Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, là cơ quan đặc thù có thực hiện đánh giá chỉ số CCHC nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ. Theo kết quả đánh giá Chỉ số CCHC của Hội đồng thẩm định, Thanh tra Chính phủ đạt 86,5/100 điểm (nếu xếp hạng cơ quan ngang bộ này đứng thứ 6/18 bộ, ngành), giá trị của các chỉ số theo từng lĩnh vực đều có kết quả tăng so với năm 2018 và năm 2017. Cụ thể, điểm số năm 2019 của Thanh tra Chính phủ (86,5 điểm) đã tăng 5,4 điểm so với năm 2018 (81,1 điểm) và tăng 11,3 điểm so với năm 2017 (75,2 điểm).
Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Bình Minh
Trong các chỉ số CCHC tăng tập trung ở: công tác chỉ đạo điều hành; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Theo Dự thảo báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 cũng cho thấy, công tác CCHC của Thanh tra Chính phủ đã được triển khai đồng bộ trên các nội dung, thực hiện được nhiều công việc. Kế hoạch CCHC trong từng giai đoạn với mục tiêu và giải pháp thực hiện là đúng đắn, có cơ sở, phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ quan thanh tra.
Tại một cuộc họp về công tác CCHC mới đây, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhất trí với những đánh giá kết quả thực hiện CCHC, đặc biệt được thể hiện tốt qua kết quả chỉ số CCHC năm 2019, góp phần vào mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ toàn cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Thực tế, cơ quan này đã đẩy mạnh công tác CCHC, xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, trong năm 2019, Thanh tra Chính phủ có rất nhiều điểm tiến bộ, đạt kết quả rất tốt trong việc thực hiện CCHC.
Để tiếp tục giữ vững và phát huy có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC của năm 2020 và những năm tiếp theo, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị phải tiếp tục xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch CCHC, đặc biệt chú trọng rà soát lại các lĩnh vực/tiêu chí/tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC (nhất là những lĩnh vực CCHC có điểm số chưa cao) để chỉ đạo sát sao việc xây dựng ban hành các kế hoạch, chương trình CCHC.
Các đơn vị phải lưu ý đến thời hạn gửi các báo cáo; nội dung các báo cáo; việc cập nhật dữ liệu lên phần mềm; công bố, công khai thủ tục hành chính, xây dựng cổng dịch vụ công… bảo đảm các nhiệm vụ đều được tổ chức thực hiện theo kế hoạch, tiến độ, thực chất, đầy đủ nội dung và đảm bảo chất lượng.
"Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải thường xuyên có giám sát, kiểm tra, đôn đốc, nếu phát hiện những nội dung chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng phải kịp thời báo cáo chi tiết về lý do, nguyên nhân chậm trễ, kém chất lượng. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất phương án khắc phục; ngoài kế hoạch CCHC chung của Thanh tra Chính phủ, các vụ, cục, đơn vị trực thuộc cần chủ động rà soát đối với kế hoạch CCHC năm 2020 của đơn vị mình đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện", đại diện Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Được biết, trong thời gian tới, Văn phòng Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nghiên cứu việc tổ chức tập huấn đào tạo CCHC; học tập các mô hình CCHC ở các bộ, ngành; nâng cao chất lượng đặt lịch hẹn tiếp dân qua mạng và nghiên cứu triển khai mở rộng đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ công tác CCHC cơ quan Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cũng mới ban hành Quyết định số 341/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 5 năm 2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo CCHC Thanh tra Chính phủ và Tổ giúp việc; Thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của TTCP. Theo đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm làm Trưởng Ban Chỉ đạo và 10 thành viên là đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị trực thuộc. |