay, huyện Đồng Hỷ đã đầu tư, cải tạo 5 công trình nước sinh hoạt tập trung cho hằng trăm hộ dân người DTTS được hưởng lợi.

Cụ thể, huyện đã đầu tư nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các xóm: Tân Sơn (kinh phí trên 1,8 tỷ đồng), xóm Dạt (kinh phí gần 1,1 tỷ đồng), xóm Liên Phương, xã Văng Lăng (kinh phí 300 triệu đồng); xóm Bãi Vàng, xã Hợp Tiến (xấp xỉ 1,7 tỷ đồng) và xóm Viến Ván, xã Quang Sơn (kinh phí 350 triệu đồng).

Ngoài ra, huyện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 413 hộ người DTTS với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.

Cùng với việc đưa nước sạch đến bà con dân nghèo, an cư lạc nghiệp là một trong những mục tiêu mà huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã thực hiện tốt thời gian qua, góp phần tạo điều kiện cho bà con vùng DTTS yên tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chính vì vậy, huyện đã được Nhà nước đầu tư Khu tái định cư Tam Va, xã Văn Lăng, di chuyển 60 hộ đồng bào dân tộc Mông ở xóm Mỏ Nước đến sinh sống. Đến nay, các hộ đều đã ổn định một phần cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế, được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn.

Sau thành công của Khu tái định cư Tam Va, huyện tiếp tục được đầu tư 2 khu tái định cư tại xã Văn Lăng là xóm Bản Tèn (30 hộ) và xóm Liên Phương (35 hộ).

Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ cho biết, các hộ được chuyển về khu tái định cư đều là những gia đình người DTTS sống trên núi cao, cách xa trung tâm xã từ 15 đến 20km. Nhiều hộ không có đất ở, phải làm nhà bên cạnh khe suối, chân núi đá nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra sạt lở, lũ quét. Ngoài ra, các hộ sống phân tán, cách xa trung tâm xóm, trường học nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, đưa điện đến với tất cả bà con. Vì vậy, việc đầu tư các khu tái định cư là rất thiết thực, giúp đồng bào DTTS an cư, lạc nghiệp, có điều kiện vươn lên thoát nghèo./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Nỗ lực giúp bà con vùng đồng bào DTTS an cư, lạc nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO