Thị trường Insurtech Việt còn nhiều dư địa phát triển
Theo các chuyên gia, dù dư địa thị trường công nghệ bảo hiểm còn rất lớn nhưng hiện gặp nhiều rào cản như chưa có dịch vụ đột phá và chủ yếu phân phối lại các sản phẩm truyền thống, định kiến của người dân về bảo hiểm…
Nhiều thách thức cho Insurtech Việt Nam
Theo Báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở do BambuUp thực hiện, công nghệ bảo hiểm (Insurtech) là sự kết hợp của nhiều yếu tố từ con người, công nghệ, bảo hiểm và khách hàng. Trong đó, các công ty Insurtech tập trung vào nâng cao trải nghiệm cho khách hàng và sử dụng công nghệ số để giải quyết bài toán đó. Tại Việt Nam, doanh thu của các sản phẩm Insurtech hiện chỉ chiếm 2-3% doanh thu toàn thị trường.
Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm đang tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số mỗi năm, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế và chính sách phát triển nền kinh tế số, thị trường Insurtech Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm đạt mức hàng chục tỷ USD trong tương lai. Dù vậy, thị trường Insurtech Việt cũng đang đứng trước không ít thách thức đến từ: Khung pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường; Nguồn nhân lực chất lượng cao khan hiếm; Biến động không ngừng của nền kinh tế thế giới; Người dân chưa quan tâm nhiều đến bảo hiểm.
Đánh giá về tiềm năng Insurtech tại Việt Nam, ông Phan Đức Hùng, đồng sáng lập và CEO Papaya cho biết, mặc dù thị trường bảo hiểm đang tăng trưởng nhanh so với khu vực Đông Nam Á nhưng Insurtech lại đang chưa được như kỳ vọng. Nhất là trong bối cảnh tỷ lệ dân số có bảo hiểm còn thấp so với các nước trong khu vực nên vẫn còn nhiều dư địa về tăng trưởng cho ngành.
Ông Hùng cũng kỳ vọng với việc dư địa thị trường còn lớn, cùng với Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 01/01/2023 tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới cho thị trường cũng như các quy định cụ thể hơn về bán bảo hiểm qua không gian mạng thì thị trường Insurtech ở Việt Nam bùng nổ hơn hơn trong thời gian tới.
Khó khăn thị trường chủ yếu đến từ việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư để phát triển cho các Insurtech ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn cũng như sản phẩm còn chưa đa dạng.
“Trong thời gian tới, với việc thông tư hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã được ban hành, các Insurtech sẽ có thể tăng tốc trong việc ra mắt các sản phẩm bảo hiểm mới, sáng tạo và khác biệt”, ông Hùng bày tỏ.
Đại diện Quỹ đầu tư Nextrans cho biết, dù tiềm năng rất lớn nhưng thị trường Insurtech thời gian qua chưa thực sự sẵn sàng, còn khá sớm và số lượng startup cũng chưa nhiều. Đầu tiên do rào cản lớn, nhất là đối với các công ty non trẻ như startup. Nếu không có những sản phẩm khác biệt hay tạo ra giá trị thì sẽ rất khó để cạnh tranh với những công ty đã phân phối các sản phẩm truyền thống.
Thứ hai là từ trình độ nhận thức của người dân về bảo hiểm, khi không thể kỳ vọng họ hiểu sâu về bảo hiểm mà chỉ mua theo nhu cầu thực tế. Nên các công ty Insurtech sẽ rất khó để thay đổi quan điểm thị trường.
“Hiện thị trường Insurtech chưa thực sự chín và có nhiều điểm giống với thị trường ví điện tử cách đây gần 10 năm, khi mọi người mới bắt đầu quen dần với khái niệm đó”, đại diện quỹ cho biết.
Điểm thuận lợi của Insurtech là thị trường mở, nhiều cơ hội cho người chơi mới. Còn khó khăn đến từ định kiến của người dân về bảo hiểm, hay thói quen “chữa hơn phòng bệnh”.
Cần phát triển những sản phẩm sáng tạo để tiếp cận khách hàng mới
Cũng theo ông Hùng, sau dịch bệnh, thị trường Insurtech cũng có những sự khác biệt nhất định. Đầu tiên, đó là sự quan tâm nhiều hơn của người dùng về bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm sức khỏe để bảo vệ bản thân trước những rủi ro về sức khỏe. Số lượng người dùng chủ động tìm kiếm thông tin về sản phẩm bảo hiểm tăng nhiều hơn và do đó các công ty bảo hiểm cũng ra mắt nhiều sản phẩm đa dạng ở mảng sức khỏe.
