Kinh tế số

Thách thức số hoá ngành bảo hiểm và cơ hội của ngành Insurtech tại Việt Nam

Bảo Bình 25/12/2022 17:00

Việc bắt tay với các công ty InsurTech sẽ giúp các công ty bảo hiểm truyền thống tiết kiệm chi phí công nghệ, chi phí vận hành, và có sẵn các chuyên gia công nghệ dày dặn kinh nghiệm, bởi số hóa không phải đơn giản là “nhấc” sản phẩm bảo hiểm truyền thống lên nền tảng số...

Tóm tắt nội dung:

* Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển

- Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và thua xa tỷ lệ 9,6% ở các thị trường phát triển.

- Tại Việt Nam, chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người hiện ở mức 72-75 USD, thấp so với mức 175 USD ở các thị trường mới nổi và thua xa mức 4.664 USD ở các thị trường phát triển.

- Ngành bảo hiểm có tốc độ chuyển đổi số chậm, hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Đây chính là miếng bánh để các startup công nghệ bảo hiểm (InsurTech) phát huy tác dụng.

* Thách thức và cơ hội của ngành InsurTech tại Việt Nam

- Thách thức: Người dùng thiếu niềm tin vào năng lực hệ thống; nguy cơ bị các ông lớn nước ngoài cạnh tranh - điều đang diễn ra trên thị trường bảo hiểm truyền thống.

- Cơ hội: Tỷ lệ thâm nhập của Internet, smartphone cao, tư duy đón nhận cái mới của người Việt và đặc biệt cơ hội thị trường rất lớn.

- Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam: Công nghệ và con người là 2 yếu tố quan trọng của InsurTech. Các startup InsurTech Việt Nam muốn tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường cần phải cạnh tranh bằng giá trị con người để tạo ra những sản phẩm, quy trình sáng tạo.

Tác giả trích dẫn

Thị trường bảo hiểm Việt Nam dự báo tăng trưởng hai con số vào năm 2022

Thị trường bảo hiểm Việt Nam được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng cao. Hiện tại, tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm vẫn thấp và phí bảo hiểm chỉ ở mức trung bình. Ngoài ra, mới chỉ khoảng 10 triệu người Việt Nam sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tương đương khoảng 10% dân số. Tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ tăng lên 15% vào năm 2025.

Các chuyên gia cho rằng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển với tỷ lệ thâm nhập (doanh thu phí bảo hiểm/GDP) và phí bảo hiểm trung bình (chi tiêu bảo hiểm bình quân đầu người) còn thấp. 

Theo báo cáo về thị trường bảo hiểm Việt Nam của VietnamCredit, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam hiện dao động ở mức 2,3% - 2,8%, thấp hơn so với các thị trường mới nổi và thua xa tỷ lệ 9,6% ở các thị trường phát triển. Tại Việt Nam, chi tiêu cho bảo hiểm bình quân đầu người hiện ở mức 72 - 75 USD, thấp so với mức 175 USD ở các thị trường mới nổi và thua xa mức 4.664 USD ở các thị trường phát triển.

Thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực bảo hiểm. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và 2021 - 2030 đặt mục tiêu tăng GDP bình quân đầu người từ 2.750 USD năm 2020 lên 4.700 - 5.000 USD năm 2025 và 7.500 USD năm 2030.

Cùng với đó, dân số Việt Nam đang trong thời kỳ vàng với quy mô ngày càng lớn, tỷ lệ dân số thành thị được dự báo sẽ tăng từ 37% hiện nay lên 45%. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ dân số trung lưu ở Việt Nam sẽ tăng từ 13% lên 26% vào năm 2026. Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm còn được hỗ trợ bởi chiến lược tái cơ cấu hệ thống khám chữa bệnh, chế độ bảo hiểm xã hội và khả năng nhằm tăng tỷ lệ tiếp cận khách hàng qua hệ thống ngân hàng (Bancassurance).

Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, doanh thu phí bảo hiểm vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu trong giai đoạn 2015 - 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm trên thị trường Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng từ 19% đến 26%/năm. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng từ 24% lên 35%/năm, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng từ 8,5% lên 16%/năm. 

Cục Giám sát và Quản lý bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính dự báo các chỉ số quan trọng trên thị trường bảo hiểm sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số vào năm 2022, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và khó khăn trong quá trình phục hồi nền kinh tế.

Về thị trường, cơ quan này dự báo tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm năm 2022 đạt 808.908 tỷ đồng, tăng 13,93% so với năm 2021. Đầu tư vào nền kinh tế ước đạt 677.036 tỷ đồng, tăng 17,32% so với năm 2021. Tổng tài sản bảo hiểm. dự phòng ước đạt 533,758 tỷ đồng, tăng 17,15% so với năm 2021.

Về phía DN, tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2022 ước đạt 165.069 tỷ đồng, tăng 8,25% so với năm 2021. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 253.730 tỷ đồng, tăng 18,04% so với năm 2021. Việc chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2021 ước đạt 58.291 tỷ đồng, tăng 17,61% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 14.513 tỷ đồng, tăng 14,15% so với năm 2021. Doanh thu hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm năm 2022 ước đạt 1.107 tỷ đồng, tăng 11,8%.

Tương tự, Trung tâm Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo doanh thu các sản phẩm bảo hiểm sẽ phục hồi tốt vào năm 2022 với sự mở cửa mạnh mẽ của nền kinh tế trong nửa cuối năm.

Ngoài ra, cơ quan này kỳ vọng Bảo hiểm điện tử sẽ dần được luật hóa cho các sản phẩm bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thiệt hại tài sản, bảo hiểm hàng hóa, từ đó thúc đẩy hoạt động bán hàng qua các kênh trực tuyến.

Ngoài ra, mối hợp tác giữa các công ty bảo hiểm và công ty InsurTech nhằm tăng cường đổi mới trong phân tích dữ liệu lớn cũng sẽ giúp các công ty bảo hiểm đa dạng hóa sản phẩm và kênh phân phối.

SSI Research dự báo doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2022 ước tăng 22-24% so với năm 2021. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 8-10% - thấp hơn mức tăng trưởng trước COVID-19. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng, tăng 18 - 20%.

bao-hiem-xa-hoi-16721277466681340307704.png
Mới khoảng 10 triệu người Việt Nam sở hữu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số. Tỷ lệ này được Bộ Tài chính dự kiến sẽ tăng lên 15% vào năm 2025.

Tầm quan trọng của chiến lược chuyển đổi số (CĐS) hiệu quả

So với các ngành tài chính khác, ngành bảo hiểm được coi là có tốc độ CĐS chậm, hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Bởi vì, bất chấp những nỗ lực đã được thực hiện, quá trình CĐS của các công ty bảo hiểm đang bị chậm lại, hầu hết người mua bảo hiểm nhân thọ vẫn muốn giữ hợp đồng giấy thay vì hợp đồng trực tuyến.

Trong một bài viết trên VietNamnews, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Bảo hiểm Bộ Tài chính (ISA), cho biết thách thức lớn nhất đối với các công ty bảo hiểm là chiến lược CĐS hiệu quả, vì nhiều công ty, kể cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài, chưa thực hiện đồng bộ số hóa mà chỉ ở một số giai đoạn.

Theo bà Phương, hiệu quả kinh tế của CĐS trong ngành bảo hiểm còn rất hạn chế. 

Thống kê của ISA cho thấy hiện tại, doanh thu bảo hiểm thông qua các kênh số hóa của phân khúc bảo hiểm nhân thọ chỉ chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường. Số lượng phân khúc bảo hiểm phi nhân thọ thậm chí còn thấp hơn, dưới 1%.

Tiến hành chuyển đổi số càng nhanh chóng, toàn diện và hiệu quả thì DN bảo hiểm sẽ càng thu được nhiều lợi nhuận. Vì vậy, các DN bảo hiểm cần xây dựng chiến lược và tính toán chi phí đầu tư hợp lý để thúc đẩy số hóa một cách hiệu quả.

Theo các DN bảo hiểm, việc thay đổi thói quen sử dụng công nghệ trong hoạt động bảo hiểm là khó, nhưng sự bùng nổ của chuyển đổi số trong cuộc sống cũng như lượng khách hàng bảo hiểm trẻ ngày càng tăng đang tạo điều kiện tốt cho ngành bảo hiểm chuyển đổi số.

Manulife Việt Nam là công ty bảo hiểm lớn tại Việt Nam. Khi hệ thống kỹ thuật số eClaims của Manulife mới ra mắt, nhiều khách hàng chưa quen với việc nộp hồ sơ trực tuyến, nhưng hiện nay, 95% yêu cầu bảo hiểm của Manulife Việt Nam đã đã được gửi qua công cụ này.

