Doanh nghiệp bưu chính tìm kiếm cơ hội hợp tác về công nghệ
Theo Vụ trưởng Vụ Bưu chính, cạnh tranh về giá cả phản ánh sự phát triển của thị trường nhưng câu chuyện hợp tác về công nghệ là thiết yếu để kinh doanh tốt hơn.
Ngày 22/11/2024 tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp bưu chính năm 2024 với chủ đề “Khai thác dữ liệu - động lực cho chuyển đổi số lĩnh vực bưu chính”.
Diễn đàn có sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ TT&TT, Sở TT&TT các tỉnh, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, các Hiệp hội Bưu chính, Hiệp hội Logistics, Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) và Top 30 doanh nghiệp (DN) bưu chính lớn trên thị trường.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT đã cung cấp các số liệu tổng quan thị trường bưu chính năm 2024 và xu hướng chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bưu chính để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng logistics và thương mại điện tử (TMĐT).
Với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt mức 20% trong năm 2024, TMĐT đóng vai trò chủ yếu đối với tăng trưởng doanh thu dịch vụ bưu chính, trong đó doanh thu gói, kiện cho TMĐT chiếm trên 75% doanh thu gói, kiện và trên 65% doanh thu bưu chính.
Theo ông Lã Hoàng Trung, chủ đề của Diễn đàn lần này nhằm mục đích kết nối các doanh nghiệp (DN) bưu chính, tìm kiếm khả năng hợp tác, cùng thúc đẩy thị trường bưu chính Việt Nam ngày càng hiện đại, hiệu quả.
Về mặt chủ trương, chính sách, khoản 3 Điều 5 Luật Bưu chính năm 2010 đã có quy định về việc khuyến khích các DN bưu chính ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bưu chính. Đến năm 2022, Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để một số DN bưu chính lớn chuyển dịch theo hướng DN công nghệ.
Ông Lã Hoàng Trung cũng nhấn mạnh, trong thời đại kinh tế số phát triển hiện nay các DN bưu chính cần tính đến bài toán "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau".
Khai thác dữ liệu để CĐS bưu chính nhằm tối ưu hóa hoạt động của DN
Theo ông Vũ Chí Kiên - Phó Vụ Trưởng Vụ Bưu chính, hệ thống dữ liệu bưu chính gồm 4 lớp: thu thập dữ liệu, lưu trữ và xử lý, phân tích và ứng dụng. Khai thác hệ thống dữ liệu trong bưu chính là quá trình sử dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu tiên tiến để trích xuất thông tin có giá trị từ khối lượng lớn dữ liệu bưu chính, nhằm hỗ trợ ra quyết định và tối ưu hóa hoạt động.
Để thiết lập phương thức sản xuất mới cho các DN bưu chính, ông Vũ Chí Kiên cho biết dữ liệu phải đạt đến mức độ thời gian thực hoặc cận thời gian thực. Có như vậy, khai thác dữ liệu bưu chính sẽ giúp các DN giảm 20 - 30% chi phí, tăng 15 - 25% năng suất lao động nhờ phân bổ nguồn lực thông minh và cải thiện trải nghiệm khách hàng, tăng 30 - 40% độ chính xác trong dự báo thời gian giao hàng và cuối cùng, giảm 25 - 35% số lượng khiếu nại thông qua dự đoán và ngăn ngừa.
"Để quá trình khai thác dữ liệu được thành công, các DN bưu chính cần thay đổi văn hoá dữ liệu thông qua đào tạo và phát triển nhân sự, truyền thông nội bộ và quản lý sự thay đổi, xây dựng văn hoá đổi mới và học tập liên tục".
DN bưu chính nỗ lực CĐS để thích ứng với thị trường logistics và TMĐT
Tại Diễn đàn, các DN bưu chính đã chia sẻ các hoạt động CĐS tại đơn vị và giới thiệu các ứng dụng, giải pháp số để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và cung ứng dịch vụ với trải nghiệm tốt và thỏa mãn nhu cầu khách hàng trong thời đại số.
Một số DN bưu chính như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), J&T Express và Best Express giới thiệu bức tranh toàn cảnh về hoạt động CĐS trong hoạt động điều hành, SXKD của đơn vị mình. Trong khi một số DN bưu chính khác giới thiệu các ứng dụng cụ thể như Viettel Post với ứng dụng làm chủ công nghệ logistics, Ahamove Việt Nam với ứng dụng AI mua hộ trên cổng Danang Smart City của TP. Đà Nẵng giúp khách hàng mua hàng mà không cần đích thân đi đến cửa hàng, SPX giới thiệu ứng dụng chuyển phát hàng hóa và đối soát tiền COD…
Về đề xuất kiến nghị, hầu hết các DN bưu chính đều có mong muốn cơ quan nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu tốc độ cao và an toàn, miễn giảm thuế cho các DN bưu chính đầu tư vào công nghệ, xây dựng khung pháp lý rõ ràng để hỗ trợ phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và tăng cường hội thảo, truyền thông và đào tạo nhân sự trong lĩnh vực công nghệ số.
Chia sẻ nguồn lực để hợp tác phát triển
Đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng kiến nghị cần có các quy định về bảo mật dữ liệu khách hàng bưu chính do hiện tại DN bưu chính đang sở hữu một lượng lớn thông tin khách hàng.
Về phía các hiệp hội, ông Võ Văn Khanh - Đại diện miền Trung Tây Nguyên và Phụ trách TMĐT xuyên biên giới ACBC đã chia sẻ về dự án thúc đẩy CĐS đối với chợ truyền thống và thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới cho các DN miền Trung sang thị trường Lào và Thái Lan. Theo đó, cần sự hợp tác với các DN bưu chính để đồng hành với Hiệp hội.
Nói về sự hợp tác và chia sẻ giữa các DN bưu chính, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel Post đề nghị các DN bưu chính cũng chia sẻ các thông tin về shipper giữ tiền hàng của khách để đưa vào dữ liệu cảnh báo trong hồ sơ tuyển dụng.
Trong khi đó, ông Phan Trí Tuệ - Giám đốc Trung tâm Đổi mới và sáng tạo mong muốn chia sẻ các giải pháp đang triển khai ở Vietnam Post với các DN bưu chính khác.
Để khai thác hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực, ông Nguyễn Hồng Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam đề nghị Viettel Post nghiên cứu xây dựng mô hình chia sẻ hạ tầng các trung tâm kho bãi cho các DN bưu chính dùng chung, đặc biệt là các DN bưu chính siêu nhỏ.
Trước trao đổi của các đơn vị, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho biết, cạnh tranh về giá cả phản ánh sự phát triển của thị trường nhưng câu chuyện hợp tác về công nghệ là thiết yếu để kinh doanh tốt hơn, tạo động lực phát triển cho thị trường Bưu chính Việt Nam. Chia sẻ ứng dụng số, chia sẻ hạ tầng vật lý là những sáng kiến hay nhưng để dùng chung hiệu quả và bền vững phải có một cơ chế rõ ràng.
Hiệp hội Bưu chính Việt Nam sẽ là đầu mối quảng bá để các DN bưu chính nhỏ có thể tham dự diễn đàn thường niên, Vụ Bưu chính có thể kết nối để chia sẻ các giải pháp hay của top 30 DN bưu chính với các DN bưu chính khác có nhu cầu sử dụng. Về chia sẻ dữ liệu và bảo mật an toàn dữ liệu bưu chính, Vụ Bưu chính sẽ nghiên cứu để đưa vào quy định trong Luật Bưu chính sửa đổi trong giai đoạn tới.