Tiếp theo, tốc độ số hóa của ngành bảo hiểm cũng được diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, các công ty bảo hiểm cũng đã có sự tập trung nâng cấp hệ thống và xây dựng các kết nối công nghệ tạo điều kiện cho các Insurtech có thể ra mắt sản phẩm nhanh hơn, và đa dạng kênh bán.
Nhiều ý kiến cho rằng, Insurtech ở Việt Nam vẫn chủ yếu là đưa những sản phẩm truyền thống như bảo hiểm xe hơi, tai nạn, sức khoẻ lên bán online và thiếu những sản phẩm thực sự đột phá dẫn đến việc thị trường chưa thực sự khởi sắc. Về vấn đề này, ông Hùng cho rằng, các mảng bảo hiểm truyền thống như xe cơ giới, sức khỏe và nhân thọ sẽ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành bảo hiểm, vì đó là những nhu cầu bảo vệ thiết yếu của người tiêu dùng.
Trước đây, ngành bảo hiểm thiếu sự đa dạng về sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng khác nhau trong các mảng bảo hiểm truyền thống cùng với việc để thiết kế ra sản phẩm bảo hiểm mới tốn nhiều thời gian và sự đầu tư. Điều đó dẫn đến việc các insurtech ở Việt Nam chủ yếu dựa vào những sản phẩm sẵn có và phát triển kênh bán mới như online và gặp sự canh tranh lớn từ những kênh bán truyền thống.
“Để phát triển, Insurtech đòi hỏi phải phát triển những gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu để dễ dàng tiếp cận phân khúc khách hàng mới”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Đại diện quỹ Nextrans cho rằng, hiện các Insurtech về bản chất mới chỉ ở giai đoạn đầu, đa phần phân phối lại các sản phẩm bảo hiểm hiệu quả hơn chứ chưa tạo ra những dịch vụ mới, mang tính sáng tạo cao. Tiêu biểu như công ty bảo hiểm của Singapore có gói bảo hiểm thời tiết, để giảm thiệt hại cho nông dân khi mất mùa.
Bà Định Thị Ngọc Niềm, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Global Care cho biết, về mặt công nghệ, Insurtech đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… giúp quy trình bán hàng, chăm sóc khách hàng sau bán trở nên thông minh, nhanh chóng, chính xác cao với chi phí kinh doanh thấp.
Chưa kể, Insurtech cũng mở ra cho thị trường nhiều cơ hội phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm đặc thù, được thiết kế lại theo lối sống, phù hợp theo hành vi người dùng như dòng sản phẩm bảo hiểm giao dịch gian lận, bảo hiểm mạo danh, bảo hiểm an ninh mạng, bảo hiểm theo hành vi lái xe…
Thời gian qua, theo ông Hùng, với việc Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/ 2023 và các thông tư hướng dẫn thi hành luật được ban hành đã điều kiện cho việc thúc đẩy thị trường Insurtech. Đặc biệt là việc rút ngắn thời gian và thủ tục để phê duyệt các sản phẩm bảo hiểm mới.
Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tiếp tục đầu tư mạnh về công nghệ và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn với các Insurtech. Hơn nữa, việc cởi mở đồng hành cùng các Insurtech xây dựng các gói sản phẩm bảo hiểm mới, tạo sự đa dạng cho thị trường là điều cần thiết.
Cùng quan điểm, bà Niềm khẳng định, cần sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan, ban hành truyền thông cùng doanh nghiệp nhằm cởi bỏ được cái nhìn tiêu cực về bảo hiểm của người dân, để phát huy đúng vai trò của sản phẩm và đưa bảo hiểm đến gần người dân hơn.
Cuối cùng, theo quỹ Nextrans, giống như ví điện tử trước đây, để thúc đẩy Insurtech, cần có sự tham gia của những đơn vị lớn, như công ty bảo hiểm hay ngân hàng, đi tiên phòng để educate thị trường và đưa ra sản phẩm mới dễ tiếp cận người dân hơn. Trong vòng 5-7 năm tới, người dùng sẽ nhận thức đúng hơn và có những sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với họ.
“Chỉ đến khi các sản phẩm bảo hiểm truyền thống hiện nay có được sự tin tưởng của người dùng thì Insurtech mới có nhiều “đất diễn” hơn cho các dịch vụ tiếp theo”, đại diện quỹ Nextrans nói./.