Thành phố thông minh của Việt Nam vẫn nặng về Chính phủ điện tử

Minh Thiện| 02/12/2022 08:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Hành lang pháp lý và các định mức kỹ thuật chưa hoàn thiện khiến cho thành phố thông minh/đô thị thông minh (TPTM/ĐTTM) tại Việt Nam chưa thực sự đi vào chiều sâu.

Rầm rộ phong trào - Hiệu quả chưa cao

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Hội nghị thành phố thông minh (TPTM) Việt Nam 2022. Sự kiện diễn ra trong 2 ngày từ 01 – 02/12/2022. 

Tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết: "Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt khi Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 148 ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Nghị quyết 06 mới ban hành, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng CNTT, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh."

Thành phố thông minh của Việt Nam vẫn nặng về Chính phủ điện tử - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại phiên Khai mạc

Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án ĐTTM; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển ĐTTM; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh, 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh.

Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay, các địa phương hiện nay vẫn đang chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích TPTM, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chứ chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý ĐTTM để giải quyết các vấn đề căn cơ các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường… dẫn tới có những chỗ hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân trong đô thị. Như vậy, cái gọi là TPTM của Việt Nam vẫn nằm trong cái bóng của Chính phủ điện tử.

"Cấy gen 3Q" vào các đô thị

Ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, một trong những chuyên gia hàng đầu về ĐTTM và CĐS của Việt Nam chia sẻ với quan điểm này. Ông cho rằng: "Cần cấy gen 3Q vào các đô thị, bao gồm: 1. Quy hoạch – tức là hạn chế nguồn lực càng cần thông minh, thông minh hóa cái cũ, và cái mới thì phải thông minh từ đầu; 2. Quy chế - quy chế phải thuận lợi mới khuyến khích mọi thành phần cùng chung tay vào cuộc, và 3. Quy chuẩn – phải có chuẩn, chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số".

Đồng ý với quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định: "Về bản chất, phát triển ĐTTM cũng chính là thực hiện CĐS trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai, và đặc biệt là cần làm và có tư duy phát triển ĐTTM ngay từ khi lập quy hoạch, làm từ đầu khi quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, các cơ quan trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương".

Thành phố thông minh của Việt Nam vẫn nặng về Chính phủ điện tử - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nhật Quang: Cần cấy gen 3Q vào các đô thị

Hội nghị cập nhật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thảo luận; tập trung vào chủ đề Hạ tầng thông minh với các phiên chuyên đề về Hạ tầng pháp lý, Hạ tầng công nghệ và các giải pháp công nghệ xây dựng các Khu ĐTTM nhằm chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược, kinh nghiệm xây dựng ĐTTM, những quan điểm và mô hình ĐTTM, cùng giải pháp phát triển, quy hoạch và quản lý dựa trên điều kiện thực tế của các thành phố và nền tảng công nghệ mới: IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo…Từ đó giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình CĐS của các tổ chức, doanh nghiệp.

Không còn thời gian để chần chừ

TS. Nguyễn Lê Thi, Trưởng phòng Môi trường Xây dựng và Chứng nhận Sản phẩm BSI Việt Nam - cho biết: "Chúng ta đang trải qua làn sóng tăng trưởng đô thị lớn nhất trong lịch sử. Vào đầu thế kỷ 20, chỉ có 15% dân số thế giới sống ở các thành phố. Bây giờ là hơn 50%. Và đến năm 2050, 3/4 trong số 9 tỷ người trên thế giới sẽ là cư dân đô thị. Điều này đang gây ra một áp lực nghiêm trọng đối với các dịch vụ và nguồn lực của các thị trấn và thành phố - gây rủi ro cho sự tăng trưởng bền vững, yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng của họ, cũng như sức khỏe và hạnh phúc của công dân của họ".

Sức ép về gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa quá nhanh đòi hỏi chúng ta cần thiết lựa chọn, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về Đô thị/Cộng đồng thông minh.

Theo bảng xếp hạng TPTM 2021 (Smart City Index 2021), top 10 thành phố toàn thế giới có Singapore là thành phố đứng đầu, ngoài ra trong đó có 3 thành phố tới từ Thụy Sĩ với các thành phố Zurich, Lausanne, và Gevena. Tốc độ tăng trưởng của thị trường TPTM toàn cầu là 22,4%, ước tính đạt tổng giá trị 2.800 tỷ USD vào năm 2027. Thị trường TPTM ở Hoa Kỳ ước tính trị giá 206,5 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ đạt quy mô thị trường dự kiến là 402,5 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR là 25,6% trong giai đoạn 2020 đến 2027. Trong số các thị trường địa lý đáng chú ý khác là Nhật Bản và Canada, các thị trường này được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt là 17,5% và 20,5% trong giai đoạn 2020-2027. Tại Châu Âu, Đức được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR khoảng 24,5%.

Xây dựng ĐTTM không phải là xây dựng đô thị số thay cho đô thị thực mà là dùng công nghệ số để thông minh hóa các cấu phần của đô thị. Bản thân các cấu phần thực cũng cần biến đổi để thích ứng với việc tích hợp thêm môi trường số.

Thành phố thông minh của Việt Nam vẫn nặng về Chính phủ điện tử - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị

TS. Smich Butcharoen, Giám đốc Phát triển Dịch vụ 5G, Công ty Viễn thông Quốc gia Thái Lan đã chia sẻ: Thái Lan rất coi trọng xu hướng xây dựng các TPTM để giải quyết các thách thức, và có mối quan hệ không thể tách rời với tầm nhìn 20 năm xây dựng Thai Lan Số. (Digital Thailand). Chính phủ Thái Lan đã hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển các ĐTTM do Ủy ban Quốc gia về Smart City phụ trách bao gồm 4 tầng: Tầm nhìn/Kế hoạch quốc gia; Khung chính sách; Luật; và văn bản hướng dẫn. Điều này đã tạo thuận lợi lớn cho các đô thị nhanh chóng giải quyết được các thách thức, và triển khai hiệu quả".

Tại Việt Nam, mục tiêu hướng tới của TPTM giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp..

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết: "Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển TPTM, nhưng cũng không ít thách thức. Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp công nghệ và lãnh đạo các đô thị đã rất nỗ lực phát triển các ĐTTM. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hợp tác công tư đặc biệt các thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, và thuê dịch vụ CNTT. Thêm vào đó, hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu. Vì vậy, Hội nghị TPTM Việt Nam 2022, mong muốn các nhà quản lý, các chuyên gia bàn thảo, và kiến nghị những phương giải quyết cụ thể cho 02 nhóm vấn đề này."/.

Hội nghị TPTM Việt Nam 202 có sự tham dự 500 đại biểu là các lãnh đạo sở ngành từ 27 tỉnh thành phố trên cả nước, các cơ quan ngoại giao và đại biểu quốc tế đến từ 12 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, các chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức CNTT và ứng dụng CNTT.

Với chủ đề Hạ tầng pháp lý - thúc đẩy phát triển ĐTTM, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam 2022 đặc biệt nhấn mạnh vào các tiền đề phát triển TPTM, với 2 phiên chuyên đề trong vòng 2 ngày: Ngày 1/12: Chuyên đề 1: Hạ tầng pháp lý - thúc đẩy phát triển ĐTTM; Ngày 2/12: Chuyên đề 2: Mô hình triển khai hạ tầng công nghệ cho ĐTTM./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thành phố thông minh của Việt Nam vẫn nặng về Chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO