Thu hồi hàng chục giấy phép kinh doanh, ổn định thị trường bưu chính
Theo Vụ Bưu chính, giám sát doanh nghiệp hoạt động bưu chính sẽ tiếp tục được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.
Ngày 29/11/2024, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị Quản lý Nhà nước (QLNN) về Bưu chính với các Sở TT&TT các tỉnh/thành phố Trung ương. Hội nghị nhằm tổng kết công tác QLNN trong lĩnh vực Bưu chính tại địa phương năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính - Bộ TT&TT cho biết, "Trong năm 2024, lĩnh vực Bưu chính đã có bước phát triển rất tốt, doanh thu dịch vụ bưu chính trên cả nước ước đạt hơn 71.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023, sản lượng bưu gửi đạt khoảng 3,4 tỷ bưu gửi, tăng 30% so với năm 2023. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực Bưu chính cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước.
Theo nghiên cứu, đánh giá của Vụ Bưu chính, dư địa phát triển của lĩnh vực Bưu chính trong 5 - 10 năm tới còn rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) trên thế giới và tại Việt Nam vẫn đang duy trì tăng trưởng rất nhanh, khoảng 25 - 30%/năm".
Những kết quả chính của ngành Bưu chính Việt Năm năm 2024
Theo báo cáo Kết quả triển khai năm 2024 Chiến lược phát triển Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, dịch vụ bưu chính phục vụ TMĐT tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2023 (đạt chỉ tiêu đề ra năm 2024); Sản lượng bưu gửi trên đầu người đạt khoảng 34 bưu gửi/người trong năm 2024 (đạt chỉ tiêu đề ra năm 2024); Số dân phục vụ bình quân trên một điểm phục vụ bưu chính đạt mức 4.500 người/điểm phục vụ (vượt chỉ tiêu đề ra năm 2024 là 7.400 người/điểm phục vụ).
Trong khi đó, số điểm phục vụ bưu chính đạt 23.500 điểm (đạt chỉ tiêu năm 2024); 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ (đạt chỉ tiêu năm 2024); 81% điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ có kết nối Internet (chỉ tiêu năm 2024 đề ra là 90%).
Năm 2024, cũng đã ghi nhận phát triển được 3 doanh nghiệp (DN) bưu chính lớn dẫn dẵt thị trường (đạt chỉ tiêu đề ra năm 2024). Cũng theo báo cáo, trong năm 2024, 100% hộ gia đình tại Việt Nam đã có địa chỉ vật lý được gán địa chỉ số (vượt chỉ tiêu năm 2024 đề ra là 90%); 100% DN bưu chính lớn thực hiện báo cáo trực tuyến (đạt chỉ tiêu năm 2024).
Sàn TMĐT Buudien.vn do Bưu điện Việt Nam (BĐVN) phát triển, vận hành đã hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản và giao dịch bán (đạt chỉ tiêu năm 2024); 98% hộ SXNN có sản phẩm OCOP tham gia trưng bày và bán hàng trên sàn TMĐT do BĐVN sở hữu (chỉ tiêu năm 2024 là 100%); 18% sản phẩm giao dịch trên sàn TMĐT do BĐVN sở hữu được gắn thương hiệu, mã vạch sản phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (chỉ tiêu năm 2024 là 100%); 100% bưu gửi được phát đến địa chỉ.
Đặc biệt, trong năm 2024, chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) của Việt Nam đã tăng hạng, từ nhóm 6 năm 2023 lên nhóm 8 theo đánh giá của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024.
Thu hồi hàng chục giấy phép kinh doanh bưu chính
Theo ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, "Từ cuối năm 2023 đến Quý 2 năm 2024, Vụ Bưu chính đã phối hợp với Thanh tra Bộ và các Sở TT&TT trên cả nước thực hiện việc tổng rà soát hoạt động của các DN bưu chính trên cả nước, đã thu hồi hàng chục giấy phép kinh doanh bưu chính, các DN ngừng hoạt động, các DN hoạt động không đúng quy định đều có những xử lý kịp thời.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN bưu chính cũng đã được thực hiện hết sức cẩn trọng và kỹ lưỡng, để đảm bảo các DN bưu chính hoạt động đúng quy định của pháp luật. Trong công tác thẩm định cấp giấy phép bưu chính năm 2024, chúng tôi đã có những thay đổi, điều chỉnh căn bản để đánh giá đúng năng lực của DN đề nghị cấp phép Bưu chính, đảm bảo các DN được cấp giấy phép bưu chính có đủ năng lực, điều kiện để có thể kinh doanh bưu chính".
Theo báo cáo "Một số kết quả về công tác cấp phép, rà soát DN bưu chính và đánh giá chất lượng dịch vụ bưu chính năm 2024" của Vụ Bưu chính, trong Quý II/2024, đơn vị này đã phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh/thành phố tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các DN bưu chính trên cả nước để bảo đảm các DN này cung ứng dịch vụ bưu chính đúng pháp luật.
Để triển khai công tác này, trong thời gian 1,5 tháng, Sở TT&TT các tỉnh/thành phố đã khẩn trương tiến hành rà soát tình hình hoạt động của các DN bưu chính tại địa phương mình quản lý, kết quả: tổng số DN bưu chính do Bộ TT&TT cấp giấy phép bưu chính (GPBC) được tiến hành rà soát là 350 DN (chưa kể số DN bưu chính trên địa bàn TP. Hà Nội mà Vụ đã tiến hành rà soát cuối năm 2023); Tổng số DN bưu chính do các Sở TT&TT cấp GPBC được rà soát là 292 DN. Sau khi rà soát, đã có 60 DN nộp lại GPBC, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
Từ việc rà soát quy mô toàn quốc nói trên, Vụ Bưu chính cho biết đã giải quyết được các vấn đề quan trong là lược bỏ và chuẩn hoá số lượng các DN bưu chính trên thị trường thông qua việc DN bưu chính nộp lại các giấy do cơ quan QLNN cấp; Hướng dẫn, phổ biến quy định pháp luật bưu chính để nâng cao nhận thức của các DN bưu chính, các DN trong lĩnh vực này đã nắm rõ hơn về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi cung ứng dịch vụ bưu chính.
Và cuối cùng, Vụ Bưu chính cho rằng, việc rà soát, giám sát hoạt động của các DN bưu chính cần được Bộ TT&TT và các Sở TT&TT trên cả nước tiếp tục tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững./.