Thói quen đọc sách phải được vun bồi từ nhỏ

Bích Ngọc| 05/11/2022 10:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Đọc sách là một thói quen được rèn luyện chứ không phải niềm đam mê tự thân, và thói quen đó phải được vun bồi từ nhỏ. Nhiều người Việt Nam ham mê sách, ý thức giá trị của sách, đã và đang tạo cho trẻ tình yêu với sách, coi sách như món quà quý. Tuy nhiên, người Việt Nam vẫn thuộc nhóm người đọc ít sách nhất thế giới.

Tặng sách cho con thay tiền lì xì đầu năm

Dịp Tết vừa rồi, chị Nguyễn Thu Trang, Hà Nội, ghé phố sách Nguyễn Xí để chọn gần 30 cuốn sách. Những cuốn sách ấy là quà mừng tuổi, thay vì những phong bao tiền lì xì thông thường: "Mình lì xì các con bằng truyện tranh hay sách ảnh, là những món quà thiết thực hơn với các em so với việc cho tiền. Như là tạo nguồn sách để các em, các cháu có thói quen khám phá thế giới tốt hơn".

Anh Nguyễn Văn Hùng cũng lựa chọn khá nhiều sách để mang về quê mừng tuổi các con, các cháu nhân dịp Tết. Tuổi thơ lớn lên cùng với các nhân vật truyện tranh trong Doraemon nên anh Hùng lựa chọn bộ sách này cho con. Anh hy vọng bộ sách sẽ cùng bầu bạn với các con trong năm mới: "Đầu năm mới là sự khởi đầu mới. Thay vì lì xì bằng tiền, bằng vật chất thì mình có món quà lì xì về mặt tinh thần. Sách chứa đựng hàm lượng về kiến thức. Truyện tranh cũng có những bài học rất hay. Và mình nghĩ là những quyển sách đó rất có ý nghĩa".

Những năm gần đây, các nhà xuất bản ra mắt nhiều tập sách Tết, đặc biệt là những ấn phẩm nhiều màu sắc, hình vẽ vui nhộn, giới thiệu các phong tục Tết cổ truyền dân tộc. Bà Nguyễn Thuý Loan, Nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng, lì xì bằng sách không chỉ là nét đẹp đầu năm mà còn lan toả văn hóa đọc và kết nối tri thức: "Lì xì Tết bằng sách, mừng tuổi các con bằng sách cũng là văn hoá kiểu mới của chúng ta". Nhiều nhóm chung ý tưởng mừng tuổi sách đã được thành lập ở Hà Nội, thành phố HCM, các tỉnh Ninh Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị…

Lựa chọn sách làm quà là ý tưởng khá độc đáo và sâu sắc trong bối cảnh người Việt Nam đang rất ít đọc sách. Trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao nhất thế giới, Việt Nam không có tên. Trong khi đó, Đông Nam Á có 3 nước là Singapore, Malaysia và Indonesia. Mỗi người dân ở các nước đó đọc từ 12 - 15 cuốn sách/năm. Còn các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ thì tỉ lệ này cao hơn rất nhiều, từ 20 - 30 cuốn/người/năm. Người Israel đọc trung bình hơn 60 cuốn sách/năm. Theo khảo sát của báo Dân trí trong độc giả Việt Nam, 98% người trẻ cho biết họ không hề đọc một cuốn sách nào trong vòng một tuần; 80% bạn trẻ không đụng đến sách suốt 1 năm và chỉ có 12% bạn trẻ có đọc sách. Thống kê số người đọc sách ở Việt Nam trong 3 năm gần đây của Cục Xuất bản, mỗi năm một người Việt đọc chưa tới một cuốn sách.

Một phụ huynh chuẩn bị phần lì xì sách cho trẻ con

Một phụ huynh chuẩn bị phần lì xì sách cho trẻ con

Đọc sách là thói quen được định hướng từ gia đình, tới xã hội, chính quyền

Trong một gia đình, người lớn chỉ mải mê với ti vi và điện thoại di động thì không thể trông mong trẻ con đọc sách. Xã hội không coi trọng sách vở thì sách không có chỗ đứng. Chính quyền phải nhìn nhận thích đáng tầm quan trọng của sách tới sự phát triển trí tuệ và tinh thần của công dân thì mới có những chính sách thúc đẩy văn hóa đọc.

Theo cô giáo mầm non Lê Thị Hải Yến ở trường Nam Hồng, Hà Tĩnh, lứa tuổi mầm non là giai đoạn con học hành vi, nhận biết và gọi tên cảm xúc, vậy nên những câu chuyện sẽ trở thành công cụ hữu hiệu các cô giáo dành tặng cho trẻ ở thời kì này. Sự tập trung trong giai đoạn mầm non cũng là tiền đề cho sự tập trung học tập sau này của con ở các cấp học khác. Do đó, bằng cách kể những câu chuyện hấp dẫn cho các con, giúp các con hứng thú và theo sát diễn biến trong câu chuyện là cách tốt nhất giúp các con rèn luyện khả năng tập trung.

Tổ 5 tuổi Trường Mầm non Nam Hồng đã lồng ghép hoạt động "Đọc sách cùng bé" vào chương trình nhằm hình thành cho trẻ thói quen đọc sách. "Đọc sách cùng bé" có nhiều hình thức: Cho trẻ chọn và đọc sách theo ý thích, đọc sách theo nhóm, cô hướng dẫn trẻ cùng đọc, cô đọc sách cùng trẻ… Trẻ có thể chọn địa điểm đọc theo ý thích miến sao đem lại cho trẻ sự thoải mái nhất có thể ở góc sách của lớp. ở thư viện, ngồi ở ghế đá dưới cành cây, ở bãi cỏ…. Khi chọn sách cho trẻ đọc, các cô chọn sách phù hợp với lứa tuổi, có hình ảnh đẹp, sinh động, bắt mắt tạo hứng thú cho trẻ. Có thể cùng trẻ tham gia đọc sách  mọi lúc mọi nơi trong ngày. Vào giờ đón trẻ, nhiều phụ huynh cũng hưởng ứng, cùng đọc sách với con em mình.

Đọc sách giúp con người tiếp cận tri thức, tạo dựng tình yêu cuộc sống từ những điều đẹp đẽ, giản dị. Trẻ nhỏ nếu có thói quen đọc, khi lớn lên sẽ tự tìm đến sách mà không cần bất cứ tác động nào. Không khó để nhận thấy trẻ sẽ có thói quen đọc sách khi trong gia đình có tủ sách, có người thân đọc sách. Những đứa trẻ được cha mẹ đọc sách cho nghe sẽ thấm dần tình yêu sách, ham sách, vì trẻ tìm thấy trong sách nhiều câu chuyện thú vị.

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng việc đọc sách giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, hỗ trợ quá trình học tập, thúc đẩy tư duy, cảm xúc và biểu đạt; rèn luyện khả năng tập trung. Cha mẹ phải có ý thức đối với việc đọc sách và giá trị văn hóa trong đời sống, làm gương cho trẻ trong việc đọc sách.

Người Israel rất thích đọc sách

Người Do Thái rất thích đọc sách

Người Israel tập thói quen đọc sách cho trẻ như thế nào?

Ngày Sabbath là ngày lễ nghỉ ngơi của người Do Thái. Ở Israel, vào ngày này, tất cả các hoạt động đều dừng lại, các hãng hàng không ngừng bay, các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, các cửa hàng đều đóng cửa… Mọi người nghỉ ngơi và cầu nguyện. Nhưng tất cả các nhà sách được mở cửa. Mọi người đến nhà sách để yên lặng đọc sách.

Người Israel có thể nói là những người ham đọc sách nhất thế giới. Ở Israel, cứ 4.500 người sẽ có 1 thư viện. Trong mỗi gia đình luôn có 1 tủ sách được truyền từ đời này sang đời khác. Tủ sách thường được đặt ở vị trí đầu giường để trẻ nhỏ dễ thấy. Đất nước này có hai chỉ số về sách cao nhất thế giới là số lượng sách xuất bản theo đầu người cao nhất thế giới và số người trẻ đọc sách cao nhất thế giới. Cha mẹ luôn sẵn sàng làm tình nguyện viên đọc sách cho trẻ. Để thỏa mãn và khuyến khích trẻ đọc sách, cha mẹ thường xuyên dẫn trẻ đi mua sách hoặc đến thư viện. Nhờ truyền thống gia đình này mà đọc sách đã trở thành một thói quen thường nhật của người Israel. Người Israel đọc bình quân 64 cuốn sách/năm, là những người đọc nhiều sách nhất thế giới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thói quen đọc sách phải được vun bồi từ nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO