Insurtech - xu hướng tất yếu của thị trường bảo hiểm và cơ hội cho Việt Nam
Insurtech là thuật ngữ kết hợp giữa "Insurance" (bảo hiểm) và "Technology" (công nghệ), được xem là một nhánh của Fintech. Với việc ứng dụng những công nghệ như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), các công ty bảo hiểm đã tạo nên một cuộc cách mạng làm thay đổi cách vận hành của ngành bảo hiểm truyền thống.
Mới đây, Báo cáo "Fintech & Ngân hàng số" do Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) phát hành cũng đã đưa ra quan điểm phân tích về Insurtech. Theo đó, Báo cáo chỉ ra rằng thông qua phân tích các dữ liệu lớn về nhân khẩu học, hành vi tiêu dùng, hệ sinh thái xã hội, dữ liệu y tế và sinh trắc học, Insurtech đang tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ ngành bảo hiểm từ tiếp thị đến phân phối, quản lý rủi ro, tạo ra sản phẩm, định giá, dịch vụ khách hàng.
Với những lợi thế tận dụng được từ công nghệ, Insurtech đang khai thác các mảng kinh doanh mà các công ty bảo hiểm lớn có ít động lực để khai thác, chẳng hạn như cung cấp các chính sách linh hoạt hơn, bảo hiểm xã hội và sử dụng các luồng dữ liệu mới từ các thiết bị kết nối Internet đến việc tính phí bảo hiểm linh hoạt...
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, xu hướng chuyển đổi số được đẩy nhanh hơn bao giờ hết trước những thách thức chưa từng có. Trong đó, các sản phẩm bảo hiểm được đầu tư mạnh mẽ về mặt công nghệ nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng đang khẳng định tiềm năng hấp dẫn tại các công ty tài chính. Năm 2020, số tiền đầu tư vào Insurtech trên toàn cầu lên tới 7,5 tỷ USD.
Có thể thấy, trước cú sốc vì dịch bệnh, ngành bảo hiểm đã chuyển biến một cách tích cực, khách hàng có cơ hội tiếp cận bảo hiểm nhanh chóng hơn, được trải nghiệm nhiều công nghệ cao và chuyên nghiệp hơn.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh, đầu tư, Cole Sirucek, đồng sáng lập và CEO của DocDoc, một công ty tiên phong về giải pháp sức khỏe, bảo hiểm ứng dụng AI, nhận định Đông Nam Á nằm trong các thị trường sôi động nhất về Insurtech. Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm trong năm 2019 đối với lĩnh vực kinh doanh phi nhân thọ ở Indonesia, Philippines và Việt Nam dưới 1%. So sánh với mức trung bình toàn cầu là 3,88%, con số này là minh chứng cho thấy dư địa phát triển của thị trường bảo hiểm khu vực trong tương lai.
Bên cạnh đó, dự đoán năm tới, với thêm 50 triệu người sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu, khu vực Đông Nam Á sẽ có tổng cộng hơn 350 triệu người với mức thu nhập 300 tỷ USD. Cùng với tỷ lệ 70% dân số Đông Nam Á sử dụng Internet, đây là mảnh đất màu mỡ cho công nghệ bảo hiểm phát triển.
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng phí bảo hiểm các công ty bảo hiểm thu trong năm 2020 đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Những năm sắp tới, thị trường bảo hiểm được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh và Insurtech sẽ bùng nổ vì chưa tới 10% dân số có bảo hiểm nhân thọ.
Theo Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet mới cao nhất khu vực Đông Nam Á, đạt 41% tỷ lệ người dùng Internet hiện tại, xấp xỉ 70% dân số. Việc triển khai công nghệ mới và sáng tạo làm thay đổi cách thức kinh doanh của các công ty bảo hiểm trên toàn cầu, sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các startup Việt trong lĩnh vực Insurtech.
Không chỉ các quỹ đầu tư tại Việt Nam, mà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm đến thị trường Insurtech Việt Nam. Hiện nay, thị trường Insurtech Việt Nam cũng đang bùng nổ với nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập. Một số công ty điển hình như Inso, App bảo hiểm, Papaya, Miin, Opes, SaveMoney…
Nhiều chuyên gia nhận định, con đường để tạo ra một công ty Insurtech thật sự lớn mạnh còn khá dài. Nhưng chắc chắn, với xu thế và sự phát triển không ngừng của công nghệ 4.0 hiện nay, thị trường Insurtech sẽ sớm bùng nổ, đặc biệt với sự trưởng thành của các thế hệ Y, thế hệ Z - những người đã quá quen thuộc với công nghệ và các hoạt động mua hàng trực tuyến.
Thách thức của Insurtech Việt Nam
Bên cạnh những cơ hội phát triển tiềm năng, thị trường Insurtech cũng còn nhiều khó khăn và thách thức nhất định. Báo cáo "Fintech và Ngân hàng số" của MBBank cho biết khung pháp lý, nguồn nhân lực, sự biến động của nền kinh tế thế giới... sẽ là những thách thức cho thị trường Insurtech trong thời gian tới
Thứ nhất, khung pháp lý chưa đề cập các hoạt động bảo biểm với các mô hình kinh doanh mới. Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm có thể phá vỡ sự ổn định của thị trường, khó quản lý, kiểm soát các kênh phân phối sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm tới khách hàng. Thách thức này đặt ra những khó khăn nhất định cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát quá trình hoạt động của DN.
Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển Insurtech. Để đáp ứng với việc ứng dụng công nghệ trong Insurtech, các DN sẽ phải tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao, am hiểu công nghệ. Lực lượng lao động hiện tại chưa được chuẩn bị cho sự thay đổi nhanh chóng do công nghệ số mang lại, đặc biệt những yêu cầu nhân sự cho những ngành mới như khoa học dữ liệu (Data Science), thiết kế trải nghiệm người dùng (UX Design) hay marketing kỹ thuật số (Digital Marketing)...
Thứ ba, sự biến động không ngừng của nền kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm. Ví dụ điển hình như mức lãi suất thấp trên thế giới hiện nay đang đặt áp lực lên hiệu quả hoạt động tài chính của các công ty. Khách hàng có xu hướng không muốn mua bảo hiểm nếu có mức lãi suất thấp, và đây là nguyên nhân dẫn đến việc giảm doanh thu cũng như lợi nhuận của các công ty bảo hiểm.
Theo đó, sự phát triển những mô hình kinh doanh mới giúp các công ty bảo hiểm có cơ hội đổi mới công nghệ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và gia tăng lợi nhuận. Để thị trường Insurtech phát triển hơn nữa trong tương lai, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý về Fintech nói chung và Insurtech nói riêng tạo điều kiện cho các công ty hoạt động thuận lợi.
Bên cạnh đó, các công ty Insurtech cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các DN bảo hiểm truyền thống để tận dụng nguồn vốn, sản phẩm phong phú và thị phần khách hàng. Ngoài ra, các Insurtech cần tiếp tục nâng cao công nghệ, hạn chế các rủi ro về tính bảo mật, an ninh mạng và rủi ro liên quan đến dữ liệu.
Những công nghệ chính được Insurtech sử dụng
Với sự đóng góp của những công nghệ như dữ liệu lớn, AI, Internet vạn vật (IoT), blockchain, công nghệ AR,… cuộc cách mạng Insurtech đã và đang tạo nên thay đổi to lớn trong cách thức vận hành của ngành bảo hiểm truyền thống.
Dữ liệu lớn và AI: DN bảo hiểm cần thiết lập phí cạnh tranh thông qua việc tính toán rủi ro để đảm bảo lợi nhuận. Về dữ liệu lớn, Insurtech thu thập một lượng dữ liệu lớn từ các tệp, cơ sở dữ liệu và lưu trữ cá nhân khác nhau. Sau đó, DN sử dụng các giải pháp tự động hoá quy trình với rô-bốt để nắm bắt, xử lý và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu hiệu quả. Insurtech sử dụng mô hình dự báo và thống kê dựa trên dữ liệu để đánh giá rủi ro chính xác hơn. Bên cạnh đó, dữ liệu giúp cải thiện quy trình bảo hiểm, từ đó nâng cao lòng trung thành của khách hàng và tối ưu hóa cơ hội bán hàng.
Trí tuệ nhận tạo được sử dụng thông qua các chatbot hay bot giúp tương tác với mọi người thông qua giao diện trò chuyện. Các bot tạo điều kiện thuận lợi cho mọi giai đoạn mua bảo hiểm từ các câu hỏi tới việc bán hàng và thậm chí cả thanh toán.
Internet vạn vật (IoT) sẽ giúp cho việc sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn. Chi phí cho cảm biến và các công nghệ truyền thông giảm cùng với việc xử lý dữ liệu được cải thiện đều góp phần vào việc ứng dụng nhanh chóng công nghệ IoT và thiết bị đeo trong ngành bảo hiểm. Các cảm biến cũng có thể được sử dụng như một cảnh báo để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các khiếu nại.
Blockchain cũng đem lại lợi ích lớn đối với tính bảo mật, minh bạch và hạn chế tối đa chi phí môi giới.
Công nghệ AR (Augmented Reality - Tương tác thực tế ảo) trên điện thoại thông minh cho phép người dùng quét kỹ thuật số các tài liệu hợp đồng và nhận thêm các thông tin về hình thức bảo hiểm tiềm năng, các tùy chọn có sẵn để người dùng có thể dễ dàng lựa chọn.
OCR (Optical Character Recognition) - Nhận dạng ký tự quang học giúp quá trình nhập liệu và lưu trữ thông tin khách hàng diễn ra tự động, nhanh chóng và chính xác. Sau khi được số hóa và lưu trữ, DN bảo hiểm có thể nghiên cứu để xây dựng các chiến lược marketing, chăm sóc khách hàng, tư vấn gói bảo hiểm với từng nhóm khách hàng.
KYC (Know Your Customers) là quy trình đầu tiên thẩm định khách hàng và danh tính khách hàng ngay lần đầu để chống tiềm ẩn gian lận. Một quy trình KYC hiệu quả bao gồm việc đánh giá rủi ro nghiêm ngặt đối với mức độ rủi ro theo từng loại khách hàng, chính sách bảo hiểm, vị trí địa lý và sàng lọc các biện pháp trừng phạt tương ứng.
Bằng cách truyền thống các DN sẽ tốn khá nhiều thời gian và chi phí với nguồn lực cồng kềnh do độ phức tạp của dữ liệu thu thập được. Do đó, công nghệ được coi là một bước tiến hiệu quả giúp tự động hoá KYC. Với công nghệ AI, xác minh danh tính, giám sát và sàng lọc, toàn bộ quy trình trở nên nhanh chóng, đơn giản, đáng tin cậy và an toàn. Việc tích hợp và giám sát KYC thông minh giúp giảm thiểu sai sót của con người và giúp các công ty bảo hiểm ngăn chặn gian lận ngay từ đầu.
Thay vì tập trung vào hiệu quả, bồi thường thì các công ty bảo hiểm cần tạo ra những trải nghiệm đột phá. Tất cả các quy trình công nghệ giúp cho hệ thống của DN bảo hiểm kết nối với người dùng cuối sẽ tạo cho DN lợi thế đột phá, so với các DN bảo hiểm thuần túy./.