Trong thời đại mà tương tác kỹ thuật số được áp dụng cho hầu hết mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, việc khai thác sức mạnh của số hóa là điều quan trọng đối với các công ty bảo hiểm để thúc đẩy tương tác với khách hàng. Thách thức lớn nhất đối với tất cả các công ty bảo hiểm là cung cấp trải nghiệm số hóa bảo hiểm thuận tiện và thú vị cho khách hàng giống như các doanh nghiệp trong ngành tài chính khác.

Số hóa không chỉ đơn thuần là động lực cho sự tăng trưởng của riêng ngành bảo hiểm nhân thọ mà còn là yếu tố góp phần chuyển đổi toàn bộ chuỗi giá trị của ngành bảo hiểm. Nếu các công ty bảo hiểm không sớm đi vào kỹ thuật số, họ sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.

Thực tế, dịch COVID-19 đã tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế và bảo hiểm cũng không phải ngoại lệ. Đại dịch đã thu hút sự chú ý đến những lỗ hổng cụ thể trong ngành, khiến các công ty bảo hiểm nhận ra sự cần thiết phải tăng tốc chương trình kỹ thuật số. Bài học mà các công ty bảo hiểm có thể rút ra từ đại dịch là các công nghệ kỹ thuật số mang lại hiệu quả to lớn cho lĩnh vực này.

Guy Attar, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành tại GeoX, một công ty công nghệ cung cấp thông tin về tài sản cho ngành bảo hiểm bằng cách sử dụng AI, hình ảnh trên không và dữ liệu của bên thứ ba, cho biết hành trình số hóa của ngành bảo hiểm chỉ mới bắt đầu và nhu cầu của khách hàng chỉ có thể được đáp ứng nếu các công ty bảo hiểm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Được số hóa hoàn toàn đòi hỏi các quyết định dựa trên dữ liệu và điều này phải dựa trên dữ liệu chất lượng cao. Đại dịch đã chứng minh công nghệ rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm.

Cơ hội của ngành InsurTech

InsurTech là từ viết tắt của “Insurance” (bảo hiểm) và “Technology” (công nghệ). InsurTech (công nghệ bảo hiểm số) là thuật ngữ đề cập đến việc sử dụng những công nghệ đổi mới để tăng tính hiệu quả và tiết kiệm cho mô hình bảo hiểm truyền thống. Các hoạt động trong chuỗi bảo hiểm được thực hiện trực tuyến thông qua mạng Internet, từ những công đoạn đầu tiên như nghiên cứu khách hàng, thiết kế sản phẩm, marketing, đến giai đoạn bán hàng, giao kết hợp đồng và các nghiệp vụ sau bán hàng như chăm sóc khách hàng, thẩm định và giải quyết bồi thường. 

Ứng dụng công nghệ cũng được sử dụng trong việc bán hàng trực tuyến, các nghiệp vụ bảo hiểm như đánh giá rủi ro, giám định, định phí, tái bảo hiểm,... Các công ty InsurTech có thể là các công ty bảo hiểm gốc, các công ty đóng vai trò trung gian, làm môi giới hay đại lý bảo hiểm, hoặc chỉ cung cấp các giải pháp công nghệ, dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm.

Tại Việt Nam, InsurTech dù chỉ mới hình thành trong những năm gần đây nhưng đã phát triển nhanh chóng. Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm gốc đều đã xây dựng các ứng dụng hay các website trực tuyến phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, nhiều startup về InsurTech đã ra đời, như INSO, SaveMoney, MIIN, Papaya,... Những công ty này chủ yếu đóng vai trò trung gian và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho các công ty bảo hiểm gốc.

ong-tran-quang-ninh-1672128484872963430122.png
Ông Trần Quang Ninh, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Cổ phần SaveMoney.

Ông Trần Quang Ninh, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Cổ phần SaveMoney, cho rằng ngành bảo hiểm của Việt Nam được đánh giá rất non trẻ so với các nước khác. Trong khi đó, doanh thu các sản phẩm bảo hiểm công nghệ chỉ mới chiếm 2-3% doanh thu toàn thị trường bảo hiểm. Vì vậy, dư địa để phát triển ngành InsurTech Việt Nam rất rộng lớn. Năm nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã được Quốc hội thông qua, trong đó có những quy định đề cập đến vấn đề CĐS trong bảo hiểm cũng như mảng InsurTech.

Theo startup này, ngoài dư địa phát triển dồi dào, thị trường InsurTech Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi khác, như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Internet, các thiết bị di động và đặc biệt là xu hướng sẵn sàng đón nhận cái mới của người Việt.

Ngày nay giới trẻ đã rất quen thuộc với việc mua hàng online, ship đồ ăn. Thậm chí, nhiều nhà hàng mọc lên song không bán trực tiếp, mà chỉ bán online, xu hướng này còn được gọi là “nhà bếp trên mây”. Điều đó cho thấy tư duy tiếp nhận cái mới của người Việt rất nhạy bén.

Đó chính là một trong những thuận lợi của công cuộc chuyển đổi số nói chung và của các doanh nghiệp InsurTech nói riêng.

Ngoài ra, nhờ có công nghệ, ngành bảo hiểm đang dần thoát khỏi “lời nguyền” tam sao thất bản. Lý do là trước đây, các thông tin về bảo hiểm chủ yếu do các đại lý bảo hiểm truyền đến khách hàng, từ đại lý cấp 1, cấp 2 thậm chí đại lý không hiểu hết sản phẩm dẫn đến tư vấn sai. Hiện nay, với công nghệ, các công ty bảo hiểm đã công bố thông tin công khai, minh bạch trên ứng dụng, trên website để phục vụ khách hàng. Các thủ tục về hồ sơ, giấy tờ cũng được tinh giản và thực hiện nhanh gọn nhờ công nghệ.

Điều quan trọng, công nghệ giúp các công ty đáp ứng đúng nhu cầu của từng khách hàng cá nhân. Chẳng hạn, ứng dụng dữ liệu lớn (big data) giúp các DN phân tích, lựa chọn khách hàng phù hợp với từng gói sản phẩm bảo hiểm, xác định đúng khách hàng mục tiêu từ đó thiết lập sản phẩm và tiếp cận đúng đối tượng khách hàng. Chẳng hạn, một khách hàng có khả năng trả hóa đơn điện thoại khoảng 200.000 đồng/tháng sẽ có nhu cầu bảo hiểm khác với một khách hàng chi trả hóa đơn điện thoại 1 triệu đồng/tháng. Từ đó, DN sẽ thiết kế các gói sản phẩm bảo hiểm và giới thiệu sản phẩm đúng với nhu cầu, khả năng chi trả của từng khách hàng.

Các công ty InsurTech giống như một chiếc “cầu nối”, xây dựng nền tảng bảo hiểm trung gian. Các công ty bảo hiểm lớn nếu tự mình xây dựng nền tảng công nghệ bảo hiểm sẽ phải xây dựng đội ngũ, con người, đầu tư nền tảng công nghệ, thuê chuyên gia phân tích và xây dựng sản phẩm. Việc bắt tay với các công ty InsurTech sẽ giúp họ tiết kiệm chi phí công nghệ, chi phí vận hành, và có sẵn các chuyên gia công nghệ dày dặn kinh nghiệm, bởi số hóa không phải đơn giản là “nhấc” sản phẩm bảo hiểm truyền thống lên nền tảng số. Quá trình này giúp các công ty bảo hiểm giảm thời gian đưa hàng hóa, sản phẩm bảo hiểm lên kênh phân phối, từ đó giảm phí bảo hiểm cho khách hàng. 

Điều này rất quan trọng vì người dùng Việt Nam rất nhạy cảm với giá cả. Hơn nữa, trong suy nghĩ của nhiều người Việt, việc mua sản phẩm qua trung gian sẽ “mất phí hoa hồng”. Tuy nhiên, với mô hình công nghệ bảo hiểm, khách hàng sẽ có thể giảm chi phí bảo hiểm. Ngoài ra, các bước xử lý hậu bán hàng đối với sản phẩm bảo hiểm cũng rất quan trọng. Các nền tảng bảo hiểm công nghệ sẽ đóng vai trò kết nối với các dịch vụ như các đơn vị sửa chữa, bệnh viện .... Trong tương lai, bên trung gian (doanh nghiệp InsurTech) sẽ đảm nhiệm các công việc hạ tầng, kết nối để đảm bảo quá trình nhanh, thuận tiện và minh bạch phục vụ khách hàng.

DN InsurTech sẽ phải cạnh tranh bằng giá trị con người

Cơ hội nhiều song ngành InsurTech cũng đối mặt không ít thách thức. Hiện nay, bản thân ngành bảo hiểm truyền thống vẫn chưa thực sự có được niềm tin của người dùng, đâu đó vẫn có những câu chuyện “phốt” khiến niềm tin vào bảo hiểm chưa vững chắc.

Vì vậy, thách thức lớn của thị trường InsurTech nằm ở ý thức tham gia bảo hiểm của người tiêu dùng, điều này liên quan đến bối cảnh và thâm niên của ngành bảo hiểm tại Việt Nam. Tiếp cận khách hàng như thế nào để khách hàng tự động mua bảo hiểm online là bài toán không hề đơn giản với các startup InsurTech.

Ngoài ra, do bảo hiểm nhân thọ tương đối phức tạp vì liên quan đến yếu tố con người, như các đánh giá sức khỏe, tài chính, thu nhập, vì vậy hoàn toàn không đơn giản khi triển khai trên các nền tảng công nghệ. Hiện tại, quy mô thị trường InsurTech Việt Nam đang tập trung vào những dòng sản phẩm đơn giản, chủ yếu là bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm tài sản, nhà, xe, du lịch.... Thực tế trên thế giới, mô hình bảo hiểm công nghệ cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng có song rất ít.

papaya-16721287141761179377237.png
Papaya, một startup InsurTech có trụ sở tại TP.HCM.

Nói về thị trường InsurTech, đại diện SaveMoney nhận định bảo hiểm là sản phẩm tương đối tiêu chuẩn hóa. Nghĩa là, việc bảo hiểm xe ôtô ở Việt Nam cũng tương tự như ở châu Âu hay Mỹ, hay bảo hiểm con người thì dù ở đâu cũng liên quan đến những vấn đề về tử vong, rủi ro sức khỏe... Vì thế, các DN InsurTech Việt Nam có thể “nghĩ lớn” thiết kế sản phẩm bảo hiểm toàn cầu hóa, hơn là chỉ nhìn vào miếng bánh của thị trường Việt Nam.

Hiện nay, thị trường bảo hiểm truyền thống chủ yếu là sân chơi của các ông lớn nước ngoài. Trong khi đó, với kinh nghiệm làm bảo hiểm nhiều năm, đại diện startup này cho biết năng lực người Việt hoàn toàn có thể làm tốt các sản phẩm bảo hiểm. Hơn nữa, đối với InsurTech, yếu tố công nghệ đóng vai trò quan trọng, mà công nghệ lại mang tính toàn cầu, nên nếu không lớn mạnh, các startup InsurTech Việt Nam sẽ bị các đối thủ nước ngoài cạnh tranh.

Theo đại diện SaveMoney, có 2 yếu tố quan trọng góp phần định hình thành công của thị trường InsurTech là công nghệ và con người. Trong đó, yếu tố công nghệ sẽ giúp các DN đi xuyên biên giới. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là nền tảng phải tốt, chi phí vận hành rẻ và đảm bảo chất lượng để “ra nước ngoài” cũng như cạnh tranh với đối thủ nước ngoài ngay tại sân nhà.

Thành công sẽ nằm ở yếu tố con người, sự sáng tạo. DN InsurTech sẽ phải tạo ra những sản phẩm, quy trình sáng tạo để thu hút và cạnh tranh với các sản phẩm trong và ngoài nước khác. Chẳng hạn, trong thời gian đại dịch COVID-19, những sản phẩm bảo hiểm “chưa từng có” đã được bán ra. Điều đó cho thấy, những biến cố của thế giới đã mang lại sự thay đổi cho sản phẩm bảo hiểm cũng như “đất dụng võ” cho những sản phẩm sáng tạo. Các DN InsurTech, ngoài công nghệ, sẽ phải cạnh tranh bằng giá trị con người./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2022)

Bài liên quan
  • Ngành bảo hiểm cần thiết lập mạng lưới cung ứng số
    Đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính trên nền tảng số và phát triển của ngân hàng mở sẽ tạo sức bật cho ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam nói chung và lĩnh vực bảo hiểm nói riêng.
  • Startup đặt mục tiêu trở thành nền tảng so sánh bảo hiểm lớn nhất Việt Nam
    Kể từ sau đại dịch, nhiều người bắt đầu tìm kiếm các gói bảo hiểm sức khỏe cũng như chiến lược tài chính dài hạn để đảm bảo trước các rủi ro khó lường. Sự gia tăng này được xem là sân chơi lớn để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bảo hiểm (InsurTech) thể hiện mình. Và EZChoice là một trong số đó!
  • Lợi ích thiết thực từ Chuyển đổi số trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế
    Chuyển đổi số trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là nhiệm vụ then chốt của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong những năm qua. Toàn ngành đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, nhờ đó, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức số hoá ngành bảo hiểm và cơ hội của ngành Insurtech tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO